QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Xuất nhập khẩu thời dịch bệnh: Cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam vẫn ‘đóng băng’

Theo Bộ Công Thương, cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam (tỉnh Lạng Sơn) vẫn chưa phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu.

Cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam vẫn ‘đóng băng’ (ảnh minh họa)

Bộ Công Thương vừa có báo cáo cập nhật tình hình giao nhận hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc từ ngày 10/2/2020 đến ngày 11/02/2020.

Theo đó, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, các chủ hàng đã xuất khẩu được 37 xe (nông sản; trái cây như thanh long, mít, nhãn; khẩu trang; linh kiện điện tử) và nhập khẩu 62 xe (gồm linh kiện điện tử; máy móc thiết bị; nông sản; thủy sản; trái cây như táo, cam; nông sản khác như hành, tỏi, nấm; chất phụ gia). Số lượng xe còn tồn đọng là106, đều là nông sản, trái cây như thanh long, mít, ớt, nhãn.

Trái ngược với cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu; trong đó, cửa khẩu Tân Thanh còn tồn 109 xe thanh long, cửa khẩu Cốc Nam còn tồn 10 xe nông sản, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm.

Tại cửa khẩu Chi Ma, số lượng còn tồn đọng là 2 xe (1 xe thạch đen, 1 xe hồ tiêu); cửa khẩu Ga Đồng Đăng còn tồn 41 toa (7 toa thanh long chờ xuất khẩu, 37 toa thép chờ nhập khẩu).

Tại cửa khẩu Kim Thành II (tỉnh Lào Cai), các chủ hàng đã xuất khẩu được 58 xe (46 xe thanh long, 7 xe dưa hấu, 3 xe mít, 2 xe chuối), tuy nhiên tốc độ thông quan chậm hơn nhiều so với bình thường do phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch bệnh nCoV. Hiện cửa khẩu Kim Thành II đã tồn hơn 300 xe trái cây gồm thanh long, mít, dưa hấu, chuối.

Tại tỉnh Quảng Ninh, báo cáo cho hay hiện ở đây đang tồn 36.800 tấn tinh bột sắn tại cảng Vạn Gia và cảng thủy nội địa thuộc tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó còn khoảng 20.000 tấn tinh bột sắn đã ký hợp đồng và đang trên đường vận chuyển ra thành phố Móng Cái.

Ngoài ra, tại địa bàn thành phố Móng Cái hiện tồn 30 xe trái cây các loại, tương đương khoảng 450 tấn chưa xuất khẩu và 500 tấn trái cây doanh nghiệp đã có hợp đồng thu mua từ các phía phía Nam, chuẩn bị vận chuyển lên cửa khẩu.

Trong bối cảnh tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, vùng biên giới đang khó khăn, chiều 11/2, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối lớn trong nước với các địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản.

Tại cuộc họp này, các doanh nghiệp đã công bố năng lực tiêu thụ trong hệ thống như: BigC tiêu thụ được 100 tấn dưa hấu và 70 tấn thanh long/ngày; hệ thống siêu thị Vinmart tiêu thụ được khoảng 2.000-3.000 tấn thanh long và dưa hấu/tuần; Saigon Coop có thể tiêu thụ 1.600 tấn/ngày…

Các doanh nghiệp đề nghị Sở Công Thương các tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp các mặt hàng nông sản trên địa bàn cung cấp đầy đủ lượng hàng với chất lượng, giá cả như đã cam kết. Các doanh nghiệp sẵn sàng bán các mặt hàng nông sản với giá thấp, không lợi nhuận để thúc đẩy tiêu thụ.

Theo Vĩnh Chi/VietnamFinance

Bài gốc: https://vietnamfinance.vn/xuat-nhap-khau-thoi-dich-benh-cua-khau-tan-thanh-coc-nam-van-dong-bang-20180504224234453.htm