QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Việt Nam cần ứng phó thế nào trước nguy cơ khủng hoảng tài chính đang tiềm ẩn?

Trước những nguy cơ gây khủng hoảng tài chính đang tiềm ẩn, các chuyên gia kinh tế đã cùng ngồi lại, bóc tách vấn đề và chia sẻ một số giải pháp ứng phó.

Việt Nam cần ứng phó thế nào trước nguy cơ khủng hoảng tài chính đang tiềm ẩn?

Tại “Diễn đàn an ninh tài chính tiền tệ” tổ chức vào ngày 24/12, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định trong bối cảnh đại dịch Covid-10 hoành hành như hiện nay, rủi ro, nguy cơ khủng hoảng tài chính là một vấn đề rất đáng quan ngại khi nợ tư, nợ xấu tăng nhanh và nguy cơ đảo chiều, giảm sút dòng vốn ngoại…

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra đánh giá rằng, bên cạnh “cú sốc bất lợi nhất trong hơn 1 thế kỷ” là cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế năm 2020, thì nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu cũng được cảnh báo là “cuộc khủng hoảng tài chính khác biệt nhất, với phạm vi ảnh hưởng rộng và khả năng kéo dài”.

Ông Lực cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam không nằm ngoài tác động của các nguy cơ, rủi ro tài chính toàn cầu. Trong đó, phải kể đến nguy cơ đầu tiên là “bom nợ”, đặc biệt là rủi ro nợ của doanh nghiệp.

Tiếp đó, thứ hai là nguy cơ về sự đảo chiều và giảm sút dòng vốn ngoại tại các thị trường mới nổi; thứ ba, thị trường chứng khoán và bất động sản vẫn tiềm ẩn rủi ro sụt giảm do ảnh hưởng của suy thoái nền kinh tế thực.

Thêm vào đó, nguy cơ giảm giá của các đồng tiền so với các đồng tiền mạnh, như đồng USD vẫn thường trực dù cơ chế điều hành tỷ giá của các nước ngày càng linh hoạt; nguy cơ gia tăng nợ xấu, giảm thu nhập và những thách thức mới với hệ thống ngân hàng toàn cầu… cũng là những vấn đề đáng lưu ý.

Nhằm hạn chế những rủi ro kể trên, ông Lực cho rằng ngoài nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả nhất, thì Việt Nam cần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế, có các gói hỗ trợ đồng thời đảm bảo an toàn tài khóa và nợ công, hoàn thiện thể chế, phát triển đồng bộ, cân bằng hệ thống tài chính…

“Việt Nam cần phải đảm bảo các gói hỗ trợ được thực hiện hiệu quả hơn, để giúp cho doanh nghiệp và hệ thống tài chính ngân hàng sớm ổn định. Hơn nữa, đó cũng là tiền đề để đảm bảo tài khóa và tiền tệ lành mạnh hơn trong thời gian tới”, ông Lực nói.

Thêm vào đó, ông Lực cũng đề xuất chính phủ cần hoàn thiện thể chế, đặc biệt là chú trọng vào vấn đề tăng sức đề kháng cho nền kinh tế. Trong khối tài chính ngân hàng, cần xử lý những vấn đề liên quan đến an toàn vốn, nợ xấu, các định chế tài chính yếu kém… và tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối trong thời gian tới.

Phân tích thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai cho biết,  hiện nay nguy cơ khủng hoảng tài chính không loại trừ bất cứ quốc gia, tổ chức nào.

Rủi ro khủng hoảng tài chính thường bắt nguồn và có liên quan trực tiếp đến rủi ro tín dụng, đặc biệt là rủi ro từ các hoạt động tín dụng bất động sản và chứng khoán hóa tài sản có của các ngân hàng thương mại.

Chính vì vậy, ông Lai cho rằng các ngân hàng thương mại Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ trong quy trình cho vay, phải nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực trình độ của các nhân viên tín dụng, bao gồm khả năng thẩm định và đánh giá tài sản.

Việc bảo đảm sự chính xác ngay từ khâu đầu tiên của quá trình cho vay, cũng như quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng là phương pháp phòng chống rủi ro hiệu quả nhất, ông Lai nhấn mạnh.

“Việt Nam rất cần lập sàn mua bán nợ đối với các ngân hàng thương mại trong nước thay việc cứ gửi nợ xấu vào Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) như hiện nay. Nếu làm được điều này, các ngân hàng thương mại sẽ sớm được giải phóng khỏi sự ràng buộc quá lâu vào các khoản nợ xấu khó đòi”, ông Lai nói thêm.

Theo Việt Anh/ Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/viet-nam-can-ung-pho-the-nao-truoc-nguy-co-khung-hoang-tai-chinh-dang-tiem-an-20180504224247576.htm