QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vietnam Airlines liên tục gặp sự cố sau khi lên sàn

Chưa đầy 1 tháng sau khi lên sàn HoSE, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (Mã chứng khoán HVN) liên tục gặp sự cố trên các chuyến bay.
Ảnh minh hoạ

Sự cố mới đây nhất diễn ra vào ngày 31/5/2019, chuyến bay VN37 khai thác bằng máy bay Boeing 787 từ Hà Nội đi Frankfurt (Đức) dự kiến cất cánh lúc 23h ngày 30/5 đã không khởi hành đúng kế hoạch. Sau khi cất cánh được 30 phút, máy bay có cảnh báo kỹ thuật tại bộ phận máy phát điện dự phòng nên để đảm bảo an toàn chuyến bay và tuân thủ quy trình xử lý, cơ trưởng đã quyết định cho máy bay quay lại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Sau khi máy bay hạ cánh, hãng đã huy động một tàu bay Boeing 787 dự bị thay thế. Sau khi hoàn thành kiểm tra đủ điều kiện khai thác, máy bay thay thế khởi hành lúc 2h36 sáng 31/5, muộn 3 tiếng 30 phút so với giờ dự kiến ban đầu.

Trước đó, chuyến bay VN31 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh (SGN) đi Frankfurt (FRA) vào đêm ngày 28/5 bị delay nhiều phút để chờ một người. Chuyến bay VN31 dự kiến khởi hành vào 22h30, nhưng đã phải dời đến hơn nửa giờ đồng hồ sau mới cất cánh. Lý do chuyến bay phải “delay” được cho rằng vì chờ một vị khách “vip” chưa lên tàu bay. Theo biên bản lập vào hồi 22h55 phút: “Chuyến bay VN031 nhận được yêu cầu delay chờ 1 khách nối chuyến từ chuyến bay VN279, dự kiến hạ cánh lúc 22:15 (theo yêu cầu của Phó Tổng giám đốc Lê Hồng Hà)”. Ngay sau khi sự việc này được đăng tải, trong phiên giao dịch ngày 31/5 cổ phiếu HVN đã mất hơn trên 567 tỷ đồng vốn hóa.

Hiện Vietnam Airlines đang niêm yết 1,418,290,847 cổ phiếu HVN trên HoSE. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/5, HVN có mức giá 43.450 đồng/cổ phiếu. Hiện tỷ lệ ảnh hưởng của HVN đến VN -Index là 1.959%. Tuy niêm yết với số lượng cổ phiếu chỉ hơn 1/3, nhưng cổ phiếu VJC của Công ty Cổ phần Hàng không VIETJET lại có mức ảnh hưởng đến VN – Index là 2.072% cao HVN. Không những thế giá cổ phiếu VJC kết cũng cao gấp gần 3 lần HVN sau khi thúc phiên giao dịch 31/5.

Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia Việt Nam có uy tín, tầm cỡ trong khu vực nhờ thế mạnh về đội bay hiện đại, dịch vụ đạt tiêu chuẩn 4*. Tuy nhiên với sự tăng trưởng mạnh mẽ của hãng hàng không Vietjet, các số liệu cho thấy Vietnam Airlines đang phải cạnh tranh gay gắt với các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Số liệu cho thấy thị phần vận chuyển hành khách nội địa của Vietnam Airlines giảm 4 năm liên tiếp, năm 2015 đạt 47,8% tuy nhiên đến năm 2018 còn 39,7%, thị phần quốc tế giảm từ 39,4% năm 2015 còn 25,5% năm 2018, các con số này bao gồm Vasco nhưng không bao gồm thuê chuyến. Theo phân tích của các chuyên gia, sự cạnh tranh trong năm 2019 của ngành hàng không sẽ khốc liệt hơn khi có sự xuất hiện của Bamboo Airways. Mới đây, trong một văn bản phát đi, Vietnam Airlines đã ước tính hiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm do Bamboo Airways giành giật lực lượng phi công của hãng.

Không những thế theo thống kê, thu nhập của phi công Vietnam Airlines năm 2018 chỉ đạt 132 triệu đồng/tháng, vẫn thấp hơn các đối thủ trong ngành.

Với thưc tế đang diễn ra, thì sự phát triển của Vietnam Airlines được đánh giá khó đạt được như cam kết của ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị trong ngày niêm yết trên HoSE là (ngày 7/5/2019): Việc niêm yết trên sàn HoSE là sự kiện quan trọng giúp Vietnam Airlines nâng cao uy tín, tăng tính minh bạch, chuẩn hóa hoạt động quản trị của doanh nghiệp và tiếp cận các nguồn vốn đầu tư mới. Đồng thời, sự kiện còn là bước tiến cụ thể hóa cam kết của Hội đồng quản trị Tổng công ty trong việc gia tăng tính thanh khoản của cổ phiếu HVN và tối đa hóa giá trị đầu tư cho các cổ đông.

Theo Anh Khang/Thời báo chứng khoán