QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vì sao thương hiệu VPBank được đánh giá vượt trội so với các ngân hàng tư nhân khác?

Lý giải về việc VPBank là ngân hàng tư nhân có giá trị thương hiệu mạnh nhất Việt Nam trong bảng xếp hạng mới nhất của Brand Finance, ông Lại Tiến Mạnh đại diện BrandFinance tại Việt Nam cho biết một yếu tố rất quan trọng là dự báo tăng trưởng của VPBank được Bloomberg đánh giá cao hơn so với các ngân hàng Việt khác xét về tiềm năng thị trường và tầm nhìn chiến lược lâu dài.

VPBank đã có sự tăng trưởng ấn tượng năm vừa qua.

Trong Bảng xếp hạng 500 Thương hiệu Ngân hàng lớn nhất toàn cầu (Brand Finance Banking 500) năm 2021 được Brand Finance – công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới – công bố đầu tháng 2 vừa qua, thứ hạng thương hiệu của VPBank đã tăng thêm 37 bậc – lên vị trí thứ 243, là ngân hàng tư nhân Việt Nam duy nhất lọt vào Top 250 ngân hàng có giá trị nhất toàn cầu.

– Trong Bảng xếp hạng vừa được Brand Finance công bố, các ngân hàng Việt đã “lội ngược dòng” so với ngành ngân hàng toàn cầu khi giá trị thương hiệu tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020. Theo ông, nhờ đâu mà ngành ngân hàng Việt Nam gặt hái được thành quả như vậy?

Phải nói đến một thực tế là trong thời gian qua, thế giới đã chứng kiến một giai đoạn đình trệ và suy thoái kinh tế nghiêm trọng do Covid 19. Các quốc gia đầu tầu có nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đều suy thoái. Hoạt động kinh doanh đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, lao động mất việc làm, tiêu dùng lao dốc … là những hiện tượng phổ biến khắp nơi trên thế giới dẫn đến hoạt động của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng theo.

Khi nền kinh tế bị đình trệ, các nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng giảm theo và đo đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh ngành ngân hàng. Hơn nữa, với các hệ thống tài chính lớn cồng kềnh thì sự thay đổi linh hoạt để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp cũng chậm chạp và khó khăn hơn. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng một cách trực tiếp.

Ông Lại Tiến Mạnh – Đại diện Brand Finance tại Việt Nam.

Trong khi đó tại Việt Nam, chúng ta rất may mắn do đã kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả và trở thành một trong số các quốc gia hiếm hoi có tăng trưởng kinh tế trên thế giới. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã chuẩn bị về công nghệ và số hoá trước khi xảy ra dịch bệnh nên khi có vấn đề, các ngân hàng đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình này và hoàn toàn có thể ứng phó một cách hiệu quả sự thay đổi đột ngột về nhu cầu giao dịch ngân hàng của tất cả khách hàng, cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Kết quả tất yếu là các ngân hàng hàng đầu Việt Nam đã có kết quả kinh doanh cực kỳ ấn tượng và đó là lý do chính giúp các ngân hàng Việt Nam có sự thăng hạng rất ấn tượng trong bảng xếp hạng của Brand Finance trong khi nhiều ngân hàng nước ngoài bị tụt giá trị và thứ hạng trong bảng xếp hạng này.

– Điều bất ngờ là theo bảng xếp hạng của Brand Finance, VPBank là ngân hàng tư nhân có vị trí cao nhất, đồng thời cũng có tốc độ vươn thứ bậc tốt nhất. Nếu chỉ so sánh về kết quả kinh doanh, có khá nhiều ngân hàng tư nhân khác của Việt Nam cũng tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 như Techcombank, ACB…. Điều gì khiến Brand Finance đánh giá thương hiệu VPBank vượt trội hơn so với các tên tuổi khác trên thị trường?

Tại bảng xếp hạng ba năm về trước, năm 2019, VPBank đã trở thành ngân hàng thuộc khối tư nhân đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới của Brand Finance. Theo công thứ định giá của Brand Finance, giá trị một thương hiệu được tổng hợp dựa vào các trụ cột chính là “Sức mạnh thương hiệu”, “Kết quả kinh doanh” và “Dự báo tăng trưởng trong tương lai”.

Trong đó kết quả kinh doanh và dự báo tăng trưởng được chúng tôi tổng hợp từ nguồn thông tin chính thống duy nhất trên toàn thế giới là Bloomberg. Điều này đảm bảo tính chính xác và minh bạch về thông tin giữa tất cả các thương hiệu trên toàn thế giới chứ không có ngoại lệ cho bất kỳ thương hiệu ở bất kỳ quốc gia nào.  Chính vì vậy, kết quả định giá của Brand Finance được chấp nhận một cách rộng rãi trong các giao dịch có tính pháp lý cao như mua bán sáp nhập, tranh chấp pháp lý về thương hiệu hay nhượng quyền thương hiệu.

Chỉ số còn lại là chỉ số Sức mạnh thương hiệu cũng được Brand Finance đo lường bằng phương pháp nghiên cứu thị trường độc lập để tính toán mức độ tác động của thương hiệu đến quyết định của khách hàng.

Trong trường hợp của VPBank, chúng tôi nhìn nhận việc triển khai dịch vụ ngân hàng bán lẻ, trong đó mảng dịch vụ cho vay tiêu dùng cá nhân phát triển một cách mạnh mẽ đã giúp ngân hàng đạt được độ phủ thương hiệu rất lớn. Kết quả VPBank đạt được ảnh hưởng tích cực đến chỉ số sức mạnh thương hiệu theo công thức của Brand Finance.

Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng là dự báo tăng trưởng của VPBank được Bloomberg đánh giá cao hơn so với các ngân hàng khác của Việt Nam xét về tiềm năng thị trường và tầm nhìn chiến lược lâu dài. Các nhân tố trên là động lực chính để giá trị thương hiệu của VPBank tăng cao vượt trội so với các ngân hàng Việt Nam khác cùng quy mô.

– Ông có thể chia sẻ kỹ hơn cách Brand Finance định giá một thương hiệu như VPBank?

Ngoài kết quả kinh doanh được chúng tôi lấy trực tiếp từ dữ liệu của Bloomberg thì công thức định giá của Brand Finance có sự đóng góp của 1 yếu tố rất quan trọng là sức mạnh thương hiệu BSI (Brand Strength Index).

Chỉ số này bản thân nó hàm chứa hơn 20 chỉ số con bên trong bao gồm các lĩnh vực sản phẩm, dịch vụ, truyền thông, nhận biết khách hàng, ưa thích của khách hàng, mức độ ưu tiên lựa chọn sản phẩm, chất lượng nhân sự, đọ gắn kết nhân sự, các yếu tố môi trường làm việc, văn hoá doanh nghiệp, cơ cấu quản trị công ty, hệ thống quản trị thương hiệu đến các yếu tố liên quan đến hiệu suất như doanh số trung bình trên 1 khách hàng, trung thành khách hàng, thị phần….

Văn hóa doanh nghiệp là một trong những tiêu chí đánh giá thương hiệu của Brand Finance.

Trong công thức định giá của Brand Finance còn bao gồm yếu tố dự báo tăng trưởng trong tương lai. Yếu tố này giữa các thương hiệu khác nhau sẽ rất khác nhau và trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu. Đó cũng là một đặc điểm quan trọng trong phương pháp định giá của Brand Finance, vốn là phương pháp duy nhất được công nhận theo chuẩn ISO 10668.

Như vậy có thể thấy chỉ số sức mạnh thương hiệu của Brand Finance là một chỉ số phức hợp bao gồm nhiều yếu tố yêu cầu có dữ liệu chuẩn xác mới tính toán được chứ không phải chỉ những yếu tố dễ thấy bên ngoài như lợi nhuận hoặc quy mô.

Do đó có thể thấy Brand Finance đã sử dụng bộ chỉ số gộp mà trong đó, VPBank được đánh giá cao các yếu tố về môi trường kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp, gắn kết nhân viên, trung thành khách hàng, tiềm năng tăng trưởng khách hàng trong tương lai, khả năng bán chéo…. Qua đó giá trị thương hiệu của VPBank cũng được tăng theo. Để giữ vững kết quả này, VPBank cần đẩy mạnh hơn nữa khả năng bán chéo nhằm tăng doanh thu qua khai thác thêm thị trường khách hàng cá nhân.

– Việc đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ có phải là một trong những yếu tố tác động tích cực lớn tới việc tăng giá trị thương hiệu cho ngân hàng?

Thời gian qua chúng ta được chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của nhiều ngân hàng Việt Nam trong lĩnh vực số hoá, áp dụng công nghệ vào nhằm mang lại nhiều giải pháp cho khách hàng hơn. Trong đó nổi bật nhất là các dịch vụ mobile banking giúp khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển tiền, mua bán… ngay trên điện thoại ngày càng tiện lợi dễ dàng.

Điều này giúp các ngân hàng tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Đây cũng là lý do khiến các ngân hàng Việt Nam có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời đại dịch Covid-19 và hầu hết mọi giao dịch đều được thực hiện online, qua đó gia tăng tốc độ thu hút khách hàng, tăng trưởng doanh thu và giúp ngân hàng có sự phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai. Điều này càng củng cố cho giá trị thương hiệu theo công thức tính toán của Brand Finance.

– Ông nhìn nhận thế nào về đà tăng trưởng giá trị thương hiệu của các ngân hang Việt trong tương lai? VPBank nói riêng và các ngân hàng Việt Nam nói chung sẽ cần phải chú ý những yếu tố nào để giữ vững và phát triển giá trị thương hiệu?

Năm 2021, tình hình đại dịch Covid-19 có thể chưa hẳn được khống chế hoàn toàn như mong đợi. Nhiều chuyên gia dự báo các doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn và kinh tế chưa thể phục hồi như giai đoạn trước đại dịch.

Vì vậy ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với thách thức về tốc độ tăng trưởng nhất là từ các khách hàng doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng do Covid-19. Tuy nhiên mảng khách hàng cá nhân vẫn sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng cho ngành ngân hàng. Tôi lạc quan cho rằng các ngân hàng Việt Nam sẽ vẫn duy trì được đà tăng trưởng về giá trị thương hiệu nếu vẫn tiếp tục đầu tư cho công nghệ và số hoá mạnh mẽ hơn nữa. Điều này sẽ ngày càng giúp các ngân hàng nội Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường đối với ngân hàng nước ngoài trên thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hà Thu/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/vi-sao-thuong-hieu-vpbank-duoc-danh-gia-vuot-troi-so-voi-cac-ngan-hang-tu-nhan-khac-20180504224250570.htm