QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ mới ở châu Á

Các quốc gia bắt đầu chuyển hướng phát triển tập trung vào công nghệ, cùng với sự tham gia của các công ty khởi nghiệp trên toàn thế giới vào trung tâm công nghệ châu Á.

“4 chú hổ Châu Á” gồm Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, và Đài Loan thống trị châu lục với tiềm năng và sức mạnh vô cùng lớn từ sau Thế chiến thứ hai.

4 nền kinh tế trên đã góp phần tạo nên “Phép màu châu Á”. Cả thế giới đã chứng kiến sự phát triển và công nghiệp hóa với tốc độ thần tốc. Ngay cả khi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, “Phép màu châu Á” vẫn có thể củng cố vị trí của nó khi trở lại với những lợi thế mới.

Bên cạnh 4 nền kinh tế nổi bật, “Phép màu châu Á” đã bắt đầu lan tỏa như một loại virus công nghệ trên khắp châu lục, theo một bài viết của e27.

Hiện tại, các quốc gia khác bắt đầu chuyển hướng phát triển tập trung vào công nghệ, cùng với sự tham gia của các công ty khởi nghiệp trên toàn thế giới vào trung tâm công nghệ châu Á. 5 quốc gia đang nổi lên như những trung tâm công nghệ mới ở châu Á gồm Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Pakistan, Indonesia.


Việt Nam – Một trong 5 trung tâm công nghệ mới của châu Á

Việt Nam đang được biết đến là nơi lựa chọn tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dưới hình thức dịch vụ viễn thông 5G.

Các thông tin gần đây cho thấy dịch vụ mạng 5G sẽ hiện diện trên toàn Việt Nam vào năm 2020 như một bước để nâng cấp mạng viễn thông Việt Nam và cũng để tăng thứ hạng viễn thông toàn cầu của quốc gia.

Cụ thể, với sự hợp tác giữa Vietnamobile, Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và MobiFone đang thu hút sự chú ý khi thời gian thử nghiệm dịch vụ 5G đã đến gần. Các công ty đã nhận giấy phép thử nghiệm mạng 5G vào đầu năm 2019 trước khi chính thức sử dụng.

Thị trường viễn thông tại Việt Nam đang mở rộng với sự tham gia của các “đại gia” viễn thông mới nổi. Các công ty nội địa vươn lên mạnh mẽ trên thị trường và cánh cửa cho các nhà đầu tư quốc tế đang mở rộng. Để việc triển khai mạng 5G hiệu quả hơn, các mối quan hệ đối tác đã hình thành với các nhà đầu tư đa quốc gia, như Nokia và Samsung, để vượt qua tốc độ phát triển của viễn thông toàn cầu.

Bên cạnh những gã khổng lồ công nghệ, một số công ty khởi nghiệp Việt cũng đã thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư tên tuổi.

Trung Quốc – “Thỏi nam châm công nghệ”

Trung Quốc là cái nôi của rất nhiều tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới. Thủ đô Bắc Kinh, nơi sở hữu bản sao cải tiến của Thung lũng Silicon là Zhongguancun, có hơn 9.000 công ty công nghệ đang hoạt động tại thời điểm hiện tại. Hầu hết các công ty công nghệ cao nổi bật của Trung Quốc đều có trụ sở tại đây, như Lenovo, Yahoo và JD. com.

Minh chứng là gần đây, Bắc Kinh lọt vào danh sách điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư mạo hiểm, với khoản vốn đầu tư đạt mức 9,8 tỉ USD.

Không chỉ công nghệ, Trung Quốc còn có đặc quyền nuôi lớn “kỳ lân” (các công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên), khi chỉ sau một thời gian, một số đã tăng trưởng vượt qua cả Mỹ.

Theo CB Insights, hiện nay 313 công ty “kỳ lân” toàn cầu, bao gồm hơn 80 công ty có trụ sở ở Trung Quốc.

ByteDance – “Kỳ lân” có giá trị lớn nhất thế giới, là công ty công nghệ vận hành các nền tảng sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo). Với những sản phẩm của mình, ByteDance đã thu hút hơn 800 triệu người dùng trên toàn cầu và định giá công ty đạt 78 tỉ USD tính đến tháng 11/2018.

Đáng chú ý nữa là, XPENG Motors là một startup xe điện thông minh được hỗ trợ bởi Alibaba đã thu hút được sự chú ý trong lĩnh vực công nghệ xe tự động của Trung Quốc. Được ví như Tesla của Trung Quốc, đây chắc chắn sẽ là đối thủ đáng gờm trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa xe điện bản địa và nước ngoài.

Philippines – “Nhiều thay đổi hứa hẹn”

Theo xếp hạng của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) về mức độ sẵn sàng cho công nghệ toàn cầu, Philippines xếp thứ 55 trong số 82 quốc gia được liệt kê. Điều này cho thấy Philippines đang sẵn sàng chào đón lĩnh vực công nghệ bằng việc cải thiện an ninh mạng, tăng tốc độ internet và giới thiệu cổng thông tin chính phủ điện tử.

