QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chủ tịch Hạ viện Mỹ phản đối viện trợ tài chính thêm cho Ukraine

Quan điểm Chủ tịch Hạ viện Mỹ được cho là xung đột với các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện, những người đã yêu cầu viện trợ thêm tài chính cho Ukraine.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy. Ảnh: Politico.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy mới đây đã từ chối cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính bổ sung cho Ukraine, khiến ông xung đột trực tiếp với các đảng viên Cộng hòa khác, những người cũng muốn chi tiêu quân sự nhiều hơn mức mà Quốc hội Mỹ cho phép.

Lập trường của ông McCarthy được cho là sẽ làm giảm triển vọng viện trợ rộng lớn hơn cho Ukraine. Quốc hội Mỹ đã phê duyệt 113 tỷ USD hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Kiev kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào năm ngoái, và những người ủng hộ trong cả Đảng Dân chủ và Đảng Dân chủ đã kỳ vọng rằng họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ tài trợ thêm vào cuối năm nay.

Những người ủng hộ lập luận rằng cần có thêm kinh phí để giúp Ukraine “đánh bại Nga”, đồng thời giúp Mỹ có cơ sở tốt hơn để kiềm chế Trung Quốc. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cho biết mặc dù ủng hộ Kiev, ông không muốn theo đuổi một gói chi tiêu bổ sung.

Ông McCarthy nói với các phóng viên: “Tôi ủng hộ những gì chúng ta đang làm ở Ukraine. Câu hỏi đối với tôi lúc này là, liệu chúng ta có cần thực hiện bổ sung không? Tại sao lại cần bổ sung?”.

Ông McCarthy chỉ ra rằng bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào cũng cần có sự chứng minh rõ ràng từ những người đề xuất. “Bạn sẽ phải chỉ ra chúng tôi thấy đã tiêu tiền vào việc gì, kế hoạch chiến thắng là gì và chúng tôi cần chi thêm tiền để làm gì”, ông McCarthy nói.

Đồng quan điểm với ông McCarthy, Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene (thuộc Đảng Cộng hòa) cho biết: “Thật vô nghĩa khi tiếp tục tài trợ cho một cuộc chiến ở một quốc gia khác khi chúng ta không làm bất cứ điều gì liên quan đến biên giới của chính mình”.

Ngược lại, lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell cũng thuộc Đảng Cộng hòa nói rằng hỗ trợ cho Ukraine là nhằm làm “suy giảm khả năng của Nga trong việc đe dọa thêm châu Âu hoặc Mỹ”, lập luận rằng các nguồn tài trợ cuối cùng cũng được đầu tư vào cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ.

Theo Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/chu-tich-ha-vien-my-phan-doi-vien-tro-tai-chinh-them-cho-ukraine-post135290.html