QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vietnam Airlines chuyển sàn HoSE: Có hút vốn ngoại?

Chuyển sàn HoSE, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vẫn khó lòng lọt rổ chỉ số quan trọng như Market Vectors Vietnam ETF hay các quỹ vận hành theo chỉ số VN30 do tỷ lệ free float (tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng) nhỏ hơn 10%.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa đưa ra báo cáo nhận định về Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, UPCoM: HVN), trong đó chuyển sàn là một nội dung đáng chú ý.

Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ chuyển sàn từ UPCoM lên HoSE trong tháng 4/2019. BVSC cho biết các thủ tục hiện tại đã thực hiện gần như hoàn tất và không gặp vấn đề vướng mắc gì.

BVSC cho rằng Vietnam Airlines có thể nhận được sự quan tâm nhiều hơn của khối ngoại khi chuyển sàn HoSE, tuy nhiên, tỷ lệ free float của Vietnam Airlines khá thấp (6,22%) và gặp nhiều trở ngại trong việc xét vào các bộ chỉ số.

Cụ thể, đối với Market Vectors Vietnam ETF, tỷ lệ free float (tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng) tối thiểu là 10%, do đó Vietnam Airlines không đủ điều kiện.

“Chỉ khi tiến hành thoái vốn Nhà nước xuống dưới 82,4% thì mới có khả năng được xét vào, tuy nhiên nếu trong trường hợp Nhà nước thoái vốn cho đối tác chiến lược, tỷ lệ free float của Vietnam Airlines cũng sẽ không được cải thiện”, BVSC phân tích.

Dự kiến phải đến năm 2020, Nhà nước mới tiến hành thoái vốn tại Vietnam Airlines.

Đối với các quỹ vận hành theo chỉ số VN30, Vietnam Airlines cũng không đủ điều kiện free float trên 10%. Mặc dù VN30 có điều kiện loại trừ: đối với các cổ phiếu có tỷ lệ free float dưới 10% nhưng đảm bảo điều kiện về giá trị vốn hóa nhân với tỷ lệ free float (GTVH-f) lớn hơn trung vị của tập hợp 90% GTVH-f của rổ cổ phiếu vẫn được tham gia vào VN30.

“Tuy nhiên, nếu xét tham chiếu theo giá trị vốn hóa hiện tại, Vietnam Airlines cũng không đạt điều kiện này”, BVSC cho hay.

Đối với FTSE Vietnam Index ETF, đây là chỉ số duy nhất Vietnam Airlines đủ điều kiện free float. Với quy định về thời gian niêm yết tối thiểu là 3 tháng, thời gian sớm nhất Vietnam Airlines được xét vào sẽ là kỳ tháng 9/2019.

Một nhận định đáng chú ý khác trong báo cáo của BVSC là việc Vietnam Airlines tăng mạnh đội bay sẽ tạo áp lực lên giá vé năm 2019.

Cụ thể, năm 2019, Vietnam Airlines dự kiến sẽ nhận mới 22 máy bay, bao gồm 17 chiếc A321 neo, 3 chiếc B787 -10, 2 chiếc A350; đồng thời trả 3 chiếc (2 chiếc A330 thuê vận hành, 1 chiếc A321 thuê), đưa tổng số máy bay của Vietnam Airlines lên 112 chiếc.

Trong số 22 máy bay nhận mới thì chỉ có 2 chiếc A350 sẽ thực hiện theo hình thức bán tái thuê (Sale and Leaseback), theo đó sẽ đóng góp lợi nhuận cho Vietnam Airlines trong năm 2019. Tổng số 19 chiếc máy bay còn lại sẽ thực hiện thuê vận hành và không ảnh hưởng gì tới các chỉ tiêu nợ vay cũng như nguyên giá tài sản cố định của Vietnam Airlines.

“Tuy nhiên, chúng tôi khá lo ngại về số lượng máy bay nhận mới khá lớn này. Nếu toàn bộ máy bay được nhận theo lịch trình thì 2019 sẽ là năm kỷ lục về số lượng máy bay nhận mới trong vòng 5 năm gần nhất. Nếu tính theo tổng số ghế của toàn bộ đội bay thì năm đến cuối năm 2019 tổng số ghế của Vietnam Airlines sẽ tăng 22% so với cuối 2018. Đây là mức tăng khá cao nếu so với tăng trưởng lượt khách trong vòng 3 năm gần nhất 2016-2018 chỉ đạt 2,8%/năm”, BVSC cho hay.

BVSC cho rằng giá vé máy bay và tỷ lệ lấp đầy của Vietnam Airlines sẽ giảm trong năm 2019 do áp lực từ số lượng máy bay nhận mới tăng mạnh.

Theo Thanh Long/VietnamFinance