QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vì sao ngập lụt đang thành “đặc sản” của các đô thị?

Ngập lụt đang có xu hướng diễn ra nghiêm trọng hơn tại các thành phố của Việt Nam. Việc thường xuyên phải “thưởng thức đặc sản ngập lụt” khiến người dân ở các đô thị bị tác động trên nhiều khía cạnh.

Hiện nay, hệ thống đô thị nước ta có 862 đô thị các loại, phân bố khá đồng đều trong cả nước, tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 40%, kinh tế đô thị đóng góp 70% GDP cả nước, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Hệ thống đô thị đã tạo cho đất nước ta một diện mạo kiến trúc mới theo hướng văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, thì hệ thống đô thị nước ta cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ phát triển mới của đất nước khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là công nghiệp 4.0).

Công tác lập quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp… Số lượng đô thị tăng nhưng chất lượng đô thị và môi trường sống chưa được quan tâm đúng mức. Sử dụng đất đô thị, nước sạch còn lãng phí. Hệ thống kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải.

Không gian đô thị đang đặt ra một số thách thức gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, do đó đòi hỏi sự chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững và cải thiện lối sống cho người dân.

Biến đổi khí hậu có thể là một trong những hậu quả lớn nhất có thể xảy ra, với nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hại gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt, có thể trở thành một yếu tố ngày càng phù hợp trong việc cân nhắc sự thúc đẩy sự đô thị hóa thông qua công nghệ. Do đó cần cân nhắc trong việc thúc đẩy nhanh chóng quá trình đô thị hóa dựa vào công nghệ để cân đối toàn bộ các hoạt động trong tương lai.

Đường gom Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) bị ngập sáng 23/5. (Ảnh: Phạm Chiểu).

Ngập lụt đang thành “đặc sản” của đô thị!

Tình trạng ngập lụt đã và đang xảy ra thường xuyên tại các thành phố của Việt Nam. Việc thường xuyên bị ngập lụt đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống của các đô thị nước ta.

Trong mấy ngày qua, nhiều đường phố Hà Nội ngập sau mưa. Riêng ngày 22-23/5, mưa cục bộ khiến nhiều tuyến phố Hà Nội ngập 30-60 cm, gây cản trở giao thông trong buổi sáng thứ hai đầu tuần.

“Nay mọi người đều không thể đi làm vì lối lên cầu duy nhất ngập sâu, nhiều xe đi bị chết máy phải nhờ hỗ trợ”, anh Chinh, cư dân khu chung cư Xuân Mai Complex nói và cho biết hơn 5 năm qua đoạn đường này mới ngập sâu như vậy.

Một thực tế, hiện hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng đô thị còn đạt thấp. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý và phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu; tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng ở phần lớn đô thị Việt Nam đều chậm so với phát triển kinh tế xã hội. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa tăng quá nhanh khiến hệ thống hạ tầng, dù chưa hoàn thiện cũng buộc phải “cõng tải”, dẫn đến tình trạng ngập úng ở cả những khu vực công trình mới.

TS.KTS Trần Quốc Thái- Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị.

TS. Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã từng nói, các đô thị Việt Nam có lịch sử phát triển bề dày qua nhiều giai đoạn và hiện phần lớn có sự đan xen giữa các yếu tố cổ, cũ và mới. Việc úng ngập hay sạt trượt được ghi nhận xảy ra từ khu vực xây dựng mới hoàn toàn cho đến khu vực hiện hữu và giáp ranh.

Một trong những nguyên nhân gây úng ngập tại những khu vực có công trình xây dựng mới là do lựa chọn địa điểm phát triển đô thị chưa tốt.

Có trường hợp thì do chịu tác động của biến đổi khí hậu và được xếp vào nhóm rủi ro cao. Hoặc có những nơi chưa làm tốt việc khớp nối giữa các khu vực khi quy hoạch phát triển đô thị hay quản lý cốt quy hoạch giữa các khu vực với nhau, ông Thái nhận xét.

Một nguyên nhân cũng khiến tình trang “cứ mưa là ngập” đang ngày càng nặng nề hơn do liên quan đến việc san lấp ao hồ tràn lan hiện nay.

