QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tụt bậc so với năm ngoái

Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, trong số 190 nền kinh tế được khảo sát, Việt Nam xếp hạng thứ 70, giảm 1 bậc so với năm ngoái.

Trong khảo sát năm nay, WB chấm điểm và xếp hạng các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí, gồm Thành lập doanh nghiệp, Xin giấy phép xây dựng, Nộp thuế, Tiếp cận điện năng, Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, Giao thương quốc tế, Thực thi hợp đồng, Đăng ký tài sản, Vay vốn và Xử lý khi mất khả năng thanh toán. 2 tiêu chí khác là Thuê nhân công và Hợp đồng với Chính phủ cũng được nghiên cứu nhưng không dùng để chấm điểm.

Tính theo thang điểm 100 thì số điểm về môi trường kinh doanh của Việt Nam đều tăng dần qua các năm. Cụ thể, trong Doing Business 2018, Việt Nam đạt 66,77 điểm, năm 2019 là 68,8 điểm và năm 2020 là 69,8 điểm.

Tuy nhiên, về thứ hạng năm nay, Việt Nam vẫn tụt 1 bậc do chỉ thực hiện 2 cải cách, thấp hơn 1 cải cách so với kỳ đánh giá Doing Business 2019 và do các quốc gia khác có sự cải thiện trên các chỉ số tốt hơn Việt Nam.

Về xếp hạng môi trường kinh doanh 2020, Việt Nam hiện đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN, gồm: Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 12), Thái Lan (thứ 21) và Brunei (thứ 66); và đứng trên Indonesia (thứ 73), Philippines (thứ 95), Campuchia (thứ 144), Lào (thứ 154), Myanmar (thứ 165) và Đông Timo (thứ 181).

Về xếp hạng môi trường kinh doanh 2020, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN.

Trong 10 chỉ số được đánh giá tại Doing Business 2020, Việt Nam có 5 chỉ số nâng hạng, bao gồm (khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, nộp thuế); 4 chỉ số giữ nguyên điểm như báo cáo trước (giao dịch thương mại qua biên giới, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, giải quyết tranh chấp hợp đồng, đăng ký sở hữu tài sản) và có 1 chỉ số tụt hạng (giải quyết phá sản doanh nghiệp, giảm 0,1 điểm so với báo cáo trước).

Trong số đó, tiếp cận tín dụng và nộp thuế là 2 chỉ số tăng điểm mạnh nhất và được WB đánh giá cao.

Đặc biệt, chỉ số nộp thuế có số điểm tăng ấn tượng, tăng 6,1 điểm, đạt 69 điểm so với 62,9 điểm so với xếp hạng môi trường kinh doanh 2019. Ở chỉ số này, Việt Nam được đánh giá cao ở việc nâng cấp hạ tầng thông tin của Tổng cục Thuế, hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế dễ dàng hơn.

Chỉ số tiếp cận tín dụng tăng 5 điểm so với báo cáo trước, do đã cải thiện khả năng tiếp cận thông tin tín dụng bằng cách phân phối dữ liệu từ các nhà bán lẻ.

Cũng theo Doing Business 2020, trong năm vừa qua, các nền kinh tế khu vực Đông Á–Thái Bình Dương đã tiến hành 33 chương trình cải cách về môi trường kinh doanh. Mặc dù nhiều nền kinh tế trong khu vực được đánh giá có môi trường thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ so với mặt bằng chung thế giới nhưng xét về tổng thể tốc độ cải cách đang chậm lại.

Trung Quốc là một trong số 10 quốc gia ghi nhận nhiều cải cách nhất trong năm 2019 với số lượng chương trình cải cách nhiều nhất (8) trong khu vực và đứng thứ hai toàn cầu.

Các nền kinh tế ghi nhận nhiều cải cách gồm có Indonesia và Myanmar. Hai nước này đã thực hiện 5 cải cách, đa phần đều liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Nhìn chung, các nền kinh tế Đông Á–Thái Bình Dương đạt kết quả tương đối tốt trong các chỉ số tiếp cận tín dụng, tiếp cận điện năng và cấp phép xây dựng. Thủ tục cấp nối điện cho một cơ sở mới xây dựng trong khu vực này là 63 ngày, ít hơn gần 12 ngày so với mức trung bình của các nền kinh tế OECD. Tương tự, quy trình cấp phép xây dựng ở các quốc gia Đông Á–Thái Bình Dương ngắn hơn 20 ngày so với các nền kinh tế OECD.

Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn ghi nhận nhiều yếu kém trong một số lĩnh vực như giải quyết tranh chấp hợp đồng, đây là lĩnh vực cần áp dụng các thông lệ quốc tế bao gồm các hệ thống thay thế giúp giải quyết tranh chấp và thành lập các tòa án thương mại chuyên biệt. Giải quyết tranh chấp thương mại thông qua tòa án sơ thẩm địa phương có chi phí trung bình lên tới 47,2% giá trị khiếu nại, cao hơn gấp đôi mức trung bình là 21,5% của các nền kinh tế OECD.

Theo Lê Anh/VietnamFinance