QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vietnam Airlines nói gì về việc “giấu lãi” 136 tỷ đồng?

Thường xuyên sử dụng cách hạch toán chênh lệch tỷ giá dẫn tới làm giảm lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng khiến kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ nhưng Vietnam Airlines vẫn cho rằng hợp lý và phù hợp giữa kết quả sản xuất kinh doanh giữa niên độ với cả năm.

Mới đây nhất, trong kỳ hoạt động nửa đầu năm 2019, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines – mã: HVN) đã trích lập chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái với số tiền khoảng 170 tỷ đồng dựa trên ước tính của Ban Giám đốc về sự suy giảm giá trị của VND so với các ngoại tệ đến cuối năm 2019.

Kiểm toán ngoại trừ

Khoản mục này của Vietnam Airlines bị Kiểm toán Deloitte cho rằng việc ghi nhận chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá dự kiến phát sinh trong tương lai là chưa phù hợp với Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 10 cũng như Thông tư số 200/2014/TT-BTC.

Ý kiến ngoại trừ nêu rõ, nếu Vietnam Airlines ghi nhận chênh lệch tỷ giá theo các qui định hiện hành, trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 30/6/2019, khoản mục “Chi phí phải trả ngắn hạn” sẽ giảm 170 tỷ đồng và “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” sẽ tăng 136 tỷ đồng.

Đồng thời trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm, chi phí tài chính sẽ giảm tương ứng 170 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ tăng 136 tỷ đồng.

Vietnam Airlines có vẻ là doanh nghiệp hay “lo xa” bởi đây không phải là lần đầu tiên hãng hàng không quốc gia bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản chênh lệch tỷ giá này.

Tại Báo cáo tài chính bán niên 2018 (nửa đầu năm) của Vietnam Airlines được soát xét bởi công ty kiểm toán KPMG cũng đưa ra kết luận ngoại trừ chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái với giá trị 420,6 tỷ đồng, được trích dựa trên ước tính của Ban Giám đốc Tổng công ty về sự suy giảm của VND so với đồng ngoại tệ đến cuối năm 2018.

Việc ghi nhận khoản trích trước này, theo KPMG là không phù hợp với các quy định về hạch toán chênh lệch tỷ giá của Chuẩn mực Kế toán Việt Nam. Cũng do việc trích trước này, tại ngày kết thúc kỳ kế toán 30/6/2018, chi phí phải trả và chi phí tài chính bị ghi nhận tăng 420,6 tỷ, lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận chưa phân phối bị ghi nhận giảm 336,5 tỷ đồng.

Vietnam Airlines đã từng áp dụng phương pháp trên trong các báo cáo soát xét năm 2016, 2017. Như báo cáo bán niên năm 2017, tổng công ty cũng trích trước chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá 565,5 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận chưa phân phối tại 30/6/2017 bị ghi nhận giảm cùng một khoản 565,5 tỷ đồng.

Kiểm toán độc lập cho rằng nếu Vietnam Airlines hạch toán đúng chênh lệch tỷ giá thì lợi nhuận sau thuế sẽ tăng khoản tương đương.  Con số tương tự cho báo cáo bán niên 2016 là 1.038,5 tỷ đồng.

“Ông lớn” nói hợp lý

Giải trình về ý kiến của Kiểm toán, Vietnam Airlines cho biết khoản trích trước lỗ chênh lệch tỷ giá 170 tỷ đồng nói trên được đưa ra dựa trên ước tính của Ban Giám đốc về sự suy giảm giá trị của VND so với các ngoại tệ mạnh (chủ yếu là USD) tại thời điểm 30/6/2019 và tại thời điểm phát hành báo cáo so với thời điểm 31/12/2019.

“Khoản trích trước này tương đương với biến động tỷ giá VND cho cả năm 2019 là 2%. Phương pháp này  được thống kê nhiều năm và Vietnam Airlines xét thấy là hợp lý và phù hợp giữa kết quả sản xuất kinh doanh giữa niên độ với cả năm”, Vietnam Airlines cho biết.

Tất nhiên, lý giải này cũng áp dụng cho tất cả những ý kiến ngoại trừ của những năm trước được nêu ở trên.

Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 6 kiểm toán cả doanh thu và lợi nhuận của Vietnam Airlines đều không có sự thay đổi so với BCTC tự lập. Theo đó, doanh thu của Vietnam Airlines vẫn đạt 49.676 tỷ đồng tăng 4,5% so với cùng kỳ ; lợi nhuận đạt 1.381 tỷ đồng, giảm 8,6% so với 6 tháng đầu năm 2018. Các chỉ tiêu hợp nhất 6 tháng khác của Vietnam Airlines cũng không thay đổi sau soát xét.

Nói về nguyên nhân lợi nhuận sau thuế hợp nhất sụt giảm so với cùng kỳ trong khi đó lợi nhuận cổ đông công ty mẹ vẫn tăng trưởng mạnh, Vietnam Airlines cho rằng, chủ yếu là do thu tài chính từ hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2019 của công ty mẹ tăng 148 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái nên khi hợp nhất báo cáo tài chính toàn Tổng công ty, lợi nhuận hợp nhất sẽ giảm tương ứng. Ngoài ra lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của một số công ty con giảm nhẹ như NCTS, NCS…

Ngoài ra, nhiều khả năng hãng hàng không chi phí thấp Jetstar Pacific (JPA) cũng đã sụt giảm về lợi nhuận trong kỳ này do không còn thương vụ mua và thuê lại (SALB), trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận 53 tỷ đồng lợi nhuận từ các thương vụ SALB.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN giao dịch khá tiêu cực từ cuối tháng 7 tới nay. Thị giá cổ phiếu HVN giảm từ 42.800 đồng/cp xuống vùng giá 39.000 đồng/cp, tương đương gần 9%.

Theo Anh Minh/Thương Gia