QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

WCS lấy tiền để dành xây bến xe mới để chia cổ tức

Năm 2018, Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây (mã chứng khoán WCS) chia cổ tức với mức khủng lên đến 400% tương đương với 100 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này trong năm chỉ trên 66 tỷ đồng.  

Lý giải việc chia cổ tức lên đến 400% ông Nguyễn Ngọc Thừa, Tổng Giám đốc WCS cho biết, các năm trước công ty giữ lại lợi nhuận để huy động vốn đầu tư xây dựng bến xe mới. Tuy nhiên, do tiến độ triển khai dự án chậm, đang trong quá trình thực hiện xin các thủ tục theo quy định của Nhà nước và các thủ tục đảm bảo tính pháp lý chủ đầu tư, sau khi trao đổi với cổ đông lớn và thống nhất chính sách chia cổ tức năm 2018 tăng cao so với các năm trước. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 tổ chức ngày 26/4/2019, mức chia cổ tức đã được Đại hội thống nhất thông qua với tỷ lệ đạt 99,97%.

Tính đến ngày 25/4/2018, Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây có cổ đông Nhà nước, cụ thể là Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn – TNHH một thành viên chiếm 51% và là cổ đông lớn nhất của công ty. Với việc chia cổ tức năm 2018 của WCS doanh nghiệp này thu về 51 tỷ đồng.

Tháng 6/2016, UBND TP.HCM đã duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của bến xe Miền Tây mới thuộc khu E – khu Đô thị mới Nam Sài Gòn tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh với diện tích 19,64 ha. Công suất dự kiến phục vụ 50.000 lượt hành khách mỗi ngày và 2.500 lượt xe xuất bến trong ngày. Theo Sở GTVT TP.HCM, cần hơn 1.140 tỷ đồng để đền bù giải phòng mặt bằng khởi công dự án bến xe Miền Tây mới. Dự án nằm trong chủ trương của Thành phố di dời các bến xe ra ngoại thành để mở rộng quy mô cũng như giảm áp lực giao thông cho khu vực nội thành TP.HCM.

Theo tìm hiểu của Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam, khu vực xây dựng bến xe Miền Tây mới là vùng đất trũng với cây cối mọc um tùm, lác đác vài ngôi nhà lụp xụp được dựng lên, nhiều nơi còn biến thành bãi rác công cộng. Xung quanh khu vực vẫn chưa có bất kỳ bảng hiệu giới thiệu nào về dự án bến xe Miền Tây mới. Theo phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức họp dân để triển khai công tác bồi thường, giải tỏa mặt bằng từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, đến nay người dân, chính quyền và chủ đầu tư vẫn chưa thống nhất được phương án triển khai, khiến dự án bị trì trệ.

Có một điều khó hiểu ở đây là đến 6/2016 bến xe Miền Tây mới được các cơ quan chức năng phê duyệt, nhưng từ năm 2009 WCS đã giữ lại một phần lợi nhuận sau thuế. Số tiền này đến tính đến ngày 31/12/2018 là gần 179 tỷ đồng, chiếm 61% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Một vị đại diện của WCS nói với Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam là do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại từ năm 2009 đến nay nhiều quá nên chia bớt.

Theo Anh Khang/Thời báo chứng khoán