QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vietnam Airlines có được nhận hỗ trợ 12.000 tỷ?

Theo chuyên gia, việc Vietnam Airlines cần hỗ trợ 12.000 tỷ đồng chỉ mang tính chất hỗ trợ thanh khoản, nhưng lại vướng ở việc cơ chế không cho phép.

Vietnam Airlines chịu thiệt hại nặng khi các đường bay quốc tế vẫn chưa mở cửa trở lại.
Vietnam Airlines chịu thiệt hại nặng khi các đường bay quốc tế vẫn chưa mở cửa trở lại.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) mới đây đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để tránh rơi vào tình trạng mất thanh khoản từ tháng 8.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến công ty lỗ ròng 13.000 tỷ đồng năm nay và mất khả năng thanh toán từ tháng 8 nếu không được hỗ trợ.

Số lỗ nói trên đã được tính toán dựa trên các giải pháp như áp dụng việc tính chậm khấu hao theo Nghị định mới và áp dụng chính sách thuế xăng dầu giúp giảm lỗ 2.200 tỷ đồng.

Từ Lufthansa của Đức tới Vietnam Airlines của Việt Nam

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, việc Vietnam Airlines mất thanh khoản trong đại dịch Covid-19 là điều dễ hiểu.

So với Vietjet Air, Vietnam Airlines sẽ chịu thiệt hại nặng hơn vì có nhiều đường bay quốc tế hơn. Trong khi Vietjet có thể phục hồi khi đường bay trong nước mở cửa trở lại thì Vietnam Airlines với đường bay quốc tế nhiều sẽ khó phục hồi hơn.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, trường hợp của Vietnam Airlines không phải giải cứu mà là cần Chính phủ hỗ trợ thanh khoản.

Theo ông Thành, hiện nay, giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp (thông qua góp vốn, cho vay, bảo lãnh) cũng được nhiều nước sử dụng như một biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng việc hỗ trợ thanh khoản không nên sử dụng ồ ạt mà phải có lựa chọn. Với những doanh nghiệp đã âm vốn thì không nên hỗ trợ. Ngược lại, những doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng vốn chủ sở hữu vẫn dương, chỉ là mất thanh khoản, hoạt động cầm cự thì cần có chính sách hỗ trợ.

“Việc Vietnam Airlines yêu cầu hỗ trợ 12.000 tỷ đồng khá giống trường hợp của Lufthansa hồi tháng 3. Hãng hàng không của Đức đã đề nghị Chính phủ nước này hỗ trợ gói 6 tỷ euro. Số tiền Vietnam Airlines yêu cầu cũng tương đương khoảng 450 triệu euro”, ông Thành nói.

Tại Đức, Lufthansa cũng tuyên bố không yêu cầu Chính phủ giải cứu mà là cần hỗ trợ thanh khoản. Chính phủ Đức sau khi xem xét đã quyết định sử dụng 3 gói hỗ trợ, gồm 300 triệu euro mua cổ phiếu của Lufthansa, tăng sở hữu của Chính phủ tại doanh nghiệp với điều kiện sau khi hoạt động kinh doanh phục hồi Chính phủ sẽ bán lại phần vốn này.

Gói hỗ trợ thứ 2 là 4,7 tỷ euro cho vay hỗ trợ thanh khoản. Khoản vay này không được phép chuyển thành vốn chủ sở hữu, và chắc chắn phải trả lại trong tương lai. Thứ 3 là 1 tỷ euro cho vay có chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu nếu không trả được nợ.

“Chính sách này nhận được sự đồng thuận rất cao từ các nhà kinh tế học cũng như cơ quan quản lý tại nước này. Tuy nhiên, lại khó áp dụng tại Việt Nam, cụ thể là trường hợp của Vietnam Airlines”, ông Thành nói.

Theo luật thì Nhà nước không được cho doanh nghiệp vay tiền, cũng không được mua vốn doanh nghiệp. Trong trường hợp này, SCIC đang đứng ra để đầu tư vốn vào Vietnam Airlines nhiều khả năng vẫn vi phạm luật.

Theo vị chuyên gia, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn dương, doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản nên việc Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng không có nghĩa là mất luôn 12.000 tỷ đó. Giống trường hợp Chính phủ Đức hỗ trợ Lufthansa, không có nghĩa 6 tỷ euro đó sẽ mất đi kể cả cho vay, góp vốn hay là bảo lãnh…

Ông Thành cho biết thêm, thực tế nguồn tiền 6 tỷ euro được Chính phủ Đức sử dụng là tiền có sẵn trong một quỹ hỗ trợ đặc biệt trong tình huống khẩn cấp. Tiền dự phòng này được giải ngân khi Tổng thống quyết định, Quốc hội phê chuẩn, đưa ra Ủy ban châu Âu không vi phạm luật cạnh tranh.

