QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

VN-Index vẫn trong giai đoạn đi ngang nhưng xu hướng đã tích cực hơn

Giới phân tích đồng thuận rằng mặc dù VN-Index chưa thể sớm bứt phá nhưng xu hướng đã tích cực hơn, biểu hiện qua việc thanh khoản được cải thiện rõ rệt.

VN-Index vẫn trong giai đoạn đi ngang nhưng xu hướng đã tích cực hơnz

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến giằng co trong tuần giao dịch vừa qua khi chỉ số VN-Index dao động trong vùng 1.058 – 1.077 điểm và chốt tuần tại tại mức 1.067 điểm, gần như không đổi so với cuối tuần trước đó. Điểm tích cực là thanh khoản thị trường tiếp tục có sự cải thiện.

Theo quan sát của Công ty Chứng khoán VNDirect, dòng tiền trong nước đã bắt đầu quay trở lại thị trường chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trong nước dần hạ nhiệt. Tuy nhiên để thị trường có thể bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1.080 – 1.100 điểm, theo VNDirect, cần thêm những thông tin hỗ trợ từ chính sách trong nước.

Cụ thể, nhà đầu tư đang rất chờ đợi thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa của Ngân hàng Nhà nước cũng như chính sách giảm thuế VAT 2% nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Những chính sách này nếu được thông qua trong thời gian tới có thể là cú hích để chỉ số VN-Index thiết lập lại xu hướng tăng điểm và hướng đến các cột mốc cao hơn trong giai đoạn tới.  

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDirect, cho rằng nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số VN-Index kiểm định lại vùng quanh 1.050 – 1.055 điểm (tương đương vùng hội tụ của 3 đường MA20, MA50 và MA100), ưu tiên những nhóm ngành có thông tin hỗ trợ và đang có sức mạnh giá trội hơn so với mặt bằng chung như ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công (xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng) và năng lượng (điện, dầu khí).

Ngược lại, kháng cự mạnh của VN-Index là vùng 1.080 – 1.100 điểm. Nhà đầu tư lưu ý không nên mua đuổi giá cao nếu chỉ số VN-Index tiến sát đến vùng kháng cự kể trên.

Dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho hay trên đồ thị ngày, các chỉ báo động lượng ngắn hạn RSI và Stochastic trong vùng trung tính cho thấy VN-Index đang duy trì trạng thái tích lũy. Diễn biến này phù hợp trong bối cảnh dòng tiền có sự luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành và thị trường thiếu nhóm mạnh dẫn dắt. Song với việc chỉ số vẫn giữ vững được mốc hỗ trợ MA20 trên cả khung ngày và khung tuần, Agriseco đánh giá xu hướng hiện tại vẫn tương tối tích cực.

Về dòng tiền, nhóm vốn hóa lớn thu hút dòng tiền trở lại tuần qua khi áp lực chốt lời bắt đầu hiện hữu ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ sau giai đoạn tăng khá tốt, cùng với đó, khối ngoại đảo chiều mua tập trung vào các cổ phiếu thuộc rổ VN30.

“Chúng tôi kỳ vọng nhóm vốn hóa lớn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng giá thời gian tới khi hiện tại thị trường đang đón chờ dòng vốn từ quỹ CTBC Vietnam Equity Fund của Đài Loan tham gia, qua đó góp phần hỗ trợ điểm số thị trường. Dự báo VN-Index tuần sau sẽ vận động theo xu hướng sideway up với biên độ 1.060 – 1.080 điểm”, phía Agriseco nêu quan điểm.

Trong ngắn hạn, theo Agriseco, nhà đầu tư đã giải ngân có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và canh tăng tỷ trọng khi chỉ số bứt phá thành công mốc 1.070 điểm.

Một số nhóm ngành nhà đầu tư nên lưu ý trong tuần tới bao gồm: Nhóm được hưởng lợi từ các chính sách vĩ mô được ban hành thời gian qua như ngân hàng và bất động sản; nhóm dầu khí được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực liên quan đến dự án Lô B khi mới đây Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) – Nhà điều hành dự án khí Lô B vừa ký kết hợp đồng khung cung cấp dịch vụ hỗ trợ quản lý dự án (PMSS) với các nhà cung cấp dịch vụ.

Cùng với đó là nhóm chứng khoán, là ngành có độ nhạy với sự thay đổi mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó, cũng nên lưu tâm đến nhóm điện với quy hoạch điện VIII chính thức được phê duyệt tạo hành lang pháp lý cho nhiều dự án được triển khai thời gian tới.

Theo Thái Sơn/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/vn-index-van-trong-giai-doan-di-ngang-nhung-xu-huong-da-tich-cuc-hon-20180504224284617.htm