QC 1
Thứ 6, ngày 10/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, cổ phiếu công nghệ sụt giảm mạnh

Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ ngày 18/3. Lợi suất trái phiếu tăng cao làm dấy lên lo ngại về việc định giá cổ phiếu và khiến nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu tăng trưởng.

Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, cổ phiếu công nghệ sụt giảm

Kết thúc phiên giao dịch 18/3, Nasdaq Composite lao dốc 3% xuống 13.116 điểm, đánh phiên phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 25/02/2021. Các Big Tech như Apple, Amazon và Netflix đều sụt hơn 3%. Đại gia xe điện Tesla mất gần 7%.

Chỉ số S&P 500 tụt 1,5% khỏi đỉnh lịch sử, đóng cửa ở 3.915 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 153,07 điểm (tương đương 0,5%) còn 32.862 điểm, sau khi chạm đỉnh cao kỷ lục mới hồi đầu phiên trong bối cảnh nhóm cổ phiếu ngân hàng nhảy vọt.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc nhảy vọt 11 điểm cơ bản lên trên mức 1,75%, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 01/2020. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm có thời điểm cũng tăng 6 điểm cơ bản, vượt mốc 2,5% lần đầu tiên kể từ tháng 8/2019. Lợi suất đồng loạt đi lên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ sẵn sàng cho phép lạm phát leo cao, tạo điều kiện đối đa cho nền kinh tế phục hồi. 

Doanh nghiệp công nghệ là nhóm vay nợ nhiều và dòng tiền kỳ vọng tương lai lớn, do vậy các cổ phiếu này bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi lợi suất tăng.

Ông Craig Johnson, Giám đốc phân tích kỹ thuật tại ngân hàng đầu tư Piper Sandler nhận định: “Rủi ro lãi suất tăng quá nhanh vẫn là mối lo ngại chính của thị trường. Lực mua trong những tuần qua không được dàn đều khi các cổ phiếu tăng trưởng vẫn tụt lại phía sau do mối đe dọa từ lãi suất tăng”.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có thành quả vượt trội khi lãi suất cao hơn có xu hướng cải thiện lợi nhuận ngân hàng. Các ngân hàng có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ sự gia tăng chênh lệch giữa lãi suất vay trong ngắn hạn và lãi suất cho vay trong dài hạn. Cổ phiếu US Bancorp và Wells Fargo tăng lần lượt 3,3% và 2,4%. Bank of America và JP Morgan Chase cũng thêm tương ứng 2,6% và 1,7%.

Nhà đầu tư ngày 18/3 cũng đón nhận nhiều số liệu kinh tế trái chiều. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đạt 770.000, cao hơn so với ước tính 700.000 mà các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát đưa ra.

Trong khi đó, chỉ số sản xuất của Fed khu vực Philadelphia đạt 51,8 điểm, mức cao nhất kể từ năm 1973 và cao hơn rất nhiều so với dự báo 22 điểm từ Dow Jones.

Lĩnh vực năng lượng giảm mạnh nhất với mức giảm 4,7% vào phiên 18/3 trong bối cảnh giá dầu lao dốc. Giá dầu WTI giảm hơn 7%, thủng mốc 60 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh nhất của WTI kể từ tháng 9 năm ngoái và cũng là phiên đi xuống thứ 5 liên tiếp – chuỗi giảm dài nhất trong hơn một năm trở lại đây. Giá dầu Brent giảm gần 7% còn khoảng 63 USD/thùng.

Ông Edward Moya – Chuyên gia thị trường cao cấp tại Oanda Corp. nhận định: “Đợt lao dốc này hoạt toàn là do triển vọng nhu cầu. Sự sụt giảm chỉ là tạm thời, nhưng mối lo chính ở đây là chúng ta không thấy các dấu hiệu rõ ràng về việc châu Âu đang đi tới bước ngoặt” trên con đường khống chế đại dịch và mở cửa kinh tế.

Trong khi đó, một vài nỗ lực phân phối vắc xin COVID-19 lại đang gặp trở ngại, hàng chục nước gồm Đan Mạch, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha… đã tạm dừng tiêm vắc xin của AstraZeneca do lo ngại về tính an toàn. Đồng USD mạnh lên cũng khiến những loại hàng hóa được yết giá bằng USD trở nên kém hấp dẫn.

Theo Anh Phương/Việt Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/kinh-te/chung-khoan-my-chim-trong-sac-do-co-phieu-cong-nghe-sut-giam-manh-489483