“Việc thu hút các dự án điện mặt trời đầu tư vào địa bàn cần đảm bảo môi trường, đảm bảo quy hoạch và đúng luật. Tỉnh đã thống nhất trong lãnh đạo chỉ đạo đó là không đánh đổi môi trường để làm kinh tế. Cụ thể ở đây là các dự án điện mặt trời, là ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhưng có liên quan đến môi trường rừng và các vấn đề khác”, Bí thư tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Tại phiên chất vấn chiều 16/7 trong kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021, nhiều ý kiến chất vấn của các đại biểu liên quan đến vấn đề xây dựng dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Bùi Nhân Sâm huyện Can Lộc băn khoăn: “Cần làm rõ những tác động, ảnh hưởng của các dự án điện mặt trời đối với rừng, đất rừng?”.
Ông Đoàn Đình Anh, đại biểu Cẩm Xuyên cũng nêu ý kiến: “Cần cân nhắc việc sử dụng đất rừng để triển khai dự án”.
Trả lời chất vấn, ông Hoàng Văn Quảng – Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết, Hà Tĩnh có tổng mức bức xạ trung bình khoảng 1.562kWh/m2/năm, số giờ nắng trung bình trên 1.600 giờ/năm, được đánh giá có tiềm năng phát triển điện mặt trời.
Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất khảo sát, nghiên cứu xây dựng nhà máy điện mặt trời ở một số địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép 8 nhà đầu tư khảo sát, đề xuất 11 địa điểm nghiên cứu xây dựng Nhà máy điện Mặt trời với tổng công suất dự kiến 1.082MWp.
Hiện đã có 7/11 dự án với tổng công suất 907MWp đã được UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực các cấp, 1 dự án là nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa của Tập đoàn Hoành Sơn đã phát điện thương mại vào 13/6/2019.
“Các dự án điện mặt trời được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn đều được các đơn vị chức năng thẩm định. Đó là những khu đất có hiệu quả thấp, xa dân… Còn những dự án đang đề xuất thì tinh thần là không phá rừng để lấy điện mặt trời” – Giám đốc Sở Công thương cho biết.
Liên quan đến các dự án điện mặt trời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng khẳng định, trước khi chấp thuận triển khai các dự án đều đã có một quá trình rà soát đánh giá của các sở ngành, địa phương liên quan. “Trước các ý kiến của đại biểu, tỉnh sẽ tiếp tục có trách nhiệm chỉ đạo các sở ngành, địa phương khi chấp thuận, cấp phép các dự án phải rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động đến môi trường, dân sinh”. Ông Dương Tất Thắng nhấn mạnh.
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, Hà Tĩnh có địa bàn phù hợp với ngành năng lượng tái tạo, điện mặt trời. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp tập trung về Hà Tĩnh khảo sát, nghiên cứu để đầu tư. Một số dự án đã được triển khai theo đúng quy trình, còn lại vẫn đang trong quá trình chờ Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt lưu ý tới lãnh đạo ngành Công thương và các sở ngành liên quan cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề môi trường.
“Việc thu hút các dự án điện mặt trời đầu tư vào địa bàn cần đảm bảo môi trường, đảm bảo quy hoạch và đúng luật. Tỉnh đã thống nhất trong lãnh đạo chỉ đạo đó là không đánh đổi môi trường để làm kinh tế. Cụ thể ở đây là các dự án điện mặt trời, là ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhưng có liên quan đến môi trường rừng và các vấn đề khác”, Bí thư tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Hiện nay, ngoài 1 dự án điện mặt trời đã đi vào hoạt động thì có 2 dự án của nhà đầu tư CHLB Đức đang trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng xây dựng có liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất. Các sở, ngành cần đốc thúc nhà đầu tư hoàn thành các vướng mắc liên quan để bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng, thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Theo Nguyễn Phượng/Vietnam Finance