Mới đây, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã đăng tải loạt tuyến bài: “Cơn lốc” bê tông hóa trên các hồ nước tại Hà Nội, trong đó có bài: “Hà Nội: Người dân kiên quyết phản đối lấp hồ ở Ngọc Thụy Long Biên” đưa thông tin người dân tổ 11 và 12 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội tập trung phản đối việc lấp hồ Bà Đồ. Bà Nguyễn Thị Lan cùng gần 100 hộ dân đã gửi đơn kiến nghị xin được giữ nguyên các hồ này đến UBND quận Long Biên.

Người dân ở đây cho biết, tại địa bàn tổ 11 và 12  phường Ngọc Thụy có nhiều dự án xây dựng đất ở chưa được sử dụng hết, thậm chí một số dự án chưa có người vào ở. Vì vậy, việc lấp hồ để tạo thêm đất ở là bất hợp lý, đất đang không được tận dụng, lãng phí tài nguyên. Thêm vào đó, hồ Bà Đồ là hồ sinh thái của một khu vực dân cư rộng lớn xung quanh. Nếu không có hồ, đến mùa mưa bão rất có thể sẽ dẫn đến ngập lụt.

GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng dù có diện tích mặt nước lớn nhưng trong những năm qua, Hà Nội đã lấp đi quá nhiều ao hồ tự nhiên trong khi hồ đã hình thành tự nhiên thì sẽ có chức năng điều hòa nguồn nước, tạo cảnh quan. Vì thế, không nên vì lợi ích trước mắt mà lấp hồ, bởi hệ quả của việc lấp hồ sẽ gây ra những biến động của thiên nhiên ngay lập tức như: Ngập lụt, ô nhiễm, giảm lượng nước ngầm đột ngột.

Theo ông Võ, trước đây ở quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) cũng đã từng có nhiều tranh cãi về câu chuyện lấp hồ tự nhiên. Tại các hội thảo khoa học, cá nhân ông được biết Hà Nội không có chủ trương lấy thêm diện tích đất mặt nước tự nhiên.

“Những năm gần đây, khi xây dựng các dự án bất động sản lớn hay đại đô thị, chủ đầu tư còn phải múc thêm hồ để tạo cảnh quan, điều hòa nguồn nước khu đô thị, trong khi hồ tự nhiên lại đang bị chúng ta lấp bỏ không thương tiếc. Đây là câu chuyện rất đáng buồn,” GS. Đặng Hùng Võ chia sẻ nỗi trăn trở.

Khi dân số và cơ sở vật chất của các thành phố tiếp tục phát triển, chúng ta phải đối mặt với những thách thức liên quan đến nhà ở, quản trị, di chuyển trong đô thị và đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu.

Phát triển đô thị dựa trên các biện pháp bền vững, thích ứng với khí hậu sẽ mang lại một môi trường an toàn và lành mạnh cho sự phát triển kinh tế và tăng cường khả năng chống chịu của cư dân thành phố. Khả năng chống chịu của đô thị chính là việc giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai và cũng liên quan đến khả năng nhanh chóng trở lại trạng thái ổn định. Tuy nhiên, những biện pháp thích ứng với khí hậu và khả năng chống chịu không phải lúc nào cũng được lồng ghép chặt chẽ vào các quy trình lập kế hoạch và ngân sách cho đô thị.

TP.HCM đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nước biển dâng. (Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức)

Phó trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Sitara Syed cho rằng: “Các nỗ lực tổng thể nhằm giảm thiểu rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu trên quy mô quốc gia cần phải kết hợp với việc giảm thiểu rủi ro đặc biệt là ở các khu vực đô thị”.

Bà Sitara Syed lưu ý rằng, hầu hết các thành phố bị ảnh hưởng bởi thiên tai đều không được chuẩn bị ứng phó với thiên tai sẽ xảy ra trong tương lai hoặc để giảm các rủi ro liên quan. “Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Thành phố là nơi bị ảnh hưởng đầu tiên của biến đổi khí hậu, cả về những gì đang bị đe dọa và về tiềm năng tạo ra những thay đổi có ý nghĩa và lâu dài. Nếu không ưu tiên tăng cường khả năng chống chịu của các đô thị, chúng ta có nguy cơ đánh mất lợi ích phát triển của Việt Nam trước những thiên tai mà lẽ ra có thể tránh được”.

