QC 1
Thứ 6, ngày 03/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chủ tịch ECB: Không nên vội cắt giảm lãi suất quá sớm

Chủ tịch ECB – Christine Lagarde cho biết: “Chúng ta nên tránh đưa ra quyết định vội vàng khiến lạm phát tăng trở lại và phải thực hiện nhiều biện pháp hơn”.

Mới đây, ngày 15/2, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde đã đưa ra cảnh báo rằng không nên vội vàng cắt giảm lãi suất vì việc này sẽ thúc đẩy lạm phát tăng trở lại.

Mặc dù trước đó áp lực lạm phát trong năm 2024 được dự báo sẽ giảm dần, nhưng Chủ tịch ECB cho rằng rủi ro vẫn còn và các nhà hoạch định chính sách cần kiên định với mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%. Nếu vội vã cắt giảm lãi suất, tiền lương tăng sẽ gây sức ép lên lạm phát.

Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu

Trước sự ngóng chờ ECB sớm có một đợt cắt giảm lãi suất, bà Christine Lagarde cho biết: “Chúng ta nên tránh đưa ra quyết định vội vàng khiến lạm phát tăng trở lại và phải thực hiện nhiều biện pháp hơn”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch ECB cũng cho rằng chưa đủ bằng chứng để có mức độ tin tưởng về việc sẽ đạt được mục tiêu lạm phát trung hạn 2% và mục tiêu này sẽ bền vững ở đó.

Thông điệp của Chủ tịch ECB được đưa ra trong bối cảnh một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang tính toán thời điểm có thể bắt đầu giảm lãi suất mà không khiến giá cả tăng trở lại một lần nữa.

Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu đa số đồng thuận về thời điểm cắt giảm lãi suất muộn hơn khi có những diễn biến rõ ràng hơn về tiền lương và lợi nhuận doanh nghiệp ở khu vực đồng Euro. Dù vậy, họ vẫn đang đắn đo giữa việc cắt giảm lãi suất vào tháng 4 hay tháng 6.

Bà Christine Lagarde cũng đã chỉ ra tiền lương đang là “động lực ngày càng quan trọng của lạm phát trong những quý tới”.

Dữ liệu cập nhật về diễn biến tiền lương của ECB tiếp tục báo hiệu những áp lực mạnh mẽ, trong khi các cuộc đàm phán lương chững lại trong quý 4/2023.

Chủ tịch ECB cho rằng: “Áp lực tiền lương cho năm 2024 đặc biệt phụ thuộc vào kết quả của các vòng đàm phán đang diễn ra hoặc sắp tới, ảnh hưởng đến phần lớn nhân viên khu vực đồng Euro trong vài tháng tới”.

Isabel Schnabel, một thành viên Ban điều hành ECB cũng đã cảnh báo ngân hàng trung ương châu Âu không nên cắt giảm lãi suất quá sớm. Bởi lạm phát dịch vụ khó khăn, thị trường lao động kiên cường, điều kiện tài chính lỏng lẻo và căng thẳng ở Biển Đỏ là những yếu tố rủi ro đối với giá cả.

Dữ liệu Eurostat công bố vào ngày 14/2 cho thấy tăng trưởng khu vực đồng Euro không thay đổi trong quý 4/2023 sau khi tăng trưởng âm 0,1% trong quý 3. Điều này cho thấy nền kinh tế khu vực Euro đã tránh được một cuộc suy thoái trong nửa cuối năm 2023. Nhưng sang năm 2024, dự báo mức tăng trưởng thấp chỉ 0,8%.

Theo Diệp Anh/Tạp chí Việt – Mỹ