QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

[VNF cuối tuần]: ‘Con hổ kinh tế’ vẫn chờ sự cởi trói

Việt Nam được đánh giá là con hổ kinh tế mới nhất của châu Á. Nhưng con hổ ấy cho đến hôm nay vẫn đang đợi bàn tay cởi trói của Chính phủ.

Thượng tuần tháng 10, Mỹ và Canada đạt được thỏa thuận về một phiên bản mới cho Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Phiên bản mới này có tên Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA).

Điều 10, Chương 32 của USMCA quy định: Nếu bất cứ bên nào trong thỏa thuận thương mại tay ba này tìm cách ký kết thỏa thuận thương mại tự do với “nền kinh tế phi thị trường” thì các bên còn lại sẽ được phép hủy thỏa thuận đó, biến nó thành hiệp định song phương.

Cho đến nay, vẫn còn hơn mười quốc gia bị Mỹ xếp trong nhóm “nền kinh tế phi thị trường”, trong đó có Việt Nam.

12 năm đã qua kể từ khi bước chân vào WTO, Việt Nam đã được 69 quốc gia công nhận là có nền kinh tế thị trường. Nhưng hai quốc gia/cộng đồng quan trọng nhất là Mỹ và EU vẫn chưa công nhận Việt Nam.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, quy định của USMCA không chỉ đánh trực diện vào Trung Quốc mà còn “liên lụy” tới các quốc gia “phi thị trường” như Việt Nam.

Bởi không chỉ ở USMCA, nhiều khả năng Mỹ cũng sẽ đưa ra điều khoản tương tự trong đàm phán thương mại với các quốc gia khác, bao gồm các cuộc đàm phán đã bắt đầu với EU và Nhật Bản, cũng như trong cuộc đàm phán tương lai với Anh sau khi nước này Brexit.

Với quy mô kinh tế bé nhỏ và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, Việt Nam đang hết sức chông chênh trong cuộc chiến giữa hai gã khổng lồ của kinh tế thế giới.

Thoát ra khỏi cuộc chiến này là điều không tưởng, nhưng hạn chế phần nào tác động của nó tới kinh tế nước nhà vẫn là điều trong tầm tay. Cách duy nhất để hạn chế tác động, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, là: Thể chế, thể chế và thể chế.

Gỡ bỏ nhiều hơn nữa các điều kiện kinh doanh đang trói chân doanh nghiệp, cải thiện mạnh hơn nữa những thủ tục hành chính đang ăn mòn sức dân, giải quyết triệt để hơn các loại chi phí không chính thức… sẽ làm tăng nội lực quốc gia và khiến nền kinh tế Việt Nam mạnh hơn, chống chọi tốt hơn trước sức ép toàn cầu.

Tuy nhiên, rất đáng buồn là trong những năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ điều kiện kinh doanh vẫn chưa đạt được tiến độ như kì vọng, bất chấp nỗ lực đôn đốc rất lớn của Thủ tướng, đóng góp của giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay mới chỉ có 2 Nghị định cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh được ban hành (Nghị định 08/2018/NĐ-CP và Nghị định 100/2018/NĐ-CP). Việc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh mới chỉ đạt 30% so với yêu cầu

Không chỉ chậm về số lượng, việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn diễn ra chưa đồng đều, thậm chí còn có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất.

Còn với kiểm tra chuyên ngành, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định “tình hình ít có sự biến chuyển”; thậm chí một số quy định tại các văn bản mới ban hành còn thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền phức hơn cho doanh nghiệp so với trước đây.

Thực trạng đáng buồn này phản ánh sức ì của bộ máy vẫn còn rất lớn, bánh xe cải cách vẫn đang vận hành hết sức nặng nhọc.

Dù các chỉ số vĩ mô vẫn đang phô bày vẻ đẹp trên các báo cáo hàng tháng của Tổng cục Thống kê nhưng những lo ngại về môi trường đầu tư kinh doanh vẫn tiếp tục hiện hữu. Báo cáo của VEPR mới đây cho thấy số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 9 tháng năm nay đã tăng tới 48% so với cùng kì năm trước. Con số này càng đẩy mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ trở nên khó khả thi.

Xưa, Tử Cống hỏi Khổng Tử về chính sự, Khổng Tử đáp rằng: “Đủ lương thực, đủ binh lính, dân tin theo vậy”. Nay, có thể sửa lời Khổng Tử cho hợp thời rằng: “Đủ doanh nghiệp, đủ binh lính, dân tin theo vậy”.

Doanh nghiệp là rường cột của quốc gia, bồi dưỡng cho doanh nghiệp chính là bồi dưỡng cho quốc lực.

Con hổ kinh tế mới nhất của châu Á liệu có gầm lên được những tiếng uy dũng hay lại phải “gậm một khối căm hờn trong cũi sắt”, tất cả đều phụ thuộc ở sức của doanh nghiệp. Mà trước tiên, sức đấy phải được khơi lên bởi bàn tay của Chính phủ.

Theo quan điểm của VietnamFinance, sự thịnh vượng sẽ chỉ đến khi cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân lớn mạnh, được tạo những điều kiện thuận lợi nhất để phát huy năng lực kinh doanh của mình. Doanh nhân không chỉ cần một ngày doanh nhân với những vinh danh. Doanh nhân cần được “chăm sóc”, mỗi ngày…

Theo Xuân Hải/Vietnamfinance