QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

VietinBank dành lợi nhuận 3 năm để chia cổ tức bằng cổ phiếu

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước “gỡ khó” về pháp lý cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã ban hành nghị quyết về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đối với phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

VietinBank chuẩn bị tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Cụ thể, VietinBank sẽ lấy lợi nhuận sau thuế và trích quỹ các năm 2017, 2018 và 2019 làm nguồn vốn để phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu.

Ngày đăng ký cuối cùng dự kiến là 5/11/2020. Ngày gửi phiếu lấy ý kiến cho cổ đông là 13/11/2020. Ngày tổng hợp ý kiến là 23/11/2020.

Trước đó vào đầu tháng 10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018.

Theo đó, Nghị định 121/2020/NĐ-CP mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Trường hợp được bổ sung là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang nắm giữ 64,46% vốn của VietinBank. Việc ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi được xem là cơ sở pháp lý cho phép các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước như VietinBank được tăng vốn điều lệ bằng nguồn vốn nhà nước.

Trước đây, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu bị vướng do về mặt pháp lý, lượng vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm do chia cổ tức bằng cổ phiếu thực chất chính là từ các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước.

Được biết, VietinBank đã đáp ứng các điều kiện theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Tuy nhiên, điều kiện “đủ” để một NHTM có thể đáp ứng được Basel II là có mức vốn tự có phù hợp với quy mô tăng trưởng tổng tài sản.

Do đó, việc tăng vốn tới đây bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức dự kiến giúp VietinBank cải thiện mức độ an toàn vốn và có dư địa tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Theo Hải Đường/ Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/vietinbank-danh-loi-nhuan-3-nam-de-chia-co-tuc-bang-co-phieu-20180504224245039.htm