QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Xây dựng chuỗi kinh doanh Việt, nuôi dưỡng các ‘đại bàng nội’

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam dù gặp bộn bề khó khăn nhưng đã dần lớn mạnh, vươn lên cạnh tranh mạnh mẽ với các doanh nghiệp “ngoại”. Nhưng nhiều yếu tố bất định đang “níu chân” các doanh nghiệp tư nhân Việt, đòi hỏi phải có giải pháp tiếp sức cho các doanh nghiệp này.

Cạnh tranh mạnh mẽ, ghi những dấu ấn

Lĩnh vực bán lẻ nhất là các phương thức bán lẻ hiện đại từng là mối lo ngại lớn đối với nền kinh tế Việt Nam khi các tập đoàn ngoại xâm nhập và chi phối phần lớn thị phần từ nhiều năm qua. Hơn 10 năm trước, những thương hiệu như BigC, Metro, Lotte Mart, Auchan… và sự đổ bộ của Aeon đã dấy lên lo ngại hệ thống bán lẻ bị doanh nghiệp “ngoại” lấn át. Khi đó, không ai có thể nghĩ sẽ có ngày doanh nghiệp “nội” lật ngược tình thế.

Nhưng, sự xuất hiện và không ngừng lớn mạnh của hệ thống siêu thị Vinmart (nay là Winmart), Thế giới di động, Bách Hóa xanh… cùng với sự vững vàng của Co-opMark đã thắp lên hy vọng cho ngành bán lẻ Việt Nam.

Giờ đây, số liệu từ chuyên gia của Bộ Công Thương tiết lộ cho thấy, nếu tính cả các kênh bán lẻ ở chợ, cửa hàng tạp hóa, thì khu vực kinh tế trong nước chiếm 60%, doanh nghiệp FDI chiếm 40%.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đây cũng là tín hiệu mừng để Bộ Công Thương đưa ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 15%.

Đồng thời, Bộ Công Thương định hướng tập trung hỗ trợ hình thành và phát triển một số tập đoàn bán buôn, bán lẻ trong nước có thương hiệu lớn và có khả năng cạnh tranh trong khu vực, vươn ra nước ngoài.

Ở ngành hàng tiêu dùng, giờ đây trong mỗi gian bếp của người Việt đều có sự xuất hiện của những sản phẩm mì, nước tương, nước chấm mang “thương hiệu Việt” của Tập đoàn Masan. Lĩnh vực giải khát, sự xuất hiện của Tập đoàn Tân Hiệp Phát là một dấu ấn bất ngờ khi cạnh tranh ngang ngửa với các “người khổng lồ” như Cocacola, Pepsi.

Gần 6 năm trước, ngày 29/5/2017, dự án Formosa Hà Tĩnh chính thức đốt lửa lò cao số 1, cho ra những mẻ gang lỏng, phôi thép đầu tiên. Đó là dự án FDI đầu tiên sản xuất được thép cán nóng để làm các sản phẩm thép chất lượng cao, còn doanh nghiệp thép ‘nội’ vẫn chưa thể làm được điều này.

Nhưng từ tháng 1/2021, cả 4 lò cao của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động đồng bộ. Bước tiến này đánh dấu lần đầu tiên một doanh nghiệp thép của Việt Nam sản xuất được thép cán nóng. Sản phẩm này trở thành “con át chủ bài” trong chiến lược phát triển của Hoà Phát. Sự lớn mạnh của một tập đoàn tư nhân như Hòa Phát đã mang lại sức cạnh tranh hơn cho ngành thép Việt Nam, đảm bảo cho người Việt được dùng sản phẩm chất lượng, không để thị trường thép trở thành “sân chơi” của riêng những nhà đầu tư nước ngoài nhất là khi một số doanh nghiệp thép của Nhà nước dần đuối sức.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, 5 năm qua là khoảng thời gian chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là khối tư nhân trong nước. Trong hơn 10.000MW trang trại điện mặt trời, điện gió thì hầu hết do khu vực tư nhân xây dựng, vận hành. Khi giá điện than đang tăng cao như hiện nay, nguồn điện gió, mặt trời đã góp phần quan trọng trong việc cung ứng cho hệ thống với mức giá không quá cao.

