QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Xử lý khủng hoảng Evergrande: Cuộc tranh đấu nội bộ tại Bắc Kinh

Trước khi tập đoàn Evergrande rơi vào khủng hoảng, người sáng lập kiêm chủ tịch Hứa Gia Ấn đã được mời tới Bắc Kinh để dự lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 1/7.

Việc đi lên đỉnh cao hiếm có này đã nhấn mạnh mối quan hệ của ông Hứa với các quan chức cấp cao tại Bắc Kinh. Các nhà theo dõi thị trường suy đoán, ít nhất là trong một thời gian tới, tập đoàn Evergrande sẽ vượt qua được cuộc khurgn hoảng nợ tồi tệ nhất trong lịch sử công ty.

Nhưng có vẻ như ít quan chức trong Đảng sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho Evergrande, vì những lý do liên quan đến tình hình nội bộ.

Có những lý do kinh tế để chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình chưa ra tay xử lý cuộc khủng hoảng Evergrande, dù ông Hứa Gia Ấn đã thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối dành cho nhà cầm quyền bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực ưa thích của Chủ tịch Tập như bóng đá và xe điện.

Cụ thể, ông Hứa không tiếc tiền đầu tư cho câu lạc bộ bóng đá Quảng Châu với mục tiêu đưa tên tuổi Trung Quốc lên bản đồ bóng đá thế giới, ngoài ra Evergrande cũng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xe điện, vốn chưa chứng minh được hiệu quả kinh doanh.

Một điểm đáng lưu ý, đó là ông Hứa được cho là có quan hệ mật thiết với phe Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, phe phái chính trị hùng mạnh một thời nay đã bị gạt ra ngoài lề dưới thời ông Tập.

Mười một tháng trước khi Evergrande chào bán công khai cổ phiếu lần đầu vào tháng 11 năm 2009 tại Hong Kong, ông Hứa đã gặp cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào, một thành viên của phe Đoàn Thanh niên, người đã ca ngợi sự ủng hộ của ông chủ Evergrande đối với sinh viên nghèo Trung Quốc.

Ở cấp độ địa phương, ông Hứa cũng có quan hệ mật thiết với Uông Dương – Chủ tịch Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc, từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, nơi Evergrande đặt trụ sở.

Nhiều người tin rằng phe Đoàn Thanh niên, sau đó đã nắm quyền trong giai đoạn 2002-2012, đã nâng đỡ cho Evergrande, giúp tập đoàn này đạt dược tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong những năm tiếp theo.

Quảng Đông được xem như một “thành trì” của phe Đoàn Thanh niên. Vào tháng 6 năm 2017, ông Hứa đã gặp mặt Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, khi đó là Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông, và cam kết quyên góp 400 triệu nhân dân tệ (61,9 triệu USD) cho chiến dịch xóa đói giảm nghèo. Trong vòng 2 năm, tỷ phú bất động sản đã đóng góp được 600 triệu nhân dân tệ cho chính quyền Quảng Đông.

Cùng năm, ông Hứa đứng đầu danh sách người giàu nhất Trung Quốc của Forbes, ông Hồ Xuân Hoa trở thành Phó Thủ tướng Trung Quốc, phe Đoàn Thanh niên vẫn ủng hộ tập đoàn Evergrande.

Tuy nhiên, sau khi ông Tập nắm quyền vào năm 2012, Đoàn Thanh niên đã mất đi nhiều ảnh hưởng khi nhà lãnh đạo mới tìm cách đẩy các thành viên của phe này ra khỏi các vị trí chính yếu.

“Thành trì” Quảng Đông cũng đã có Bí thư mới, khi ông Tập đưa đồng minh thân cận của mình là Lý Hi làm tân Bí thư. Tỉnh này hiện nay không có quan chức nào thuộc phe Đoàn Thanh niên trong số lãnh đạo cấp cao.

Ông Tập được nhiều người cho là có sự khác biệt về mặt chính trị với Thủ tướng Lý Khắc Cường, người cũng thuộc phe Đoàn Thanh niên, cũng như Uông Dương và Hồ Xuân Hoa.

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu ông Tập coi cuộc khủng hoảng của tập đoàn Evergrande, vốn có quan hệ thân cận với phe Đoàn Thanh niên, không phải là vấn đề của mình.

Khi những lùm xùm về cuộc khủng hoảng nợ nổi lên vào giữa tháng 9, ông Tập đã có chuyến thăm đến tỉnh Thiểm Tây, cùng với Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người giám sát chính sách kinh tế vĩ mô. Việc cặp đôi này vắng mặt ở Bắc Kinh được coi là một dấu hiệu cho thấy chính phủ sẽ chờ xem tình hình diễn biến như thế nào.

Trước đó, ông Hứa đã vắng mặt trong danh sách 40 “hình mẫu” được vinh danh vào tháng 10 năm ngoái tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, để đánh dấu kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế, buổi lễ có sự hiện diện của ông Tập.

Sự chậm chạp “đáng ngờ” của chính quyền Bắc Kinh trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nợ Evergrande, sau hàng loạt hành động quyết đoán khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ, có thể liên quan đến cuộc đấu tranh nội bộ giữa các nhà lãnh đạo.

Một chuyên gia am hiểu về các vấn đề chính trị Trung Quốc cho biết: “Có thể ông Tập đang chọn cách không giúp nâng cao vị thế của cấp dưới mà ông ta không vừa mắt.”

Nhưng nếu tình huống được xử lý không tốt, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mất lòng tin vào hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Trong một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể ra tay xử lý khủng hoảng, Phó Thủ tướng Hàn Chính, người chịu trách nhiệm về chính sách kinh tế, đã được cử đến Thâm Quyến vào cuối tuần trước để kiểm tra tình hình ở đó cùng với các quan chức cấp tỉnh bao gồm cả bí thư Lý Hi.

Theo Huy Vũ/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/xu-ly-khung-hoang-evergrande-cuoc-tranh-dau-noi-bo-tai-bac-kinh-post113004.html