QC 1
Thứ 3, ngày 16/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Vụ Alibaba: ‘Nhà đầu tư quá xem thường pháp luật, cứ nghĩ lướt sóng là nghề dễ kiếm tiền’

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VnREA) cho rằng các khách hàng của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba nhiều khả năng sẽ không đòi được số tiền đã nộp cho công ty này.

Ảnh minh hoạ

Như VietnamFinance đã thông tin, Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty thành viên đã thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600 ha, giao cho các cá nhân đứng tên, tự vẽ ra 40 dự án “ma”: tại Đồng Nai 29 dự án; Bà Rịa-Vũng Tàu 9 dự án; Bình Thuận 2 dự án. Tất cả các dự án này chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và cấp phép.

Sau đó, Công ty Alibaba tổ chức quảng cáo sai sự thật để bán đất cho khách hàng. Tính đến ngày 30/6/2019, công ty đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỷ đồng.

Lực lượng công an hiện đã bắt ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba và ông Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Alibaba.

Liên quan đến sự việc này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký VnREA:

– Với các diễn biến hiện tại, ông cho rằng khách hàng có cơ hội đòi lại tiền từ Công ty Alibaba không?

Ông Nguyễn Văn Đính: Từ góc độ pháp luật có thể thấy khả năng lấy lại tiền là khá khó. Tiền đã đổ vào mua đất, nhưng việc mua đất này lại là trái quy định, đã trái quy định thì nhà nước sẽ tịch thu.

Đất sẽ được trả lại đúng chức năng: đang là đất nông nghiệp thì trả về chức năng đất nông nghiệp, nếu có quy hoạch mới thì phải tuân theo quy hoạch mà chính quyền đã phê duyệt.

Khả năng giao đất đấy cho Công ty Alibaba thì càng không thể, vì công ty này chằng có năng lực gì. Một công ty ma, một công ty lừa thì làm gì có năng lực để giao đất làm dự án.

Cho nên khả năng khách hàng bị thiệt hại là lớn, rất khó khắc phục được, trừ khi còn thu hồi được tiền của Alibaba.

Đây là bài học cho các nhà đầu tư, làm gì cũng phải tuân thủ pháp luật. Truyền thông đã nói rất nhiều về mua bán nhà đất phải theo luật, đằng này người dân cứ ham rẻ, ham lợi xông vào mua! Tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến.

Tất nhiên ở đây có phần lỗi của cơ quan quản lý nhà nước, ngay từ đầu dã không ngăn chặn, khiến Công ty Alibaba lừa khách hàng một cách dễ dàng.

– Như ông nói thì sở dĩ khách hàng bị thiệt hại là do ham lợi, điều này khá tương phản với việc chúng ta nói rằng khách hàng đang ngày càng thông minh hơn?

Chúng ta thấy con số khách hàng bị lừa bởi Công ty Alibaba là 6.700 người. Nhưng tôi cho rằng con số thực tế còn lớn hơn thế.

Việc khách hàng ham lợi là điều không lạ. Bài học ở Phú Quốc còn nguyên vẹn. Ở Phú Quốc cũng có khác gì Alibaba, không biết bao nhiêu tiền đổ vào. Các dự án, có thể không “ma”, nhưng đều trái quy định của pháp luật: nào san rừng, san vườn, san đất nông nghiệp ra bán, làm gì có dự án, làm gì được phê duyệt theo quy hoạch. Chấp thuận chủ trương, chấp thuận đầu tư của tỉnh làm gì có, thế nhưng khách hàng vẫn cứ lao vào mua.

Có hai vấn đề ở đây. Một là một là khách hàng thiếu hiểu biết pháp luật; hai là khách hàng ham lợi. Lướt sóng, lướt ván đang là phong trào rất mạnh, không chỉ riêng ở Alibaba hay Phú Quốc mà còn ở nhiều nơi khác.

Tôi nghĩ các nhà đầu tư vẫn đang xem thường các quy định pháp luật. Họ cứ nghĩ lướt sóng, lướt ván là một nghề dễ kiếm tiền.