Nền tảng của công nghệ số giúp phát triển đô thị bền vững?

Về vấn đề này, KTS. Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam đã có bài phân tích mới đây: Thực trạng hiện nay là ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Khả năng ứng phó, thích ứng  trước biến đổi khí hậu và đại dịch yếu. Sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo trong cư dân đô thị ngày càng xa dẫn đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận và hưởng thụ phúc lợi xã hội của Nhà nước. Mâu thuẫn giữa phát triển với việc giữ gìn bảo tồn di sản văn hóa lịch sử đô thị diễn ra gay gắt… Trình độ năng lực của đội ngũ công chức quản lý đô thị yếu kém…

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam.

Vấn đề này đã ảnh hưởng và cản trở sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước. Vì thế, đổi mới toàn diện trong phát triển đô thị là yêu cầu cấp thiết được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Và mới đây, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045” ngày 24/01/2022 đã khẳng định quyết tâm này.

Nước ta đã bắt đầu công nghiệp 4.0 với quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Công nghiệp 4.0 mà nền tảng là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn cho phép chúng ta đổi mới toàn diện hệ thống phát triển đô thị, từ phương pháp luận đến công tác lập quy hoạch, phân loại, nâng cấp đô thị, chọn lựa mô hình phát triển đô thị (đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị sinh thái…) và quản lý đô thị (chính quyền đô thị thông minh, chính quyền đô thị xanh…).

Vì thế, những vấn đề đặt ra như: hệ thống đô thị hiện nay đã phát triển đảm bảo bền vững chưa; phân loại và nâng cấp đô thị theo theo Quyết định 445/QĐ-TTg năm 2009; Quyết định 1659/QĐ-TTg, năm 2012 về Chương trình phát triển đô thị quốc gia(2012-2020) và nhiều văn bản pháp luật có liên quan có cần đổi mới cho phù hợp với phát triển bền vững của quốc gia trong gia đoạn mới không; hệ thống đô thị hiện nay có khả năng chống chịu với thiên tai thảm họa do biến đổi khí hậu và đại dịch gây ra  chưa.v.v… rất cần được giải đáp thỏa đáng.

Từ những năm 70 của thế kỷ XX đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển thành công một số mô hình đô thị phát triển bền vững như: đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh… Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta tham chiếu, học hỏi kinh nghiệm và vận dụng  một cách sáng tạo, có chọn lọc, phù hợp với điều kiện địa chính trị, văn hóa của nước ta trong phát triển đô thị.

Các đô thị kiểu mới phải là các đô thị xanh, đô thị thông minh, bền vững. (Ảnh: Internet)

Ở Việt Nam, hiện có nhiều cách hiểu khác nhau (hoặc chưa đầy đủ) về đô thị xanh, đô thị bền vững, đô thị thông minh… cho dù các khái niệm này rất hay được nhắc đến, thậm chí còn được nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động triệt để lợi dụng để tăng giá trị lợi nhuận cho sản phẩm của mình.

Nhưng tiêu chí thế nào là đô thị xanh, là đô thị thông minh, là đô thị phát triển bền vững thì vẫn chưa được pháp điển hóa trong các quy phạm, tiêu chuẩn xây dựng của Nhà nước. Ngay như khái niệm về “khu đô thị mới” ở nước ta cũng rất không rõ ràng. Hơn 780 khu đô thị mới với hàng ngàn chung cư cao tầng hiện đại được xây dựng ở nước ta kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, thực tế cũng chỉ là các “khu nhà ở mới”, “là nơi để ngủ”, chứ không phải là đô thị.

Bởi theo Luật quy hoạch đô thị 2009 (Điều 3) thì “Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn”.  Vì thế khái niệm này cũng nên được xem xét lại cho phù hợp với luật pháp và điều kiện Việt Nam.

