Tại Đại hội cổ đông Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tổ chức sáng nay (25/4), hàng loạt vấn đề nóng như: Nợ xấu MCredit, cho vay bất động sản, trái phiếu Novaland, chi trả cổ tức,… được cổ đông chất vấn ban lãnh đạo ngân hàng.
- >> Quý 4 tăng trưởng âm, MB vẫn vượt 12% kế hoạch lợi nhuận năm
- >> Ngân hàng MB dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay
- >> Novaland lên tiếng về việc dừng hỗ trợ lãi suất cho khách hàng mua nhà
Cổ đông “đòi” tăng cổ tức tiền mặt
Sáng ngày 25/4/2023, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – HOSE: MBB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 tại Hà Nội.
Theo tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 được công bố, MB có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu trong năm nay. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2022 để lại của MB sau khi trích các quỹ là 12.151 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế để lại luỹ kế (bao gồm lợi nhuận để lại các năm trước) là 13.261 tỷ đồng.
Ngân hàng dự kiến dùng 9.068 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, 6.801 tỷ đồng dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 15%. Bên cạnh đó, 2.266 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt, tương đương tỷ lệ 5%.
Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% sẽ giúp vốn điều lệ của MB tăng thêm 6.801 tỷ đồng. Số cổ phiếu phát hành là hơn 680 triệu đơn vị, thực hiện trong năm 2023.
Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến tăng thêm 1.542 tỷ đồng cho vốn điều lệ từ việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Vốn điều lệ dự kiến của ngân hàng MB sau khi hoàn thành việc tăng vốn điều lệ năm 2023 là 53.683 tỷ đồng.
Tại Đại hội, cổ đông MB có đề nghị ngân hàng tăng tỷ lệ trả cổ tức, cụ thể là trả thêm 2% cổ tức bằng tiền mặt. Phản hồi vấn đề này, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, hàng năm ngân hàng vẫn đưa ra mục tiêu trả cổ tức khoảng 15%, năm 2020 trả tới 35% còn năm 2021 trả 20%. Năm 2023 dự kiến sẽ là năm khó khăn hơn, do đó, ông Thái cho rằng phương án trả cổ tức hiện tại là phù hợp với năm nay.
Theo kế hoạch được công bố tại đại hội, ban điều hành của ngân hàng MB cho biết năm 2023 kinh tế thế giới được dự báo còn có nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo ở mức 2,9% thấp hơn đáng kể so với mức 3,4% năm 2022 và thấp hơn mức bình quân 3,3% của thập kỷ trước đại dịch.
Nhiều nền kinh tế lớn phải đối mặt với các rủi ro về tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu. Các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất để kìm lạm phát làm tăng nguy cơ đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái nhanh hơn.
Trong bối cảnh đó, ngân hàng MB đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.
Tổng tài sản của MB ước tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng.
“Nóng” nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản
Tại ĐHĐCĐ năm nay, câu chuyện nợ xấu, trái phiếu của MB được nhiều cổ đông quan tâm và đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo ngân hàng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề ngân hàng phải trích lập nợ xấu đến 300%, lãnh đạo ngân hàng cho biết: “Những năm nào có khả năng tiềm ẩn rủi ro cao thì chúng ta nên trích dự phòng rủi ro nhiều hơn. Năm nào tình hình ổn định và rủi ro thấp thì chúng ta có thể giảm để tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Năm ngoái, sau Covid, chúng tôi tăng dự phòng để tăng phòng thủ cho hệ thống. Đó là lý do 2 năm qua, dự phòng nợ xấu của chúng ta tương đối cao. Nếu năm sau chúng ta giảm dự phòng thì sẽ trở thành lợi nhuận”.
Về vấn đề cho vay bất động sản của MB tương đối cao, ông Phạm Như Ánh, Phó Tổng Giám đốc thường trực cho biết, cho vay bất động sản gồm cho vay kinh doanh bất động sản và cho vay cá nhân mua nhà để ở. Hiện dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 7,8% trong tổng cho vay của MB, thuộc top có tỷ lệ cho vay thấp nhất thị trường.
“Nếu cộng cả cho vay cá nhân mua nhà thì cao nhưng không thể hiện đúng bản chất.”, ông Ánh cho biết.
Về vấn đề trái phiếu, nhiều cổ đông cho rằng, MB đã nắm giữ quá nhiều trái phiếu bất động sản, đó là rủi ro đối với ngân hàng. Các cổ đông yêu cầu HĐQT ngân hàng chỉ rõ quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam là bao nhiêu và định hướng tiếp theo của MB khi nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam đang có vấn đề.
Không cung cấp thông tin số dư cụ thể các khách hàng này, tuy nhiên ông Phạm Như Ánh, Phó Tổng Giám đốc thường trực thông tin: Tại Hưng thịnh, MB không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu, có dư nợ về lĩnh vực xây lắp nhưng không nhiều.
Về phía Trung Nam, cho vay và trái phiếu của Trung Nam đang được hấp thụ vào dự án điện mặt trời và dư nợ của doanh nghiệp này đang được trả nợ đầy đủ. Do đó, sẽ không có nợ xấu trong thời gian tiếp theo.
Đối với Novaland, Phó Tổng Giám đốc thường trực MB khẳng định, Novaland là đối tác bất động sản lớn, ngân hàng có cho vay và phát hành trái phiếu cho Novaland. Tuy nhiên ngân hàng quản lý, đánh giá dự án cụ thể và tính đến hiện tại, số dư trái phiếu doanh nghiệp của Novaland đã giảm khá lớn, không còn nhiều như số đầu năm. Năm 2023, ngân hàng dự kiến không phát sinh nợ xấu từ Novaland.
Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái bổ sung thêm: “Vấn đề với bất động sản không chỉ Novaland mà toàn ngành bất động sản có vấn đề riêng của nó. Vấn đề lớn nhất là vấn đề pháp lý, không phải là vấn đề tài chính. Tài chính là vấn đề hậu quả. Hiện nay để có thể mở bán các thủ tục cũng kéo dài tới vài năm. Tỷ lệ cho vay này nằm trong phạm vi cho phép”.
Ông Thái cũng khẳng định, MB tham gia không chỉ một dự án mà nhiều dự án của Novaland, tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ như cổ đông nói.
MB kiểm soát tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản khoảng 8% trong tổng cho vay. Các dự án bất động sản không riêng Novaland đều có tài sản đảm bảo, sẽ không để phát sinh nợ xấu cho năm nay.
“MB không ưu tiên gì đặc biệt với Novaland, Chúng tôi không có đầu tư gì với Novaland. MB là chủ nợ đứng tận thứ 4, thứ 5 trong cho vay với Novaland.”, ông Thái nói thêm.
Tại Đại hội, nhiều cổ đông cũng đặt ra vấn đề gần đây nhiều công ty đòi nợ bị cơ quan công an điều tra, dẫn đến nhiều người cố tình bùng nợ. “Liệu nợ xấu của MCredit có tăng mạnh và ảnh hưởng tới tập đoàn?” cổ đông đặt câu hỏi.
Phản hồi tới cổ đông, lãnh đạo ngân hàng cho biết, MB đã thực hiện tái cơ cấu MCredit, tối ưu giảm chi phí hoạt động, tăng doanh thu, kiểm soát thu hồi nợ, xây dựng chiến lược mới cho giai đoạn tiếp theo và định vị lại thương hiệu trên thị trường.
Năm 2022, MCredit đã lọt top 3 thị phần. CIR đạt 29,4%. NIM đạt 21,1% dẫn đầu ngành tài chính tiêu dùng. Đạt Top 2 lợi nhuận với 1.200 tỷ đồng, chỉ sau Home Credit. Nợ xấu vẫn theo đúng chiến lược dưới 6% dù trung bình ngành là trên 8%.
Trong năm 2023, MCredit đặt mục tiêu lợi nhuận 1.300 tỷ đồng và trong quý I/2023 ghi nhận con số lợi nhuận hơn 300 tỷ đồng.
“Định hướng của MCredit là chiến lược thu hồi nợ nhân văn. Hiện số nhân sự thu hồi nợ hơn 1.000 người, trong đó 600 cộng tác viên. Khi thị trường khó khăn, những doanh nghiệp có văn hóa độc đáo, cam kết về chất lượng thì sẽ tiến xa hơn. Kết quả đạt được trong thời gian đã chứng minh hướng đi đúng đắn của MCredit.”, Chủ tịch Lưu Trung Thái nhấn mạnh.
Tiếp tục nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém
Năm 2023, bên cạnh việc triển khai Chiến lược phát triển theo lộ trình, giai đoạn tới, MB cho biết sẽ ưu tiên tìm kiếm những không gian tăng trưởng mới, cơ hội hợp tác mới.
Cụ thể, HĐQT ngân hàng định hướng tiếp tục phát triển và kiện toàn Tập đoàn tài chính MB thông qua việc dự kiến liên doanh với đối tác có năng lực để chuyển đổi hình thức pháp lý MBCambodia (từ ngân hàng 100% vốn của MB) thành Ngân hàng liên doanh tại Campuchia, hướng đến phát triển phân khúc cho vay tiêu dùng, khách hàng cá nhân và khai thác các lợi thế của MB và đối tác tại thị trường này.
Bên cạnh đó, MB cũng cho biết, sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ chính trị quan trọng là tham gia phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng là một Ngân hàng Thương mại. Với nguồn lực chất lượng và có kinh nghiệm triển khai thành công một số phương án tái cơ cấu, cùng với sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Về vấn đề này, tại Đại hội, Chủ tịch Lưu Quang Thái cho biết MB đã chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo quy định và triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó.
HĐQT MB đã quyết định và tổ chức thực hiện các công việc, nội dung có liên quan để chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc và thực hiện các thủ tục với Cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt phương án theo quy định.
Đồng thời, MB đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó theo định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhằm chuẩn bị cho việc MB nhận chuyên giao bắt buộc.
“Theo quy trình của Nhà nước, thời gian định giá 11 tháng từ tháng 3/2023 và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 việc định giá hoàn thành và MB mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc được.”, ông Thái thông tin.
Miễn nhiệm 1 thành viên HĐQT
Tại Đại hội năm nay, ngân hàng đã miễn nhiệm thành viên HĐQT MB nhiệm kỳ 2019-2024 đối với ông Lê Hữu Đức, theo nguyện vọng cá nhân. Số lượng thành viên HĐQT MB trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là 10 thành viên.
Trước đó, ngày 13/4, MB đã công bố Quyết nghị của Hội đồng Quản trị về việc từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT MB đối với ông Lê Hữu Đức, bầu ông Lưu Trung Thái giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024 và giao nhiệm vụ ông Phạm Như Ánh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành.
Theo Quang Huy/Kinh tế chứng khoán
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/co-dong-don-dap-chat-van-lanh-dao-ngan-hang-mb-cac-van-de-co-tuc-trai-phieu-novaland-no-xau-mcredit-180253.html