– Ở trên ông có nói để xảy ra việc Công ty Alibaba lừa tới 6.700 khách hàng có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, ông có thể nói rõ hơn?

Ngay từ việc Công ty Alibaba mua đất, san lấp mặt bằng đã là sai rồi, việc đó có thể ngăn chặn ngay. Làm sao chính quyền địa phương có thể nói là không biết được.

Người dân mua đất của Công ty Alibaba lẽ ra phải thẩm định về pháp lý của miếng đất đó, của dự án đó. Nhưng chúng ta hãy hỏi vì sao họ lại bỏ qua việc thẩm định? Ấy là vì họ thấy Công ty Alibaba san lấp mặt bằng, làm hạ tầng đường sá. Họ thấy đó là một dự án và họ đặt niềm tin vào đây. Tại sao họ đặt niềm tin? Là vì họ nghĩ rằng Công ty Alibaba đã làm được như vậy tức là công ty này đã được chính quyền cho phép.

Người dân đâu ai nghĩ một công ty làm bừa mà lại làm công khai và quy mô như thế. Họ bị ảo giác về sự cho phép của chính quyền địa phương.

Vấn đề là tại sao chính quyền lại để Công ty Alibaba làm được đến thế? Cái đó là trách nhiệm của địa phương.

Chúng ta đều hiểu, dự án nào cũng phải báo cáo địa phương. Một dự án khởi công, về nguyên tắc, phải báo cáo địa phương rằng dự án đã đủ giấy tờ, xin phép định ngày khởi công rồi mời đại diện chính quyền địa phương chứng kiến việc khởi công. Nhưng ở Công ty Alibaba, mọi quy định đều bị bỏ qua.

Ông Alibaba khởi công, đổ đất, xây hạ tầng rầm rầm như thế mà chính quyền lại bảo không biết, đến khi người ta bán ầm ĩ rồi mới có động thái, đến khi có khiếu kiện mới bắt đầu giải quyết. Tôi cho đấy có sự buông lỏng nhất định việc làm của doanh nghiệp, tạo khe hở cho việc Công ty Alibaba lừa đảo khách hàng.

– Từ sự việc của Công ty Alibaba, có thể thấy dường như nhu cầu đất nền tại miền Nam là rất lớn. Bởi vì Công ty Alibaba chỉ bán đất nông nghiệp, ở vùng chưa có hạ tầng, không có dự án lớn hay doanh nghiệp lớn để kích cầu mà người dân vẫn lao vào mua?

Ở đây có 2 đối tượng mua đấy. Một là người có nhu cầu thực, muốn tìm kiếm mảnh đất xây nhà ở mà khả năng tài chính rất thấp. Những doanh nghiệp như Alibaba đã tận dụng nhu cầu này. Họ tập trung họ làm, họ lừa những đối tượng này vào bẫy, bởi vì sản phẩm đưa ra có giá rất hấp dẫn.

Đối tượng thứ hai là nhà đầu cơ, thấy rẻ là mua để lướt sóng kiếm lời.

Đối tượng thứ nhất, tôi cho rằng có ít. Phần nhiều khách hàng của Alibaba là người toan tính, đầu cơ, cứ nghĩ mua rẻ, đợi sau này nó thành dự án thì bán đắt.

Do đó, dựa vào đây để nói về nhu cầu đất nền cao là chưa hẳn. Mua đất để đầu tư phát triển mới gọi là nhu cầu, còn để ôm đất, găm đất, đầu cơ đất thì không phải là nhu cầu chính đáng.

Một thị trường mà toàn bán đất thì sẽ gây ra hệ lụy rất lớn: tài nguyên đất đai bị găm giữ không phát triển được, không kéo theo sự phát triển của địa phương. Doanh nghiệp/người dân phải xây nhà thì mới phát triển đô thị, dân cư, và các ngành kinh tế khác, còn ủi mấy lô đất rồi bán thì không khuyến khích được. Cái đó là lợi bất cập hại.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Xuân Hải/VietnamFinance