Ở đất nước tiền mặt vẫn được sử dụng phần lớn cho mọi giao dịch thì PayMaya là ứng dụng thanh toán di động trực tuyến có trụ sở tại Philippines, cho phép người dân Philippines thanh toán mà không phải sử dụng tiền mặt và thẻ tín dụng. Năm 2018, các giao dịch kinh doanh ví điện tử của hãng đạt hơn 702 triệu USD, và ước tính sẽ tăng lên 1.748 tỉ USD vào năm 2021.

Một startup hứa hẹn khác, Zennya là nền tảng di động theo yêu cầu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông minh cho khách hàng. Mục đích của startup này là làm cho việc chăm sóc sức khỏe trở nên dễ tiếp cận hơn với giá cả phải chăng cho dân số nói chung. Công ty phụ thuộc rất nhiều vào các thuật toán phân tích người dùng sử dụng AI để có những chẩn đoán y khoa chính xác.

Bên cạnh đó, Philippines đang phát triển dịch vụ giao hàng tạp hóa của riêng mình với công ty khởi nghiệp có tên Pushcart.ph. Công ty này đã hợp tác với Lalamove, chuyên gia về mảng vận chuyển, để hoàn thiện tốt nhất dịch vụ của mình.

Indonesia – “Quốc gia vạn đảo”

Theo báo cáo của McKinsey, Indonesia là một trường hợp ẩn chứa nhiều bất ngờ – mặc dù vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng tại đây sở hữu một số công ty khởi nghiệp hoạt động sôi động và tích cực nhất thế giới. Báo cáo ước tính rằng nếu Indonesia triển khai công nghệ trên toàn quốc, họ có thể nâng tổng sản phẩm quốc nội lên tới 10% vào năm 2025.

Indonesia được dự đoán, mảng startup công nghệ năm 2020 sẽ phát triển với số lượng “kỳ lân” Indonesia vượt quá Singapore. Indonesia cũng sẽ sở hữu nhiều Nexicorns nhất (startup trị giá 100 triệu USD) trong tương lai.

Phải kể đến Go-Jek, công ty khởi nghiệp công nghệ nổi lên như “kỳ lân” đầu tiên của Indonesia được công nhận trên toàn thế giới.

Đến tháng 2/2019, giá trị ước tính của công ty là khoảng 10 tỷ USD. Với sự đầu tư từ Google, Temasek Holdings (Singapore) và Tencent (Trung Quốc), Go-Jek là một trong những thương hiệu vận chuyển hàng đầu tại Indonesia, và đang mở rộng phạm vi hoạt động đến các khu vực khác của châu Á.

Tokopedia – Một “kỳ lân” khác của Indonesia nổi lên như một công ty thương mại điện tử trong năm 2009. Hiện tại, giá trị của công ty là 7 tỷ USD. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ, công ty đã nhận khoản vốn lớn từ các nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế bao gồm Tập đoàn Alibaba, Sequoia Capital và SoftBank.

Pakistan – “Vườn ươm kỳ lân khổng lồ”

Pakistan đang nuôi dưỡng một hệ sinh thái với công nghệ là trọng tâm. Một trong số những công ty khởi nghiệp nổi bật tại Pakistan là LogoDesign.net. Công nghệ mà công ty này phát triển vô cùng độc đáo khi họ sử dụng nền tảng điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo thông minh nhằm cung cấp các thiết kế logo chất lượng cao với giá cả phải chăng cho hầu hết mọi ngành công nghiệp.

Các công ty khởi nghiệp về lĩnh vực y tế cũng từng bước tạo ra một hệ thống chăm sóc y tế trực tuyến. Điển hình là My Doctor (Tên đầu tiên trước khi đổi), Oladoc kết nối bệnh nhân với bác sĩ và chuyên gia và giúp họ đặt lịch hẹn. Năm 2018, OlaDoc đã huy động được 1,1 triệu USD vốn đầu tư từ Glowfish Capital.

Ngoài ra, phiên bản LinkedIn của Pakistan hay còn gọi là ROZEE.PK là một trang web kết nối các ứng cử viên với nhà tuyển dụng. Đến nay, công ty khởi nghiệp trị giá hàng triệu đô la này đã phát triển để phục vụ hơn 50.000 nhà tuyển dụng trong và ngoài Pakistan.

Với những thay đổi trong lĩnh vực công nghệ ở 5 trên có thể thấy xu hướng dịch chuyển trọng tâm từ 4 con hổ châu Á sang một thế giới hiện đại mới, nơi những quốc gia sở hữu nhiều “kỳ lân” và những khoản đầu tư khủng sẽ là kẻ dẫn đầu.

Theo Nguyễn Sinh/Thời báo Chứng khoán