QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

CIEM dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024

Sáng ngày 15/1, t rong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng Xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương  CIEM – Bộ Kế hoạch & đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”.

Tham dự cuộc họp có TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), ông Simon Kreye, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức, ông Dennis Quenet, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng Xanh, PGS.TS Trần Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cùng cơ quan báo chí truyền thông.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chủ trì hội thảo.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM đã trình bày tóm tắt Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM.

Theo đó, thương mại toàn cầu có dấu hiệu phục hồi dù bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Tác động của một loạt cú sốc bất thường trong những năm gần đây đã gây ra sự bất ổn đáng kể cho các thị trường hàng hóa. Quá trình toàn cầu hóa đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt liên quan đến phát huy và đổi mới hệ thống thương mại đa phương, cụ thể hóa các định hướng, sáng kiến hợp tác thương mại và đầu tư mới, hài hòa lợi ích giữa các nước lớn, và giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục chứng kiến cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung cùng với các nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực (gắn với mở rộng CPTPP, nâng cấp một số FTA hiện có của ASEAN…). Các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đã có những đột phá thần tốc trong năm 2023, đồng thời đặt ra các vấn đề quốc tế, kể cả cạnh tranh đa chiến lược giữa các nước trong việc xây dựng khung quản trị phù hợp.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng đáng ghi nhận. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với 2022. Vốn FDI thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với 2022, đánh dấu số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư ước đạt 28 tỷ USD. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm trong năm 2023, song đã có sự cải thiện đáng kể trong các tháng cuối năm, và giữa các tháng trong năm. Các FTA đã góp phần đáng kể cho phục hồi hoạt động xuất khẩu cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Báo cáo đã đưa ra hai kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,12% theo Kịch bản 1, và 6,48% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,01% trong Kịch bản 1 và tăng 5,19% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 6,26 tỷ USD. Lạm phát bình quan năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%.

Báo cáo nhấn mạnh việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động./.

Về GIZ
Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ trực thuộc Nhà nước Liên bang hỗ trợ Chính phủ Đức trong lĩnh vực hợp tác quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu hướng tới phát triển bền vững.
GIZ đã hoạt động ở Việt Nam trong hơn 30 năm. Theo sự ủy thác của Chính phủ Đức, GIZ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong bốn lĩnh vực ưu tiên, bao gồm phát triền kinh tế bền vững, đào tạo nghề, năng lượng, chính sách môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững.
Với Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng Xanh, GIZ Việt Nam trực tiếp kết nối những hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên với “chiến lược tăng trưởng xanh” của Việt Nam nhằm đạt được hiệu quả lâu dài trong tất cả các lĩnh vực và tạo thuận lợi cho Việt Nam hướng tới một tương lai bền vững.
Nhà tài trợ vốn và ủy nhiệm của GIZ Việt Nam là Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ). Ngoài ra còn có Bộ liên bang về Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn hạt nhân (BMWi) và Bộ Tài chính Liên bang (BMF). GIZ VIệt Nam cũng tham gia nhiều dự án do Chính phủ Úc, Chính phủ Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu đồng tài trợ cũng như hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng phát triển Đức KfW trong nhiều dự án Hợp tác Phát triển Đức.

Theo Tạp chí Ngày Nay