Khi bước vào công nghiệp 4.0, Chính phủ ta đã rất quan tâm đến phát triển đô thị thông minh và bắt đầu triển khai xây dựng mô hình đô thị thông minh (Smart City) trên nền tảng của công nghệ số, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số (Digital Transformation), thông qua các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cụ thể như: Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong đó cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung và đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm trên, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Như vậy có thể thấy, xây dựng thành phố, đô thị thông minh không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là nhu cầu, bức thiết của các đô thị Việt Nam. Phát triển đô thị thông minh cũng chính là phát triển đô thị xanh, đô thị bền vững.

Bởi để trở thành đô thị thông minh thì đô thị phải đảm bảo 6 thành tố cơ bản, đó là: Chính quyền thông minh (chính quyền điện tử); Cư dân thông minh; Môi trường thông minh; Cuộc sống thông minh; Kinh tế thông minh; Giao thông thông minh. Những thảm họa do thiên tai gây ra như bão,lũ lụt, sạt lở đất làm thiệt hại to lớn về người và kinh tế ở khu vực biển miền Trung những năm qua, đặc biệt là trong hai năm gần đây (2020-2021) cùng với sự bùng phát đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ những yếu kém của hệ thống đô thị, trong đó có cấu trúc không gian đô thị của hai thành phố cực lớn là Hà Nội và TP.HCM

Công nghệ số gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh, giải quyết nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp cho phòng chống thiên tai, đại dịch, quy hoạch, vận hành, quản lý cho các địa phương, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển.

Mô hình “Thành phố 15 phút” sẽ là xu hướng phát triển

Gần đây, mô hình “Thành phố 15 phút” của Carlos Moreno- Giáo sư Đại học Pantheon Sorbonne (Paris-Pháp) được Quỹ Henrik Frode Obel trao Giải thưởng Obel-2021, một giải thưởng quốc tế danh giá nhằm tôn vinh những đóng góp xuất sắc về quy hoạch đô thị cho sự phát triển của con người trên toàn thế giới. Với ý tưởng này, mọi nhu cầu thiết yếu của người dân như làm việc, học tập, mua sắm, giải trí, khám chữa bệnh… được giải quyết chỉ trong bán kính tương đương 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp.

Mô hình “Thành phố 15 phút” sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của đô thị

Theo các chuyên gia, mô hình “Thành phố 15 phút” sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của đô thị trên thế giới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, tạo điều kiện để con người giảm nhu cầu đi lại và tiếp xúc trực tiếp nhờ các nền tảng giao tiếp và mua sắm trực tuyến. Mô hình này cũng giúp các cư dân chống chọi tốt hơn trước đại dịch Covid-19, vốn làm gián đoạn mọi hoạt động kinh tế, giao thương và giao tiếp xã hội.

Với chúng ta, mô hình này rất phù hợp để cải tạo các khu dân cư hiện hữu ở Hà Nội, TP.HCM, có không gian ngõ hẻm chật chội, hạ tầng thiếu thốn, giao thông ngoằn ngèo, chật hẹp chỉ rộng từ 1,5 đến 2 m, lại tập trung đông dân cư với mật độ cư trú rất cao, phần lớn là những người nghèo, tầng lớp yếu thế trong xã hội, khả năng chống chịu trước dịch bệnh, thiên tai kém.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang giúp Hà Nội điều chỉnh quy hoạch chung đã được duyệt 2011, đây là cơ hội để xem xét những bất cập tồn tại trong quá trình phát triển vừa qua, đề xuất quy hoạch phát triển Hà Nội bền vững trong thời kỳ mới, thích ứng với biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.

Cấu trúc thành phố với đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, chuỗi đô thị sông Hồng, đô thị thông minh…và ngay cả mô hình “Thành phố 15-20 phút” mà thế giới đang đề cập tới cũng cần được nghiên cứu áp dụng để cải tạo quy hoạch các khu vực ngõ ngách hẻm đông dân cư trong trung tâm thành phố.

Theo Bùi Hằng/Kinh tế Môi trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/vi-sao-ngap-lut-dang-thanh-dac-san-cua-cac-do-thi-67489.html