QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Xe tuần qua: Đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật GTĐB, tố sai phạm của Grab

Đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật GTĐB, nhiều bất cập và sai phạm của Grab khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã có liệu và linh kiện sản xuất, lắp ráp 200 ô tô của VinFast sắp được miễn thuế nhập khẩu… là những thông tin đáng chú ý trong tuần.

Đại biểu Quốc hội không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ

Sau khi gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung của “hai luật” được tách từ Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) hiện hành là: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ.

Kết quả xin ý kiến về việc có tách thành 2 luật hay không, có 110 đại biểu tán thành, tương đương 21,62% tổng số đại biểu Quốc hội. Trong khi đó, có 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,79% tổng số đại biểu Quốc hội.

Trước đó vào giữa năm 2019, Bộ Công an đề xuất tách Luật GTĐB ra thành hai dự luật là Luật GTĐB và Luật Bảo đảm TTATGTĐB, đồng thời dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

Ban đầu, Bộ Công an đề xuất luật này chỉ quy định về hệ thống biển báo hiệu, tốc độ, khoảng cách giữa các xe, quy tắc giao thông, quản lý phương tiện và người lái…, không đề cập đến việc quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX.

Tháng 9/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam là đơn vị đầu tiên có văn bản gửi lên lãnh đạo Bộ GTVT, Vụ Pháp chế với đề nghị không xây dựng Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Nguyên nhân, những quy định trên có mối quan hệ biện chứng, gắn kết, không thể tách rời và phải thống nhất trong một cơ quan quản lý nhà nước là ngành giao thông.

Dù gặp sự phản ứng của ngành giao thông, đầu năm 2020 Bộ Công an vẫn trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng luật trên. Đến tháng 3/2020, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình có văn bản “cơ bản đồng ý về sự cần thiết phải xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT” nhưng không được chồng chéo, trùng lặp Luật GTĐB sửa đổi.

Song song thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải cũng tổng kết Luật GTĐB 2008. Đồng thời, đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ đề nghị rút ngắn thời gian trình dự luật sang năm 2020 nhưng vẫn giữ phạm vi điều chỉnh Luật GTĐB, chờ Chính phủ quyết định có tách Luật GTĐB không.

Đầu tháng 8-2020, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an lần lượt trình Chính phủ lại Luật GTĐB sửa đổi và Luật Bảo đảm TTATGTĐB (luật mới). Trong đó, Bộ Công an đề xuất thay Bộ Giao thông Vận tải quản lý nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.

Hiệp hội taxi ba miền ‘tố’ sai phạm của Grab lên Quốc hội

Mới đây, Hiệp hội taxi ba miền (bao gồm Hiệp hội taxi Hà Nội – Đà Nẵng – TP. HCM) đã có văn bản gửi tới Quốc hội đề nghị xử lý những sai phạm và bất cập trong hoạt động của Công ty TNHH Grab.

Theo đó, Công ty TNHH Grab (gọi tắt là Grab) ccòn nhiều sai phạm và bất cập. Cụ thể, Grab chưa được một Sở Giao thông Vận tải nào cấp giấy phép kinh doanh vận tải nhưng Grab vẫn ngang nhiên hoạt động. 

Thứ hai, phần mềm của Grab hiện nay không trích xuất được danh sách hành khách đối với các chuyến xe chở từ 2 hành khách trở lên và đã vi phạm điểm c, khoản 4, điều 7, nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Sai phạm thứ 3 của Grab được chỉ ra là trên giao diện phần mềm của hãng không thể hiện đầy đủ các thông tin của hợp đồng điện tử theo quy định như: không có thông tin về người đại diện đơn vị vận tải ký hợp đồng, không có logo của đơn vị vận tải trên giao diện.

Sai phạm thứ 4 của Grab là vi phạm điểm b, khoản 1 điều 7, nghị định 10/2020/NĐ-CP và khoản 3, khoản 4, điều 43, thông tư 12/2020/TT-BGTVT liên quan tới việc không dán đầy đủ nhận diện theo quy định như: không dán chữ “xe hợp đồng” ở kính trước và sau xe, không dán niêm yết logo của đơn vị vận tải bên thân xe.

Cùng với đó, Hiệp hội taxi ba miền cũng chỉ ra nhiều bất cập trong hoạt động của Grab. Cụ thể là về giá cước. Theo Hiệp hội taxi ba miền, mặc dù Grab hoạt động như taxi (người dân vẫn quen gọi là taxi công nghệ) nhưng Grab không phải kê khai giá dẫn đến tình trạng giá cước tăng giảm liên tục 200 – 300% trong ngày tùy theo cung giờ.

