QC 1
Thứ 4, ngày 11/09/2024 | Hotline: 0889.066.066

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau phát biểu của Chủ tịch Fed

Lo ngại Fed tiếp tục tăng lãi suất, cùng với xung đột Israel-Hamas lan rộng, giá dầu tăng… gây sức ép cho thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số Nasdaq giảm tới 3,2%, S&P 500 giảm 1,26% tuần qua.

Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York ngày 19/10, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell thừa nhận lạm phát ở Mỹ gần đây có những dấu hiệu “giảm nhiệt” và vẫn giữ vững cam kết đưa lạm phát về mục tiêu 2%… 

“Lạm phát vẫn còn quá cao, và dữ liệu tốt trong vài tháng mới chỉ là sự khởi đầu của những gì cần thiết để xây dựng niềm tin rằng lạm phát đang giảm một cách bền vững về mục tiêu”, ông Powell nói.

Do vậy, chủ tịch Fed cho rằng, chưa thể biết được xu hướng giảm trong dữ liệu lạm phát sẽ duy trì bao lâu, hay lạm phát sẽ giảm về mức như thế nào trong những quý sắp tới.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau phát biểu của Chủ tịch Fed 

Dù không đưa ra một hướng đi cụ thể cho lãi suất, nhưng tín hiệu từ chủ tịch Fed vẫn chưa thể đánh giá rõ ràng về khả năng tăng lãi suất.  

Trước đó, chính sách tăng lãi suất để chống lạm phát của Fed bắt đầu vào tháng 3/2022, với 11 lần tăng tổng cộng 5,25 điểm phần trăm. Lãi suất quỹ liên bang tăng lên mức 5,25-5,5%, cao nhất trong vòng 22 năm.

“Liệu chính sách tiền tệ hiện tại có thắt chặt quá mức không? Tôi xin trả lời là không hề”, ông Powell giải thích trước chỉ trích Fed đang neo lãi suất quá cao, gây khó khăn cho nền kinh tế và cuộc sống của người dân. 

Thị trường chứng khoán đã lập tức phản ứng sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed. 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 286,89 điểm (-0,86%) xuống 33.127,28 điểm, S&P 500 mất 53,84 điểm (-1,26%) còn 4.224,16 điểm và Nasdaq Composite giảm 202,37 điểm (-1,53%) xuống 12.983,81 điểm. 

Tính chung trong tuần qua, Dow Jones giảm 1,6%, S&P 500 giảm 2,4% và Nasdaq giảm 3,2%. Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán của Mỹ là 11,05 tỷ cổ phiếu, cao so với mức trung bình 10,58 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch.

Tất cả 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều ghi nhận phiên giảm mạnh 1,6%, chỉ số ngân hàng khu vực KBW giảm 3,5%. 

Mức giảm mạnh nhất là nhóm công nghệ và tài chính. Đơn cử như, cổ phiếu RF của Regions Financial giảm mạnh 12,38% do công ty vừa ra báo cáo lợi nhuận thấp hơn dự kiến. 

Cổ phiếu RF của Regions Financial giảm mạnh 12,38% do báo cáo lợi nhuận thấp hơn dự kiến.

Đến thời điểm này, đã có 86 công ty trong S&P 500 công bố báo cáo quý 3 với kết quả kinh doanh phân hóa rõ rệt. Song trước lo ngại về khả năng có đợt tăng lãi suất của Fed nên đã tác động tiêu cực tới cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ.

Cụ thể, phiên 20/10, American Express Company dù công bố kết quả doanh thu và lợi nhuận cao nhưng cổ phiếu AXP của công ty lại giảm hơn 5%. 

Các cổ phiếu năng lượng như EQT Corporation, Halliburton Company và APA Corporation chịu áp lực giảm mạnh do giá dầu giảm bất chấp căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông. Cổ phiếu EQT giảm 1,72% xuống còn 42,35 USD/CP… 

Schlumberger NV mất 2% sau khi công ty dịch vụ mỏ dầu báo cáo kết quả quý không đồng đều và doanh thu thấp hơn ước tính… Tương tự, do dự báo doanh thu sụt giảm nên cổ phiếu của SolarEdge bất ngờ lao dốc 27,3%.

Một yếu tố tác động tiêu cực tới tâm lý của giới đầu tư là tình hình xung đột Trung Đông lan rộng, khởi phát từ xung đột Israel-Hamas. Cuộc chiến ở khu vực “nóng” về nguồn cung dầu mỏ lớn này khiến cho giá dầu tăng vọt, gây gián đoạn nguồn cung, tác động tiêu cực tới các thị trường tài chính. 

Hiện, giá dầu ổn định ở mức thấp hơn vào 20/10. Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 0,2%, xuống mức 92,16 USD/thùng.

Giá dầu thô WTI kỳ hạn tháng 11, hết hạn vào cuối phiên 20/10, giảm 62 cent, còn 88,75 USD/thùng. WTI kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 29 cent xuống mức 88,08 USD/thùng.

Theo Hải Hà/Tạp chí Việt-Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/nhip-cau-doanh-nghiep/chung-khoan-my-giam-manh-sau-phat-bieu-cua-chu-tich-fed-491087.html