QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vì sao Tập đoàn FLC lãi hẻo 8 tỷ đồng, khối nợ “phình” to 17,5 nghìn tỷ đồng?

Lợi nhuận gộp kinh doanh giảm mạnh 63%, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng đột biến… khiến lợi nhuận sau thuế quý 1 của Tập đoàn FLC (mã: FLC) sụt giảm 91,83%, chỉ còn 8 tỷ đồng. Hiện, FLC đang đối mặt với áp lực tài chính căng thẳng khi khối nợ tăng lên tới 17.500 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp từ kinh doanh của Tập đoàn FLC sụt giảm mạnh chỉ đạt 84,3 tỷ đồng

Mảng dịch vụ thua lỗ lớn

Kết quả Tập đoàn FLC bất ngờ giảm mạnh vào quý 1/2019 – là thời điểm hãng hàng không Bamboo Airways của FLC chính thức bay thương mại.

Theo BCTC hợp nhất, trong quý 1, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.980 tỉ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn hàng hoá lại tăng 46% lên tới 2.895 tỉ đồng, nên lợi nhuận gộp sụt giảm 63% chỉ còn 84,4 tỷ đồng, tương ứng với biên lãi gộp 2,83%.

Doanh thu tài chính tăng đột biến gấp 2,35 lần lên tới 311,7 tỷ đồng, chi phí lãi vay tăng nhẹ lên 87 tỷ đồng.

Kỳ này các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên mức 97 tỷ đồng và 157 tỷ đồng, lần lượt tăng 210% và 162% so với quý 1 năm trước.

Theo giải trình của FLC, lợi nhuận gộp giảm 63% cùng với chi phí quản lý, chi phí bán hàng tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận quý 1 “bốc hơi” rất mạnh. Kết qủa, 3 tháng đầu năm nay lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 72 tỷ đồng và lãi sau thuế còn vỏn vẹn… 8,1 tỷ đồng, tức giảm tới 91,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 2 năm trở lại đây, mức lợi nhuận ròng thấp nhất của Tập đoàn FLC ghi nhận vào quý 2/2017 khi chỉ lãi sau thuế 5 tỷ đồng.

Các chỉ số ROA chỉ đạt 0,03% và ROE là 0,09% cho thấy mức độ sinh lời trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Tập đoàn FLC rất thấp.

Xét cơ cấu doanh thu, quý đầu năm, Tập đoàn FLC vẫn tăng trưởng doanh thu bán hàng 20,5% đạt hơn 1.403 tỷ đồng và lãi gộp chỉ đạt 45,5 tỷ đồng.

Mảng kinh doanh bất động sản ghi nhận 971 tỷ đồng doanh thu và lãi gộp 254 tỷ đồng.

Riêng mảng cung cấp dịch vụ dù đem về 644 tỷ đồng doanh thu, tăng trường gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm trước song lợi nhuận gộp lại bị âm 176 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá vốn của dịch vụ cung cấp tăng gấp gần 10 lần lên tới 820 tỷ đồng.

Mảng kinh doanh dịch vụ bị thua lỗ tới 176 tỷ đồng trong quý 1/2019

Được biết, từ ngày 16/1/2019 Hãng hàng không Bamboo Airways do Tập đoàn FLC sở hữu 100% vốn điều lệ đã cất cánh bay thương mại đầu tiên. Theo thống kê của Cục Hàng không dân dụng, Bamboo Airways đã khai thác tổng cộng 2.024 chuyến bay trong quý 1. Với việc đầu tư mua sắm và thuê nhiều máy bay mới, Tập đoàn FLC sẽ phải hạch toán các khoản chi phí lớn ngay trong quý 1 như chi phí khấu hao máy bay, chi phí vận hành, khai thác, chi phí nhiên liệu, chi phí vay vốn…

Mặc dù FLC chưa công bố tình hình tài chính của Công ty TNHH Hàng không tre Việt (sở hữu Bamboo Airways) nhưng nhiều khả năng mảng kinh doanh dịch vụ hàng không này đang bị lỗ.

Theo BCTC riêng lẻ của Tập đoàn FLC cho thấy quý 1 vẫn có lợi nhuận sau thuế là 249 tỷ đồng, tăng đột biến 185% so với quý 1/2018. Lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu do doanh thu bất động sản và doanh thu từ hoạt động tài chính tăng cao trong kỳ.

Sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh, đã có công ty con, công ty liên kết của FLC bị lỗ tổng cộng khoảng 241 tỷ đồng, dẫn tới kéo giảm lãi chung tập đoàn.

Ngoài Bamboo Airways, trường hợp thua lỗ khác có thể xem xét là CTCP Nông Dược HAI (mã: HAI) mà Tập đoàn FLC sở hữu hơn 12,65% cổ phần tại đây. Sau kiểm toán, HAI đã bị lỗ tới 71 tỷ đồng trong năm 2018. Nếu như tình hình thua lỗ chưa được khắc phục trong quý 1 đầu năm nay thì sẽ ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận của Tập đoàn FLC.

