QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

CEO Group báo lãi èo uột 119 tỷ đồng sau khi huy động vốn nghìn tỷ

Hoạt động kinh doanh năm 2023 lao dốc do mảng bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng ảm đạm, khiến cho lợi nhuận của Tập đoàn C.E.O chỉ đạt 119 tỷ đồng. Tập đoàn đã “vỡ” kế hoạch đề ra ngay sau khi tăng vốn điều lệ.

Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group, mã: CEO) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 và kết quả kinh doanh cả năm 2023 với những con số đáng buồn. 

Năm 2023 là năm khó khăn đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chủ lực là đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng và khai thác khách sạn du lịch như CEO Group. Hiện, tập đoàn đang đầu tư các dự án nghỉ dưỡng lớn là Sonasea Vân Đồn Harbor City (Quảng Ninh) và Sonasea Villas & Resort (Phú Quốc), dự án nhà ở CEO Hà Nam, Sunny Garden (Hà Nội)… 

Tuy nhiên, sau cơn sốt “đặc khu kinh tế” vỡ kế hoạch, đại dịch covid-19 kéo dài, việc kinh doanh sản phẩm tại 2 dự án nghỉ dưỡng của CEO Group gặp khó khăn, nhất là do thị trường bất động sản lao dốc từ năm 2022 đến nay. Cùng với lãi suất vay tăng cao, các ngân hàng siết chặt tín dụng,.. khiến cho tập đoàn lao đao, thua lỗ, hoặc có lãi rất thấp.

Ban lãnh đạo CEO Group đã không hoàn thành kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận 315 tỷ đồng 

Đối với các doanh nghiệp bất động sản, đặc thù doanh thu sẽ tăng mạnh trong quý cuối năm nhờ tốc độ bàn giao các dự án. Tuy nhiên, trong quý 4/2023, doanh thu thuần của CEO Group chỉ đạt 451 tỷ đồng, giảm tới 70% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là doanh thu từ mảng kinh doanh bất động sản giảm mạnh 78%, chỉ đạt 303 tỷ đồng. 

Lợi nhuận gộp cũng giảm 75%, chỉ đạt 131 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 29%.

Do doanh thu sụt giảm mạnh, các chi phí tăng nên CEO Group chỉ có lợi nhuận trước thuế quý 4 ở mức 62 tỷ đồng, lãi sau thuế 29 tỷ đồng, tương ứng giảm lần lượt 78% và 85% so với cùng kỳ năm trước.

Quý 4 kinh doanh bết bát cũng phản ánh khả năng chống chọi của doanh nghiệp trong tình cảnh khó khăn chung của ngành bất động sản. Lũy kế cả năm 2023, CEO Group ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.393 tỷ đồng, giảm 45% so với năm trước, chỉ nhỉnh hơn kết quả của 2 năm đại dịch 2020 – 2021 khó khăn.

Doanh thu tài chính đạt 41 tỷ đồng, giúp tập đoàn có thêm dòng tiền. Nhưng sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 chỉ dạt 195 tỷ đồng, lãi sau thuế 119 tỷ đồng, giảm 61% so với năm trước. 

Như vậy so với kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 315 tỷ đồng, thì CEO Group chỉ thực hiện được 46% mục tiêu doanh thu và 38% lợi nhuận đề ra. 

Nhìn lại kết quả kinh doanh 5 năm qua cho thấy, sau khi đạt đỉnh lợi nhuận 608 tỷ đồng vào năm 2019, CEO Group rơi vào tình cảnh khó khăn vì đại dịch kéo dài. Năm 2020, tập đoàn bất ngờ báo lỗ hơn 103 tỷ đồng. Trong năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt mức thấp 82 tỷ đồng và hồi phục tăng lên 310,6 tỷ đồng trong năm 2022.