Trong khi đó các doanh nghiệp taxi phải kê khai giá, mỗi khi giá xăng dầu điều chỉnh thì các cơ quan quản lý đều yêu cầu các doanh nghiệp taxi phải điều chỉnh giá cước cho phù hợp với sự biến động của giá nhiên liệu, việc này là rất bất bình đẳng đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách.

Thứ hai là các tài xế này đều không nộp bảo hiểm xã hội. Cả Grab và các hợp tác xã đều không nhận trách nhiệm. Điều làm ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội. “Grab đang kinh doanh thu lợi nhuận nhưng trách nhiệm an sinh xã hội lại đẩy về cho nhà nước. Đây là lỗ hổng lớn cần phải quản lý chặt chẽ để ngân sách không bị thất thoát”, phía Hiệp hội taxi ba miền nhận định.

Ngoài ra, bất cập lớn nhất trong hoạt động của Grab đó là về thuế. 

Linh kiện sản xuất, lắp ráp 200 ô tô của VinFast sắp được miễn thuế nhập khẩu

Bộ Tài Chính đã trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về việc miễn thuế nhập khẩu linh kiện ô tô nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp xe ô tô, cụm linh kiện xuất khẩu ra nước ngoài nhằm mục đích kiểm nghiệm, thử nghiệm của Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh VinFast (VinFast).

Theo dự thảo Quyết định, các linh kiện ô tô do VinFast nhập khẩu trong giai đoạn từ ngày 13/11/2018 đến ngày 31/12/2020 để sản xuất, lắp ráp 200 xe ô tô và 100 cụm linh kiện xuất khẩu ra nước ngoài, phục vụ mục đích kiểm nghiệm, thử nghiệm sẽ được miễn thuế nhập khẩu sau khi Thủ tướng ký Quyết định.

Các linh kiện nhập khẩu được sử dụng để sản xuất, lắp ráp 200 xe ô tô nguyên chiếc và 100 cụm linh kiện khi nhập khẩu phải nộp thuế nhập khẩu.

Trường hợp VinFast đã xuất khẩu xe ô tô, cụm linh kiện nhưng phải nhập khẩu trở lại thì không được miễn thuế nhập khẩu đối với số lượng linh kiện đã sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe ô tô, cụm linh kiện tương ứng với số lượng nhập khẩu trở lại.

Trường hợp đã được hoàn trả số tiền thuế nộp thừa thì VinFast phải nộp lại số tiền thuế nhập khẩu tương ứng với số lượng linh kiện đã sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe ô tô, cụm linh kiện nhập khẩu trở lại.

Ngoài ra, để được miễn thuế, Công ty VinFast phải nộp kết quả kiểm nghiệm, thử nghiệm của phía đối tác nước ngoài tương ứng với số lượng ô tô và cụm linh kiện xuất khẩu ra nước ngoài để kiểm nghiệm, thử nghiệm (1 bản sao có chứng thực) kèm hồ sơ hải quan theo quy định của pháp luật hải quan khi nộp hồ sơ đề nghị xử lý số thuế nộp thừa.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và áp dụng với các tờ khai nhập khẩu linh kiện ô tô từ ngày 13/11/2018 đến ngày 31/12/2020.

Xe tiền tỷ Honda CBR1000RR-R Fireblade bị triệu hồi tại Việt Nam

Honda Việt Nam vừa thông báo về chương trình triệu hồi đối với mẫu mô tô phân khối lớn Honda CBR1000RR-R Fireblade do lỏng bu-lông với số lượng 9 chiếc.

Nguyên nhân của lỗi này được Honda Việt Nam đưa ra là do phương pháp cố định bu-lông cần sang số của xe chưa phù hợp nên dẫn tới bu-lông cần sang số có thể tự nới lỏng.

Cụ thể, sau một thời gian sử dụng, bu-lông ở cần sang số có thể bị lỏng. Trong một số trường hợp, bu-lông này có thể bị rơi ra hoặc bị gãy khiến bàn đạp cần sang số không được cố định và người điều khiển không thể sang số theo ý muốn.

Theo thống kê của Honda Việt Nam, có tổng cộng 9 xe Honda CBR1000RR-R Fireblade bán trên thị trường nằm trong đợt triệu hồi. Trong đó, có 2 xe đã giao đến tay khách hàng đặt mua, 3 xe trưng bày tại đại lý và 4 xe vẫn đang ở “đại bản doanh” của hãng.

Theo Minh Quang/ Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/xe-tuan-qua-dai-bieu-quoc-hoi-khong-dong-y-tach-luat-gtdb-to-sai-pham-cua-grab-20180504224246326.htm