Giữa năm 2018, Tập đoàn FLC đã sở hữu 23 triệu cổ phiếu HAI với giá gốc 260,9 tỷ đồng. Trong gần 1 năm qua, cổ phiếu HAI trên sàn đã giảm rất mạnh về quanh mức 1.700 đồng/CP, “bốc hơi” tới 85% giá trị. Do đó, tại thời điểm 31/3/2019, FLC ghi nhận khoản trích dự phòng đầu tư vào HAI là gần 220 tỷ đồng, bằng 77% giá trị khoản đầu tư gốc.

Nợ phải trả hơn 17,5 nghìn tỷ đồng

Không chỉ kết quả lợi nhuận đi xuống mà nhiều năm qua, Tập đoàn FLC còn đối mặt áp lực Nợ phải trả lớn, hiện đã vượt mức 17.504 tỷ đồng tính đến 31/3/2019. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,94 lần, tiếp tục tăng lên so với 1,87 lần hồi đầu năm.

Trong số đó, nợ ngắn hạn lên tới 14.040 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 80,2% khối nợ phải trả, còn lại nợ dài hạn hơn 3.463 tỷ đồng.

Các khoản nợ lớn của Tập đoàn FLC chủ yếu nằm ở nợ người mua trả tiền trước (3.295 tỷ đồng), phải trả người bán ngắn hạn (2.479 tỷ đồng), phải trả khác ngắn hạn (3.876 tỷ đồng), vay và nợ thuê tài chính (5.226 tỷ đồng)… Báo cáo qua các năm cho thấy, FLC đã nợ của nhiều đối tác nhà thầu xây dựng công trình, cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ với số tiền từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng… khiến các đối tác khổ sở đòi nợ.

Trong 4 năm qua, nhiều ngân hàng đã cấp tín dụng cho FLC đầu tư dự án bất động sản lớn, và gần đây là mua sắm máy bay cho Bamboo Airways, Tổng nợ vay và thuê tài chính đến cuối tháng 3/2019 đã tăng lên mức 5.226 tỷ đồng, trong đó, chiếm tới 62% là nợ vay dài hạn.

Cụ thể, FLC đang vay nợ tại 12 tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, mà dư nợ lớn nhất ở BIDV là 1.752 tỷ đồng, Ngân hàng Phương Đông –OCB là 584 tỷ đồng và 280 tỷ đồng trái phiếu, PVcombank là 562 tỷ đồng, Ngân hàng Quốc Dân- NCB là 789 tỷ đồng, SHB dư nợ trái phiếu 367 tỷ đồng….

Ngoài ra, FLC đang có dư nợ cuối kỳ tại Credit Suisse AG (Singapore) là 697 tỷ đồng và 120 tỷ đồng vay Ngân hàng Công thương Trung Quốc.

Quy mô nợ vay ngân hàng của Tập đoàn FLC đã vượt mức 5.193 tỷ đồng tính đến hết tháng 3/2019

Các chủ nợ ngân hàng đã nhận tài sản bảo đảm cho nợ vay là dự án bất động sản và nguồn thu từ các sản phẩm dự án của Tập đoàn FLC, quyền đòi nợ, ô tô… Thậm chí, có ngân hàng nhận thế chấp hàng triệu cổ phiếu (FLC, ROS) của bên thứ ba và tín chấp để cho vay hàng trăm tỷ đồng.

Đơn cử, trong giai đoạn 2015-2017, Vietinbank đã cấp hạn mức tín dụng cho FLC vay tổng cộng 1.729 tỷ đồng trong thời hạn 72 tháng, lãi suất 11%/năm kỳ đầu tiên (lãi kỳ sau thả nổi cộng biên độ 5%/năm). FLC đã thế chấp toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có của dự án khu đô thị sinh thái FLC Sầm Sơn, Samson FLC Golflinks và một dự án khác.

Hay toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có của dự án tháp đôi FLC Twin Tower (số 265 Cầu Giấy, Hà Nội) đã được thế chấp cho khoản vay tại Ngân hàng Phương Đông-OCB.

Ngân hàng Quốc Dân – NCB đã cho Công ty Alaska (thuộc Tập đoàn FLC) hạn mức vay 300 tỷ đồng để đầu tư dự án Khu đô thị Đại Mỗ nhưng tài sản bảo đảm chỉ là quyền đòi nợ, quyền phải thu phát sinh từ các hợp đồng mua bán nhà.

Nhất là vào ngày 8/6/2017 NCB cho Công ty FLC Land vay hạn mức tín dụng là 200 tỷ đồng và nhận đảm bảo bằng 4,3 triệu cổ phiếu ROS trị giá 487 tỷ đồng. Tức mức giá cổ phiếu ROS được định giá thế chấp ở NCB là hơn 113.000 đồng/CP. Nhưng giá cổ phiếu ROS thời gian qua đã giảm rất mạnh hiện chỉ còn 30.000 đồng/CP, có nghĩa giá trị tài sản đảm bảo của FLC tại NCB chỉ còn 1/3 so với sổ sách. Hiện chưa rõ chủ nợ NCB có đánh giá lại sự “hao hụt” tài sản cổ phiếu này để yêu cầu khách hàng bổ sung tài sản bảo đảm theo quy định?

Theo Kim Anh/Kinh tế môi trường