Kết quả kinh doanh của CEO Group trong giai đoạn 2013-2023

Trước việc “vỡ” kế hoạch kinh doanh, các cổ đông, nhà đầu tư cũng băn khoăn về cơ sở tính toán doanh thu mà Ban lãnh đạo CEO Group đưa ra tại Đại hội cổ đông năm 2023: doanh thu cho thuê tòa tháp CEO (50 tỷ đồng), doanh thu từ dự án Sonasea Villas & Resort 1-2 (700 tỷ đồng), dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City (1.700 tỷ đồng), dự án CEOHomes Hana Garden (200 tỷ đồng), dịch vụ thương mại khác (350 tỷ đồng).

Lãnh đạo CEO Group cũng tự tin trình Đại hội cổ đông năm 2023 chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế ở mức 315 tỷ đồng. Điều này đã tạo kỳ vọng và sự quan tâm của cổ đông vào đợt phát hành khối lượng lớn 252 triệu cổ phiếu CEO, tỷ lệ 100:98. Khi đó, Ban lãnh đạo công bố kế hoạch huy động vốn 2.520 tỷ đồng để có nguồn vốn rót vào các dự án bất động sản dở dang với cam kết triển vọng tích cực. Song hiệu quả kinh doanh thực tế lại “đi lùi” gây không ít thất vọng cho cổ đông, nhà đầu tư…

Điểm sáng trên Báo cáo tài chính quý 4 của CEO Group là tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2023 tăng mạnh 33,4% so với đầu năm, lên mức 9.421 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và khoản tương đương tiền tăng gấp 2,85 lần lên 1.163 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính (tiền gửi ngân hàng) tăng 3,97 lần lên 1.532 tỷ đồng.

Các khoản phải thu tăng lên tới 1.534 tỷ đồng, đồng thời tập đoàn phải tăng trích lập dự phòng phải thu khó đòi lên 64 tỷ đồng. 

Giá trị hàng tồn kho đến cuối năm 2023 giảm nhẹ về 1.272 tỷ đồng so với mức 1.468 tỷ đồng hồi đầu năm. Năm vừa qua, các khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn cũng tăng 27%, lên 1.540 tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng tài sản.

Về nguồn vốn, Nợ phải trả của CEO Group đến cuối năm 2023 giảm nhẹ 4,6% so với đầu năm xuống còn 3.186 tỷ đồng. Báo cáo ghi nhận có hơn 1.100 tỷ đồng là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn, tăng gấp 2,5 lần so với đầu năm. 

Tổng nợ vay và nợ thuê tài chính giảm đáng kể 29,5% trong năm qua, xuống 821 tỷ đồng. Nhờ trả bớt nợ vay nên giúp giảm áp lực chi phí tài chính cho tập đoàn.

Tập đoàn CEO hiện ghi nhận vốn chủ sở hữu tới 6.234 tỷ đồng, tăng 1,67 lần so với đầu năm, chủ yếu nhờ việc phát hành cổ phiếu huy động thêm hơn 2.520 tỷ đồng trong năm qua. Cùng với lợi nhuận chưa phân phối còn 604,7 tỷ đồng. Điều này giúp cải thiện hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức thấp chỉ 0,51 lần.

Tuy vậy, dòng tiền kinh doanh năm 2023 của CEO Group vẫn âm 72 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư bị âm 1.368 tỷ đồng. 

Song nhờ có nguồn vốn nghìn tỷ thu từ phát hành thêm nên đã kịp thời “bù đắp” khoảng trống thiếu hụt dòng tiền của doanh nghiệp, trả nợ vay, chia cổ tức… Đây cũng là tình cảnh khá phổ biến ở các doanh nghiệp bất động sản có doanh thu lớn, nhưng lợi nhuận èo uột hoặc chỉ “lãi ảo” trên sổ sách, dẫn tới mất cân đối tài chính, phải huy động vốn gấp từ đi vay, bán cổ phần, trái phiếu… 

Dường như bức tranh tài chính của CEO Group lại đối lập hoàn toàn với viễn cảnh doanh thu và lợi nhuận cao được Ban lãnh đạo “vẽ” ra, khiến nhà đầu tư xuống tiền mua cổ phiếu trong năm 2023 mà không lường trước những rủi ro.

Theo Nguyễn Hằng/Tạp chí Việt-Mỹ