QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vì sao xe buýt ở TP.HCM có nguy cơ ngừng hoạt động từ ngày 15/8?

Mới đây, hơn mười đơn vị vận tải xe buýt ở TP.HCM (quản lý hầu hết xe buýt trên địa bàn TP) đã cùng nhau ký vào đơn kiến nghị khẩn cấp gửi UBND.TP và các sở ngành về việc thanh toán các khoản công nợ do trợ giá xe buýt. Nếu không được giải quyết, họ sẽ ngưng hoạt động từ ngày 15/8.

Nguy cơ đình trệ vì thiếu tiền

Các doanh nghiệp vận tải xe buýt cho biết tình hình hoạt động vận tải công cộng bằng xe buýt hiện nay đang rất khó khăn, nhiều đơn vị phải vay tiền ngân hàng để trả lương nhân viên hàng tháng.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng vẫn chưa ký hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp xe buýt và chỉ ký hợp đồng nguyên tắc để nhận tiền tạm ứng trợ giá xe buýt. Vì vậy, các đơn vị đề nghị cần ký ngay hợp đồng đặt hàng năm nay.

Được biết, nhiều doanh nghiệp đang nợ tiền ngân hàng rất lớn như HTX Quyết Thắng, HTX Vận tải 19/5, Công ty cổ phần Vận tải TP, Công ty cổ phần Xe khách Sài Gòn… Mỗi doanh nghiệp nợ từ vài tỉ đến cả trăm tỉ đồng.

Theo các doanh nghiệp này, đang cố gắng duy trì hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe buýt đến ngày 30/7. Trường hợp chưa đươc giải quyết khó khăn, các đơn vị này đề nghị tạm dừng hoạt động xe buýt từ 15/8.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Lèo, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải TP.HCM, cho biết, hiện đơn vị cùng 11 hợp tác xã vận tải xe buýt khác tại TP.HCM đang kiến nghị về việc phân bổ tiền trợ giá xe buýt chưa đầy đủ, kéo dài trong nhiều tháng qua.

Theo ông Lèo, đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng – Sở Giao thông vận tải TP.HCM vẫn chưa ký hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp để phân bổ tiền trợ giá năm 2020. Khoản chi phí trợ giá phân bổ về cho các doanh nghiệp những tháng qua chỉ nhỏ giọt ở mức khoảng 50% của đơn giá năm 2019. Số tiền này không đủ để các xã viên trả lãi ngân hàng tiền mua xe mới, trả lương nhân viên và nhiên liệu.

Do khó khăn, nợ nhiều, càng chạy càng lỗ, thời gian qua một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã phải tạm dừng hoạt động, giảm chuyến…

Nghịch lý khách giảm, tiền trợ giá tăng

Nhìn lại lịch sử, năm 2002, hệ thống xe buýt của TP.HCM được tái cơ cấu với 8 tuyến xe buýt mẫu đầu tiên chính thức đi vào hoạt động. Để lôi kéo người dân đến với loại hình phương tiện công cộng này, TP phải sử dụng 40 tỉ đồng tiền ngân sách trợ giá vé cho tất cả hành khách đi xe buýt. Tuy nhiên, số lượng người dân đến với xe buýt vẫn khá khiêm tốn.

Mức trợ giá đối với xe buýt tăng đều theo từng năm, tính đến 2018 đã tăng lên 1.000 tỉ đồng. Năm 2020, Sở GTVT TP.HCM đã được giao 1.150 tỉ đồng trợ giá xe buýt. Tuy nhiên, ngày 26/5 vừa qua, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Tài chính đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm nay thêm 161 tỉ đồng, nâng lên 1.311 tỉ đồng. Nguyên nhân có nhiều thay đổi về tổ chức cùng việc thích ứng, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 ảnh hưởng đến điều hành, hoạt động xe buýt.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, đến nay Sở GTVT chưa thể triển khai đặt hàng xuống các doanh nghiệp, lý do là bởi số tiền 1.150 tỉ đồng không đủ đảm bảo cho hoạt động với số lượng tuyến đặt ra. Số tiền trợ giá 1.150 tỉ đồng dự toán được giao trong năm 2020 chỉ đáp ứng được khoảng 4,5 triệu chuyến.

Tuy nhiên, điều nghịch lý ở đây dù là ngân sách trợ giá xe buýt tăng theo từng năm nhưng khối lượng vận chuyển trên các tuyến buýt có trợ giá lại giảm đều, các doanh nghiệp làm ăn bết bát.

Theo thống kê, năm 2012 lượng khách đi xe buýt ở TP.HCM đạt trung bình 305 triệu lượt mỗi năm. Nhưng giai đoạn 2014-2018, khách đi xe buýt giảm bình quân 6,65% mỗi năm. Đến năm 2019, lượng khách đi xe buýt chỉ đạt khoảng 255 triệu lượt, giảm 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt so với năm 2018. Năm nay dự kiến chỉ còn 159 triệu lượt.

Tính từ năm 2018 đến nay, có 11/105 tuyến xe buýt ở TP.HCM có trợ giá ngưng hoạt động vì nhu cầu đi lại thấp, không hiệu quả.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến xe buýt hoạt động chưa hiệu quả được cho là thiếu cơ sở hạ tầng, việc bố trí các tuyến chưa hợp lý để kết nối thu hút người dân sử dụng. Thành phố hiện có khoảng 70% tuyến đường bề rộng dưới 5 m, dẫn đến khó tổ chức cho người dân tiếp cận trạm xe buýt có bán kính nhỏ.

Cùng với đó, sự phát triển của xe ứng dụng công nghệ cạnh tranh trực tiếp với xe buýt nhờ sự tiện lợi, cơ động và chi phí gần bằng đi xe buýt.

Tuy nhiên, về lâu dài cần có các chính sách trợ giá xe buýt tiết kiệm và đúng quy định, đồng thời nâng cao hiệu quả của loại hình vận tải công cộng này.

Theo Mai Anh/Kinh tế Môi trường

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/vi-sao-xe-buyt-o-tphcm-co-nguy-co-ngung-hoat-dong-tu-ngay-158-18461.html