QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Viện phó CIEM: ‘Một quy định pháp luật có thể tạo ra 5 loại chi phí và giết chết doanh nghiệp’

Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết một quy định pháp luật có khả năng tạo ra 5 loại chi phí và những chi phí này không chỉ đơn thuần tạo thêm gánh nặng mà còn có thể giết chết một doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu

Phát biểu tại một hội thảo về nâng cao chất lượng quy định pháp luật, ông Phan Đức Hiếu lấy một ví dụ: nếu chỉ tính chi phí nguyên liệu đầu vào thì một sản phẩm của Việt Nam sẽ có chất lượng và giá cả tương đương với một sản phẩm của Thái Lan.

Tuy nhiên, điều khiến sản phẩm của Việt Nam có giá cao hơn sản phẩm của Thái Lan là chi phí từ hệ thống luật pháp của Việt Nam.

“Giá bán sản phẩm gồm chi phí sản xuất, chi phí tuân thủ pháp luật… Như vậy pháp luật nước nào tốt hơn thì chi phí tuân thủ ít hơn, sản phẩm nước đó rẻ hơn và doanh nghiệp nước đó hội nhập tốt hơn”, ông Hiếu nói và khẳng định:

“Một quy định pháp luật có khả năng tạo ra 5 loại chi phí và những chi phí này không chỉ đơn thuần tạo thêm gánh nặng mà còn có thể giết chết một doanh nghiệp”.

5 loại chi phí mà ông Hiếu nhắc tới gồm: chi phí thủ tục hành chính, chi phí đầu tư, phí lệ phí, chi phí cơ hôi, chi phí phi chính thức.

Trong 5 loại này, chi phí đầu tư là rất lớn và đôi khi chỉ một quy đinh của pháp luật cũng đủ tạo ra gánh nặng về chi phí đầu tư. Ông Hiếu lấy ví dụ quy định xe ô tô kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách trong mô hình Grab, Uber, nếu phải gắn thêm mào lên nóc xe thì chi phí phát sinh sẽ rất lớn.

Hay như quy định về số lượng bình gas tối thiểu, “nhiều doanh nghiệp đã tính rằng nếu vay vốn ngân hàng để mua bình gas để đáp ứng quy định thì họ sẽ phá sản, vì vốn dĩ thị trường không tăng thêm. Họ nói nếu đầu tư thì cũng chết mà không đầu tư cũng chết thì tôi thà chết còn hơn đầu tư”, ông Hiếu dẫn lại.

Về chi phí cơ hội, Viện phó CIEM nhấn mạnh chi phí cơ hội có khả năng giết chết doanh nghiệp. Một ví dụ đơn giản là hai doanh nghiệp cùng nhập khẩu một mặt hàng tại hai cửa khẩu khác nhau, doanh nghiệp này được thông quan trong vòng 1 giờ còn doanh nghiệp kia phải mất 3 ngày. Như vậy doanh nghiệp thông quan trong vòng 1 giờ có lợi thế lớn, trong vòng 3 ngày đã triển khai bán sản phẩm ra toàn thị trường. Doanh nghiệp còn lại nhập sản phẩm về chỉ có nước tiêu hủy (trường hợp sản phẩm nhanh mất giá trị).

“Một quy định không rõ ràng, minh bạch, khiến thời gian giải quyết bị kéo dài sẽ tạo ra chi phí cơ hội, từ đó phát sinh chi phí không chính thức”, ông Hiếu đúc kết.

Bình luận về việc cải cách các quy định pháp luật, ông Hiếu thừa nhận chất lượng quy định pháp luật đã tăng lên, nhưng với gánh nặng chi phí thì tình hình vẫn còn nghiêm trọng. “Dù ta có cải thiện nhưng cần nhìn nhận cải thiện là đương nhiên chứ không phải thành tích, thậm chí ta phải đòi cải thiện hơn nữa”.

Ông Hiếu cho rằng để xử lý gốc rễ của vấn đề chất lượng quy định pháp luật, nên thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ. Cơ quan này sẽ giám sát quy trình soạn thảo pháp luật, xác định các lĩnh vực trọng tâm để xây dựng pháp luật, nâng cao pháp luật một cách có hệ thống, là đầu mối phối hợp soạn thảo các văn bản pháp luật và nâng cao năng lực cho cơ quan soạn thảo pháp luật.

“Kiến nghị thành lập một cơ quan mới như vậy trong bối cảnh hiện nay là vô cùng khó nhưng tôi nghĩ rằng cái gì cần vẫn phải làm, cái không cần có thể bỏ. Thậm chí, ta có thể xem xét lập cơ quan này, bỏ một số cơ quan hiện tại.

“Tôi không muốn nâng cấp, vì nâng cấp là tư duy cũ. Tôi muốn làm cái mới với tư duy mới, tri thức mới, xóa bỏ cái cũ. Còn nâng cấp để trao thêm năng lực thì vẫn là dùng tư duy cũ để phát triển lên thì đừng thành lập làm gì”, ông Hiếu nói.

Theo Xuân Hải/VietnamFinance