QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vì sao lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt?

Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng, tiền gửi tăng thêm từ Kho bạc Nhà nước và việc các ngân hàng thương mại tiếp tục bán USD về Ngân hàng Nhà nước là những yếu tố hỗ trợ thanh khoản ngân hàng, khiến lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt trong tuần qua.

Lãi suất hạ nhiệt trên thị trường liên ngân hàng

Theo bản tin thị trường tiền tệ tuần từ 15/4 đến 19/4, Công ty Chứng khoán SSI cho hay tuần qua, ngoại trừ 5.000 tỷ đồng tín phiếu được bán ra trong phiên giao dịch ngày 16/4, không có giao dịch mới nào phát sinh trên thị trường mở trong cả tuần. Kênh OMO vẫn duy trì số dư bằng 0 trong khi kênh tín phiếu có 10.200 tỷ đồng đến hạn khiến số dư tín phiếu giảm về 5.000 tỷ đồng.

“Tính chung lại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng 5.200 tỷ đồng, lượng bơm ròng lũy kế 2 tuần qua là 11.806 tỷ đồng – xấp xỉ lượng đã hút ròng trong tuần đầu tháng 4. Bên cạnh đó, lượng tiền gửi tăng thêm từ Kho bạc Nhà nước và việc tiếp tục bán USD về NHNN đã hỗ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại (NHTM)”, các chuyên gia SSI nhận định.

Thanh khoản tốt kéo theo lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm liên tục, từ mức 4,37%/năm xuống 4,07%/năm với kỳ hạn qua đêm, từ 4,4%/năm xuống 4,12%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Trên thị trường 1, lãi suất huy động duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, 5,5-7,5% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.

SSI cho rằng lãi suất huy động vẫn sẽ được giữ ở mức hiện tại vì 3 lý do. Thứ nhất, với định hướng tăng trưởng tín dụng 12-14%, các NHTM vẫn cần nguồn để cho vay khách hàng. Thứ hai, việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất tốt hơn sẽ là cơ sở để các NHTM duy trì mặt bằng lãi suất huy động hiện tại.

Thứ ba, nhu cầu gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%, cũng là yếu tố khiến lãi suất huy động khó lòng giảm.

Dù lãi suất huy động duy trì ở mặt bằng mới cao hơn từ 0,5-0,7%/năm trong 5 tháng gần đây nhưng theo quan sát của SSI, lãi suất cho vay thực tế vẫn giữ ổn định ở mức 6-9% với kỳ hạn ngắn và 9-11% với trung và dài hạn, đặc biệt các NHTM quốc doanh còn giảm 0,5% với một số lĩnh vực ưu tiên.

“Vì thế, nếu mặt bằng lãi suất huy động không có những đột biến lớn, lãi suất cho vay sẽ được giữ ổn định, các NHTM sẽ thích ứng bằng cách điều chỉnh cơ cấu dự nợ, phát triển dịch vụ và tăng hiệu quả quản lý chi phí để gia tăng lợi nhuận”, SSI phân tích.

Tỷ giá VND tăng trên cả thị trường ngân hàng và tự do

Tuần qua, tỷ giá USD/VND tăng 10 VND/USD trên ngân hàng, lên mức 23.160/23.260 trên ngân hàng và tăng 15 VND/USD ở chiều mua vào, tăng 20 VND/USD ở chiều bán ra, lên mức 23.210/23.230.

Tỷ giá trung tâm tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 2 VND/USD lên mức 22.998 VND/USD.

SSI cho hay, hiện tại, sau khi liên tục mua vào một lượng lớn ngoại tệ trong những tháng đầu năm, cung cầu ngoại tệ đã kém thuận lợi hơn, đặc biệt là thông tin nhập siêu 750 triệu USD trong nửa đầu tháng 4/2019 cũng tác động đến tâm lý thị trường. Cùng với đó, diễn biến mạnh lên của USD trong tuần cũng khiến tỷ giá tăng trên cả thị trường ngân hàng và tự do.

“Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm, cán cân thương mại vẫn đang thặng dư 620 triệu USD, triển vọng gia tăng nguồn vốn FII từ thương vụ bán vốn lớn, chênh lệch lãi suất VND-USD vẫn giữ ở mức cao (1,5-1,7%/năm), dự trữ ngoại hối được củng cố sẽ là những yếu tố hỗ trợ tỷ giá USD/VND không biến động nhiều, khả năng vẫn dao động quanh mức 23.200 VND/USD”, SSI dự báo.

Theo Minh Tâm/Vietnam Finance