QC 1
Thứ 3, ngày 30/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Big C “chữa cháy”, mở lại đơn hàng dệt may cho 50 nhà cung cấp Việt Nam

Ngày 4/7, Bộ Công thương tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2019. Tại cuộc họp, Bộ Công Thương đã mời đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C) đến làm việc.   

Tại buổi họp báo, Bộ Công Thương đã nêu quan điểm “luôn hoan nghênh và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có Central Group và Big C”. Nhưng mặt khác cũng kiên quyết bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam và người tiêu dùng trong nước. Việc giải quyết các mâu thuẫn giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài phải dựa trên cơ sở hợp đồng đã ký giữa hai bên và phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc cạnh tranh…

Theo đại diện Central Group Việt Nam, Tập đoàn đang có chiến lược mới cho ngành hàng may mặc đang phân phối tại Việt Nam và đã gửi thư cho các nhà cung ứng, đối tác về việc dừng mua hàng chỉ là tạm thời… Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, bước đầu Big C đã cam kết mở lại đơn hàng cho 50 trong số 200 nhà cung cấp mặt hàng dệt may ngay trong ngày 4/7 và trong hai tuần tới, sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ để có thêm khoảng 100 nhà cung cấp khác được mở đơn hàng…

Trước đó, như Kinh tế Môi trường đưa tin, trong thư gửi các đối tác của Central Group Việt Nam ngày 2/7/2019, đại diện tập đoàn này phát đi thông báo dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam.

Việc tạm ngừng đặt hàng nói trên được giải thích là nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của tập đoàn Central Group tại thị trường Việt Nam và được sự chỉ đạo của tập đoàn Central Group Thái Lan – đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, động thái này của Central Group sẽ đẩy hàng loạt các nhà cung cấp sản phẩm may mặc Việt Nam đang hợp tác với Big C vào tình thế cực kỳ khó khăn.

Nếu tiền lệ này của Big C được nhân rộng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lo lắng các sản phẩm nội địa khác trong siêu thị thuộc quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ có nguy cơ bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các mặt hàng ngoại nhập.

Theo Trần Giang (T/h)/Kinh tế môi trường