QC 1
Thứ 4, ngày 26/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Bốn vụ kiện đẩy chính trường Thái Lan tới khủng hoảng

Dư luận Thái Lan đang đổ dồn sự chú ý vào 4 vụ kiện có thể gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. Ảnh: CNN

Bốn vụ án được đệ trình lên tòa ra trong tuần này liên quan đến các chính trị gia quyền lực nhất đất nước: Thủ tướng Srettha Thavisin, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, đảng đối lập Tiến bước và các nhà lập pháp tại thượng viện.

Trong nhiều thập kỷ, nền chính trị Thái Lan đã được định hình bởi cuộc đấu tranh giữa phe bảo thủ-bảo hoàng, được quân đội ủng hộ, và các đảng dân túy.

“Những trường hợp này làm nổi bật sự mong manh và phức tạp của môi trường chính trị Thái Lan. Về mặt kinh tế, mối lo ngại trước mắt là khả năng xảy ra các cuộc biểu tình gây rối và trì hoãn việc thực thi chính sách tài khóa”, theo báo cáo của công ty ANZ Research.

Thủ tướng Srettha Thavisin, người mới nhậm chức vào tháng 8 năm ngoái, đã bị một nhóm thượng nghị sĩ bảo thủ cáo buộc vi phạm hiến pháp khi bổ nhiệm một cựu luật sư có tiền án vào nội các của mình.

Srettha, người phủ nhận mọi hành vi sai trái, có thể bị cách chức nếu Tòa án Hiến pháp ra phán quyết chống lại ông.

Nếu kịch bản này xảy ra, một chính phủ mới phải được thành lập và đảng Pheu Thai cầm quyền của ông sẽ cần đưa ra một ứng cử viên mới cho chức thủ tướng để quốc hội bỏ phiếu.

Trong khi đó, cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra sẽ chính thức bị truy tố tại tòa án hình sự ở Bangkok vì cáo buộc xúc phạm hoàng gia và các tội danh khác liên quan đến cuộc phỏng vấn truyền thông từ năm 2015.

Vị chính trị gia 74 tuổi này luôn khẳng định mình vô tội. Ông nói với các phóng viên hồi đầu tháng này: “Vụ án này không có giá trị gì cả”.

Luật khi quân của Thái Lan, một trong những luật nghiêm khắc nhất thế giới, quy định mức án tù tối đa lên tới 15 năm cho mỗi hành vi xúc phạm hoàng gia.

ÔNg Thaksin đã trở lại Thái Lan vào tháng 8 năm ngoái sau 15 năm sống lưu vong. Vài giờ sau khi ông đáp máy bay, đảng Pheu Thai và ông Srettha đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tại quốc hội để bầu ra thủ tướng, làm dấy lên suy đoán rằng gia đình ông Thaksin đã đạt được thỏa thuận với những cựu thù của ông trong giới bảo thủ.

Một vụ kiện khác có thể dẫn đến việc giải tán đảng Tiến bước, đảng chiếm 30% số ghế ở hạ viện sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sít sao năm ngoái nhưng đã bị các nhà lập pháp bảo thủ ngăn cản việc thành lập chính phủ.

Tòa án Hiến pháp đang xem xét khiếu nại của Ủy ban bầu cử cáo buộc đảng Tiến bước đã vi phạm hiến pháp với chiến dịch bầu cử nhằm cải cách luật khi quân của đất nước.

Tòa án Hiến pháp cũng sẽ đưa ra phán quyết vào thứ Ba về việc tiếp tục lựa chọn Thượng viện mới gồm 200 thành viên, sau khi chấp nhận đơn thỉnh cầu đặt nghi vấn về việc liệu các thủ tục của quy trình ba cấp phức tạp có hợp pháp hay không.

Nếu quy trình này bị hủy bỏ hoặc trì hoãn, nó sẽ tạm thời kéo dài nhiệm kỳ của các nhà lập pháp do quân đội bổ nhiệm, những người đóng vai trò trung tâm trong việc xác định việc thành lập chính phủ.

Thượng viện Thái Lan hiện nay do quân đội kiểm soát sau cuộc đảo chính năm 2014.

Theo Bắc Hiệp/ Ngày Nay