Tuy nhiên, Việt Nam không có nguồn quỹ nào như vậy. Nếu làm thì sẽ vướng phải luật, tìm được hướng giải quyết khi đầu tư qua SCIC thì gặp nhiều ý kiến phản biện khác nhau.

Lối đi nào cho Vietnam Airlines?

Chia sẻ tại cuộc họp ngày 13/7, ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, có một số nút thắt khi tổng công ty muốn đầu tư vốn vào Vietnam Airlines.

Cụ thể, với vai trò là nhà đầu tư tài chính, SCIC phải nghiên cứu, định giá, làm các thủ tục thẩm định, các thủ tục này thường kéo dài 6-9 tháng và sẽ không kịp tiến độ bù đắp thanh khoản cho Vietnam Airlines.

Trường hợp hãng hàng không này tăng vốn theo phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ vướng Luật chứng khoán là doanh nghiệp phải có lãi theo báo cáo tài chính quý gần nhất (quý I/2020 Vietnam Airlines lỗ ròng hơn 2.600 tỷ). Nếu Vietnam Airlines muốn tăng vốn theo cách này thì phải trình Quốc hội.

Trong khi đó, Vietnam Airlines chưa đưa ra được bức tranh tổng thể sau khi nhận vốn nên SCIC cũng không thể dự báo tương lai của khoản đầu tư này.

Nếu được Chính phủ chỉ định hỗ trợ, SCIC cho rằng giải pháp này chỉ mang tính chất ngắn hạn khi chính Vietnam Airlines cũng chưa thể biết dịch bệnh kéo dài đến khi nào và bao giờ hoạt động kinh doanh trở lại bình thường.

Đặc biệt, dù SCIC có chức năng đầu tư theo chỉ định của Chính phủ nhưng vì là doanh nghiệp Nhà nước nên vẫn phải thực hiện theo Luật số 69 về Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Theo Khoản 6, Điều 5 của luật này, cơ quan chủ sở hữu và doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc phát triển vốn.

Theo nguyên tắc này, hiện tại, SCIC không thể dự báo được Vietnam Airlines sẽ hồi phục tại thời điểm nào. Ở thời điểm quyết định đầu tư, tổng công ty không thể trả lời khoản đầu tư này sẽ bảo toàn và phát triển vốn.

Vì vậy, ông Tùng cho rằng, nếu SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines thì phải có cơ chế đặc thù miễn trừ, có bảo toàn vốn và phát triển vốn trong ngắn hạn và dài hạn hay không.

Hiện nay, luật có quy định về chỉ định đầu tư nhưng văn bản dưới luật chưa có hướng dẫn quy định cụ thể.

Ngoài ra, theo Luật 69, Vietnam Airlines cũng không thuộc ngành nghề Nhà nước phải đầu tư vốn, do đó hãng phải xây dựng phương án rất tổng thể, để công khai minh bạch rõ ràng.

Về giải pháp với trường hợp của Vietnam Airlines, theo ông Thành, biện pháp khả thi và kịp thời nhất là cho vay 12.000 tỷ với Chính phủ bảo lãnh, còn nếu đợi sửa nghị định thì cũng mất rất nhiều thời gian.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, sẽ gửi Thủ tướng các đề xuất giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines.

Với Ngân hàng Nhà nước, tổ tư vấn ủng hộ cơ quan này thực hiện tái cấp vốn cho vay bắc cầu với Vietnam Airlines thông qua các tổ chức tín dụng, cho phép cấp vượt hạn mức với hãng. Với việc phát hành cổ phiếu tăng vốn, nếu Vietnam Airlines lỗ một tháng 1.600 tỷ thì vốn Nhà nước sẽ mất hết, do đó tăng vốn vừa là vấn đề cấp bách vừa là vấn đề trung hạn.

Ngoài ra, Tổ công tác cũng dự định kiến nghị Thủ tướng có quyết định về vấn đề khấu hao cơ bản, trả lãi, các chi phí cố định… để giảm thiểu chi phí cho hãng hàng không quốc gia.

Theo Quang Thắng/VietnamFinance/Zing

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/vietnam-airlines-co-duoc-nhan-ho-tro-12000-ty-20180504224241080.htm