Theo Vinhomes, thị giá của cổ phiếu VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của doanh nghiệp, do đó việc mua lại cổ phiếu là để đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Công ty Cổ phần Vinhomes (HoSE: VHM) vừa công bố về việc mua lại cổ phiếu đã phát hành của doanh nghiệp với số lượng tối đa khoảng 370 triệu cổ phiếu, tương đương 8,5% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian dự kiến mua lại là sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và doanh nghiệp đã công bố thông tin về việc mua lại cổ phiếu theo quy định. Phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận thông qua công ty chứng khoán.
Tạm tính theo giá mở cửa phiên 7/8, Vinhomes dự kiến phải chi hơn 13.600 tỷ đồng để mua lại hết số lượng 370 triệu cổ phiếu VHM. Sau khi thực hiện giao dịch, vốn điều lệ của Vinhomes sẽ giảm tương ứng 3.700 tỷ đồng.
Vinhomes cho biết, thị giá của cổ phiếu VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của doanh nghiệp, do đó việc mua lại cổ phiếu là để đảm bảo quyền lợi của cổ đông. Giá trị sổ sách của cổ phiếu VHM theo báo cáo tài chính quý II/2024 đạt khoảng 44.208 đồng/cổ phiếu (theo SSI), cao hơn gần 20% so với thị giá của VHM trên thị trường chứng khoán.
Diễn biến của cổ phiếu VHM cũng không mấy khả quan khi trong vòng 1 năm trở lại đây, thị giá của VHM đã giảm khoảng 40%, từ mức 63.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm phiên 4/8/2023 còn 36.950 đồng/cổ phiếu (giá mở cửa phiên 7/8).
Theo Công ty Chứng khoán DSC, doanh nghiệp có thể hướng tới 5 mục đích khác nhau khi mua lại cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Thứ nhất là để tăng giá cổ phiếu. Việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của mình đồng nghĩa với việc đang loại bỏ cổ phiếu đó khỏi thị trường. Điều này làm giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành và có thể dẫn đến tăng giá cổ phiếu.
Thứ hai là để tăng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS). Khi một doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của mình, số lượng cổ phiếu đang lưu hành sẽ giảm, làm tăng EPS ngay cả khi lợi nhuận của doanh nghiệp không thay đổi.
Thứ ba là mục đích tăng cường kiểm soát, tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình. Thứ tư là giảm chi phí vốn. Việc sử dụng tiền mặt để mua lại cổ phiếu của mình có thể dẫn đến giảm chi phí vay và chi phí vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Cuối cùng là mục đích triển khai các chiến lược kinh doanh khác, như sáp nhập và mua lại.
Quay lại câu chuyện của Vinhomes, trong quá khứ, vào năm 2019, doanh nghiệp này đã từng thực hiện mua lại cổ phiếu VHM với số lượng 60 triệu đơn vị, với cùng nguyên nhân do thị giá thấp hơn giá trị thực (theo đánh giá của doanh nghiệp). Đến năm 2021, Vinhomes đã chốt lời số lượng cổ phiếu VHM khi thị giá tăng mạnh lên mức trên 110.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá mua vào chỉ khoảng hơn 92.000 đồng/cổ phiếu.
Ở giai đoạn cuối năm 2022, khi thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều diễn biến xấu, một số doanh nghiệp như Tập đoàn Kido (HoSE: KDC), Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC), Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG), Công ty Cổ phần Phú Tài (HoSE: PTB), Tổng công ty IDICO (HNX: IDC) đã ồ ạt công bố các phương án mua lại cổ phiếu để đảm bảo lợi ích của cổ đông.
Tuy nhiên, do thời gian thực hiện các thủ tục mua lại diễn ra khá lâu, nhiều doanh nghiệp đã huỷ các kế hoạch này khi thị trường chứng khoán có diễn biến tích cực hơn.
Sau khi Vinhomes công bố về kế hoạch mua lại cổ phiếu, thị giá của VHM ngay lập tức tăng kịch trần lên mức 37.200 đồng/cổ phiếu trong phiên sáng. Thanh khoản cũng tăng đột biến lên hơn 24,8 triệu đơn vị, gấp 3 lần khối lượng giao dịch trung bình trong 3 tháng gần đây.