QC 1
Thứ 4, ngày 26/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ đông Eximbank đón tin vui sau 10 năm không biết đến cổ tức bằng tiền

Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – HOSE: EIB) vừa công bố nghị quyết về việc triển khai phương án chi trả cổ tức với tỷ lệ 10%.

Cụ thể, Eximbank vừa công bố nghị quyết về việc triển khai phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 3% và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 7%. Tổng cộng trong năm nay, nhà băng này sẽ trả cổ tức với tỷ lệ 10%.

Ảnh: Internet

Theo phương án trả cổ tức bằng tiền mặt, mức chi trả sẽ là 300 đồng/cp. Eximbank dự kiến sẽ chi ra 552 tỷ đồng để chi trả cho cổ đông. Tuy nhiên, thông báo của HĐQT vẫn chưa nêu chi tiết về ngày chốt quyền cũng như ngày chi trả.

Theo phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng sẽ phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương ứng vốn điều lệ tăng thêm 1.219 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của Eximbank sẽ đạt 18.688 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành chưa được công bố cụ thể, dự kiến là trong năm 2024.

Ngân hàng này cho biết, vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, xây dựng trụ sở, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ và tài sản cố định cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 mà Eximbank tiến hành chia cổ tức tiền mặt. Trong giai đoạn từ 2015 đến 2023 (9 năm), Eximbank không hề chia cổ tức tiền mặt. Vào năm 2014, ngân hàng từng thực hiện chia cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 4% cho năm 2013.

Trong năm 2023 vừa qua, Eximbank đã hoàn tất thủ tục chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại các năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 với tỷ lệ 20%. Ngân hàng cũng hoàn tất thủ tục chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại lũy kế các năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận năm 2022 sau khi trích lập các quỹ với tỷ lệ 18%.

Năm 2023, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 2.720 tỷ đồng, tổng tài sản 201.417 tỷ đồng, huy động voonsd 158.329 tỷ đồng, dư nợ tín dụng 140.524 tỷ đồng và nợ xấu 2,71%.

Sang năm 2024, nhà băng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.180 tỷ đồng (tăng 90%), tổng tài sản 223.500 tỷ đồng (tăng 11%), huy động vốn 175.000 tỷ đồng (tăng 10,5%), dư nợ cấp tín dụng 161.000 tỷ đồng (tăng 14,6%) và nợ xấu giảm xuống còn 1,8%.

Eximbank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế giảm 24,1% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 661 tỷ đồng. Trong kỳ, nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần ghi nhận tăng trưởng 10% so với cùng kỳ, mang về cho Eximbank 1.358 tỷ đồng nhờ chi phí lãi giảm gần 26% so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, tổng thu nhập ngoài lãi trong quý I của Eximbank lại giảm tới gần 51% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 219 tỷ đồng. Trong đó, lãi thuần từ dịch vụ ghi nhận giảm 24,4%, xuống còn 110,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối lao dốc tới 58,2% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 83,7 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính của Eximbank không thuyết minh chi tiết về hai khoản mục này.

Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng ghi nhận mức giảm khá mạnh, lao dốc tới 45,7%, xuống chỉ còn 48,8 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động chứng khoán đầu tư ghi nhận khoản lỗ 24,3 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước hoạt động này cũng ghi nhận lỗ 5,9 tỷ đồng.

Hoạt động góp vốn, mua cổ phần là mảng duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương, tuy nhiên lại đóng góp không đáng kể, chỉ ở mức hơn 300 triệu đồng.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, số tiền thu từ nợ đã xử lý hóa, bù đắp bằng nguồn rủi ro trong quý I là 52,7 tỷ đồng, so với 90,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Trong 3 tháng đầu năm, Eximbank đã tiết giảm chi phí hoạt động 9,9% so với cùng kỳ, xuống còn 634,6 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí cho nhân viên và chi cho hoạt động quản lý công vụ.

Mặc dù vậy, do thu nhập ngoài lãi lao dốc mạnh, tổng thu nhập hoạt động của Eximbank đã giảm 5,4%, ghi nhận đạt 1.577 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Eximbank ghi nhận đạt 943 tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong quý I/2024, Eximbank trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp ba lần cùng kỳ, ở mức 282 tỷ đồng, do đó lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này lao dốc tới 24,1% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 661 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của Eximbank ghi nhận ở mức 203.585 tỷ đồng, mở rộng thêm 1,1% so với thời điểm hồi đầu năm. Cho vay khách hàng tăng trưởng 4,7%, lên 147.021 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng thêm 2,1%, đạt 1.569 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ vay, số dư nợ xấu của Eximbank tăng 12,8% so với thời điểm hồi đầu năm, lên mức 4.204 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu của Eximbank tăng từ 2,65% vào cuối năm 2023, lên mức 2,86% vào cuối quý I/2024 , trong khi tỷ lệ bao phủ lại tụt xuống 37,3%. Tiền gửi khách hàng tại Eximbank tăng 2,8% so với cùng kỳ, lên 160.659 tỷ đồng.

Theo Tường San/ Kinh Tế Chứng Khoán