QC 1
Thứ 6, ngày 17/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chủ tịch TP. Hà Nội: ‘Vành đai 4 sẽ là trọng tâm phát triển hạ tầng giao thông’

Phát biểu tại kỳ họp thứ nhất của HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố, cho biết sẽ tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, trọng tâm là đường Vành đai 4.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Sáng 23/6, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã tổ chức kỳ họp thứ nhất. Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND đã tiếp tục bầu ông Chu Ngọc Anh giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Chu Ngọc Anh cho biết, thành phố sẽ tập trung để tạo đột phá trong 3 lĩnh vực. Cụ thể, đầu tiên, thành phố sẽ ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, mang đặc trưng của Thủ đô; tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, trọng tâm là đường Vành đai 4; phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu; kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch; xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo và khởi nghiệp; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội; khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn Thủ đô.

Để hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ông Chu Ngọc Anh mong muốn tập thể UBND thành phố sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, thống nhất cùng với các sở, ban, ngành và 30 quận, huyện, thị xã, đồng tâm, hiệp lực, nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, thống nhất nhận thức và hành động với quyết tâm cao theo phương châm “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển”.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần phân công, phân nhiệm rõ ràng; kiểm tra, khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh; chung tay xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở ngày càng vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả vì mục tiêu xây dựng một Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại. Chấp hành và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, kịp thời các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; của Thành ủy, Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các Nghị quyết của HĐND Thành phố.

Đồng thời, UBND thành phố cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, phối hợp, giám sát và cộng đồng trách nhiệm của HĐND thành phố, các vị đại biểu HĐND, các cơ quan Tư pháp, Ủy ban MTTQVN thành phố, các tổ chức chính trị-xã hội; sự giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ; sự quan tâm, phối hợp, ủng hộ của các cơ quan truyền thông, báo chí và của cử tri và nhân dân Thủ đô.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ông Chu Ngọc Anh cho biết UBND thành phố xác định nhiệm vụ trước mắt sẽ là tập trung cao nhất chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, thực hiện thành công “mục tiêu kép” – vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, thành phố tập trung đôn đốc phân bổ và đẩy nhanh tiến độ giải ngân Kế hoạch đầu tư công; triển khai các giải pháp đồng bộ để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; triển khai 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa 17 và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ thành phố.

Tháng 5/2021, UBND TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội.
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc cho rằng tuyến đường Vành đai 4 đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011 là tuyến đường cao tốc vành đai đi bằng, với quy mô dài 98km, đi qua 3 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, tiến độ xây dựng trước năm 2020. Tuy nhiên, đến nay tiến độ xây dựng theo quy hoạch đã chậm.
Lãnh đạo các địa phương nêu trên cũng cho rằng việc triển khai dự án đường Vành đai 4 có thể giúp phân luồng giao thông từ xa theo các hướng để phương tiện giao thông liên tỉnh không phải đi xuyên tâm, giảm lưu lượng qua khu vực đô thị trung tâm; giảm tải áp lực giao thông cho tuyến đường Vành đai 3 hiện tại.
Tuyến đường cũng sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh trong khu vực Vùng Thủ đô; từng bước hoàn thiện quy hoạch giao thông Thủ đô, quy hoạch giao thông các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh thuộc quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đã được phê duyệt
Dự án cũng sẽ tạo điều kiện phát triển đô thị trung tâm hoàn chỉnh và chuỗi đô thị trong khu vực giữa vành đai 3 và vành đai 4, tạo sức hút giãn mật độ dân cư khu vực trung tâm đô thị; phát triển chuỗi 5 đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên ), kết nối chùm đô thị TP. Hà Nội và các khu vực đô thị, công nghiệp vùng Thủ đô Hà Nội.
Các địa phương cũng cho rằng dự án sẽ tạo điều kiện thuận tiện kết nối giao thông giữa cảng hàng không quốc tế Nội Bài với các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô.
Đặc biệt, việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4 còn được cho là sẽ tạo điều kiện, tiền đề để các thành phố và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, kinh tế đô thị và nông thôn khu vực 2 bên tuyến đường nói riêng và vùng Thủ đô, các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Theo Anh Hùng/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/chu-tich-tp-ha-noi-vanh-dai-4-se-la-trong-tam-phat-trien-ha-tang-giao-thong-20180504224254850.htm