Một vài dẫn chứng kể trên cho thấy, chỉ cần có cơ hội doanh nghiệp “nội” hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI, và chắc chắn làm tốt hơn doanh nghiệp nhà nước.

Xây dựng các tập đoàn kinh tế Việt vững mạnh

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty TNHH Luật Bizlink cho rằng: Sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam là một tất yếu khách quan. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính, chú trọng tính chuyên nghiệp, quản lý bài bản chắc chắn sẽ tồn tại và phát triển mạnh. Ngược lại, những doanh nghiệp làm ăn chộp giật sẽ bị chững lại. Dù sao, tôi đánh giá khối doanh nghiệp tư nhân phát triển tốt hơn doanh nghiệp nhà nước vì doanh nghiệp nhà nước hiện nay có những cái khó về cơ chế và trách nhiệm.

“Doanh nghiệp FDI có hậu thuẫn về nguồn lực tốt hơn, công nghệ tốt hơn, cách thức quản lý tốt hơn. Nhưng một số doanh nghiệp cũng có những vấn đề của họ như chuyển giá, nên chúng ta phải quản lý tốt hơn. Giờ đây, Việt Nam cũng nên lựa chọn nhà đầu tư với  những dự án ít ảnh hưởng đến môi trường, tạo thu nhập cao cho người lao động”, ông Nguyễn Đức Mạnh nói.

PGS.TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam đánh giá: Doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam có những doanh nghiệp làm ăn tốt, nhưng cũng có những doanh nghiệp làm ăn chưa bài bản, chủ yếu dựa vào quan hệ thân hữu. Cho nên, cần có giải pháp để thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân làm ăn bài bản, nghiêm túc, để họ phát triển.

Giờ đây, các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có cả các tập đoàn kinh tế lớn, đang phải đối diện với nguy cơ thiếu vốn cho sản xuất, dòng tiền bị ảnh hưởng. Luật sư Nguyễn Đức Mạnh cho rằng: Nhà nước vừa qua thắt chặt room tín dụng là đúng, nhưng việc siết room tín dụng lại đánh đồng tất cả các lĩnh vực, không chỉ bất động sản mà doanh nghiệp sản xuất cũng bị ảnh hưởng.

Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành cần đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tài chính và thị trường tài chính; lưu ý đảm bảo thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng, an toàn của các công ty chứng khoán, hạn chế tối đa tác động lan truyền. Trong đó, cần tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng, đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có thể tăng vốn, đảm bảo an toàn hoạt động, theo yêu cầu của Chương trình phục hồi và đảm bảo năng lực cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân đang đối diện môi trường kinh doanh nhiều rủi ro, nhiều yếu tố khó đoán định về chính sách và pháp lý. Vì vậy, quan điểm kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cho phát triển cần được thực hiện nhất quán, tạo điều kiện cho khu vực này hoạt động trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo: Sự rườm rà, phức tạp và kém hiệu quả của hệ thống quy định, điều kiện kinh doanh của Nhà nước đã làm tăng chi phí kinh doanh gấp bội, làm suy yếu sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Trần Đình Thiên khuyến nghị xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia “Phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam” theo tinh thần thị trường: các chủ thể bình đẳng về tư cách, khác biệt về chức năng, được khuyến khích phát triển theo nguyên tắc “khuyến khích người thắng”; quan tâm thúc đẩy xây dựng các chuỗi sản xuất Việt Nam, tạo điều kiện phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam thành lực lượng dẫn dắt các chuỗi, trụ cột là các tập đoàn tư nhân. Đó là các ‘đại bàng” nội để giữ vững sân nhà và vươn ra quốc tế.

Theo Hải Nam/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/xay-dung-chuoi-kinh-doanh-viet-nuoi-duong-cac-dai-bang-noi-20180504224280510.htm