QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phiếu ngành bán lẻ: Triển vọng từ “cái bắt tay” của các đại gia

“Cái bắt tay” lịch sử giữa Vingroup và Masan cuối năm 2019 được dự báo sẽ tạo nên sức mạnh giúp doanh nghiệp Việt cân bằng lợi thế trên sân nhà, cạnh tranh với các đại gia bán lẻ ngoại. Đồng thời cũng làm cho thị trường cổ phiếu ngành bán lẻ (cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng) trở nên hấp dẫn và khó đoán hơn trong thời gian tới…

2019 tiếp tục là năm khá thuận lợi đối với ngành bán lẻ Việt Nam

Cổ phiếu ngành hấp dẫn

Đúng như dự báo của các nhà phân tích trong những tháng trước, nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp, tại thời điểm trung tuần quý IV/2019, nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ đang đã chứng tỏ được sức hấp dẫn trên sàn chứng khoán, xứng đáng được lựa chọn để “chọn mặt, gửi tiền” dịp cuối năm.

Ghi nhận trong 10 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,4% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,9%). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt gần 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 76% và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sự khả quan của ngành này còn được thể hiện qua kết quả kinh doanh tích cực trong ba quý đầu năm của các doanh nghiệp bán lẻ, nhất là các đơn vị đầu ngành.

Theo Báo cáo tài chính quý III/2019 của CTCP Vincom Retail (VRE), công ty ghi nhận 2.208 tỷ đồng doanh thu, giảm 25% so với cùng kỳ nhưng doanh thu cho thuê trung tâm thương mại tăng từ 1.400 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng, chiếm 82% tổng doanh thu. Lũy kế 9 tháng năm 2019, công ty đạt 6.475 tỷ đồng doanh thu và 2.467 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 6% và 15% so với cùng kỳ.

Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc, CTCP Thế giới Di động (MWG) cho biết, 9 tháng năm 2019, doanh nghiệp đạt 76.763 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 3.873 tỷ đồng, tăng 35%.

Mở đầu là một chuỗi bán điện thoại, những năm gần đây, Thế giới Di động đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang các lĩnh vực khác vẫn còn dư địa tăng trưởng như điện máy (chuỗi Điện Máy Xanh), bách hóa (Bách Hóa Xanh), dược phẩm (nhà thuốc An Khang).

Việc thay đổi, mở rộng lĩnh vực kinh doanh đã giúp đà tăng trưởng của công ty duy trì tốt qua các năm, bất chấp ngành kinh doanh truyền thống là điện thoại đang dần bão hòa.

Như vậy, với kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động đã thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư và liên tục “phá đỉnh” trong năm 2019, bất chấp diễn biến thị trường chung không thực sự thuận lợi.

Tương tự, tại CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail – FRT), tổng doanh thu trong 9 tháng qua đạt 12.427 tỷ đồng, tăng 12,7% trong đó, doanh thu mảng bán hàng trực tuyến đạt 2.974 tỷ đồng, tăng 59,3% và chiếm tỷ trọng 23,9% tổng doanh thu.

Dù trong tháng 9, công ty phải trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu của 2 chương trình F-Friends và Subsidy nhưng lợi nhuận trước thuế 9 tháng vẫn tăng nhẹ 3%, đạt 292 tỷ đồng.

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận – một trong số những ông lớn tại mảng đồ trang sức Việt tiếp tục ghi nhận một mùa kinh doanh tăng trưởng

Cũng nằm trong khối bán lẻ, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2019 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng.

Cụ thể, trong quý III, doanh thu thuần đạt 3.934 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 268 tỷ đồng, tăng tương ứng 25% và 21% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 9 tháng, công ty đạt 11.679 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận trước thuế là 1.021 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2019 ước tính đạt 420.000 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018.Tính chung quý III/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.Như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng năm 2019 đã đạt đến 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,2%.

Tại thời điểm ngày 11/12/2019, cổ phiếu MWG đang giao dịch tại mức giá 113.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 30% so với mức 85.530 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh) hồi đầu năm, vốn hóa thị trường đạt hơn 50.000 tỷ đồng. Trước đó, hồi cuối tháng 9, cổ phiếu MWG đã đạt mức giá 128.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, mức giá hiện tại vẫn chưa phản ánh được hết giá trị thực của cổ phiếu MWG. 

Trong một động thái cách đây không lâu, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã bất ngờ nâng giá mục tiêu mỗi cổ phiếu MWG thêm tới 31%, lên 215.000 đồng/cổ phiếu. Cơ sở của việc nâng mạnh giá mục tiêu lần này là VCSC nâng dự báo lãi ròng các năm 2019, 2020, 2021 thêm lần lượt 5%, 12%, 15%, xuất phát từ việc tăng giả định doanh số/cửa hàng của chuỗi siêu thị mini và cập nhật mô hình định giá.

Tương tự, cổ phiếu PNJ cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao từ vùng giá 66.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh) lên mức 84.100 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 11/12/2019, tương đương mức tăng 26% kể từ đầu năm.

Trước đó hồi giữa tháng 8, cổ phiếu PNJ đã chinh phục thành công ngưỡng 87.000 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó đã điều chỉnh về mức giá hiện nay. Nguyên nhân có thể đến từ việc điều chỉnh kỹ thuật, một phần cũng có thể đến từ việc thị trường thiếu tích cực trong thời gian qua.

Mới đây nhất, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đã đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu PNJ tại mức 95.988 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2020, tương đương tổng tỷ suất sinh lợi đạt 17,4%, đồng thời duy trì khuyến nghị mua và chuyển giá mục tiêu sang năm tới.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu FRT từng một thời là “hàng hot” trên sàn OTC đã liên tiếp lao dốc kể từ khi lên sàn chứng khoán vào tháng 4/2018 tới nay. Hiện, FRT đang giao dịch tại mức 27.100 đồng/cổ phiếu (kết phiên chiều ngày 11/12).

Tuy nhiên, FPT Retail vẫn có điểm sáng là chuỗi nhà thuốc Long Châu khi thị trường thuốc tại Việt Nam vẫn còn rất phân mảnh, mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp lớn nhập cuộc. Lãnh đạo công ty cho rằng ở bất cứ mảng kinh doanh nào, sau giai đoạn tăng trưởng thì sẽ đối diện với sự bão hòa nên FPT Retail sẽ luôn “làm mới” để tăng trưởng.

Triển vọng tươi sáng

Nhìn lại kết quả năm 2018, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 3.306,1 ngàn tỷ đồng (tương đương 142,8 tỷ USD), tăng 12,4% so với năm trước (mức tăng trưởng khá). Với kết quả này, thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cao ổn định.

Trong nhiều năm qua, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài với cơ cấu dân số trẻ, thu nhập khả dụng và tỷ lệ đô thị hóa ngành càng tăng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành bán lẻ thường cao hơn 1,5 đến 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được dự báo tăng trong thời gian tới sẽ tác động trực tiếp đến thị trường bán lẻ

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VCBS, thu nhập của người dân hiện nay đang có xu hướng tăng lên. Dự kiến đến trước năm 2021, khoảng 40% dân số sẽ trở thành tầng lớp trung lưu và đây chính là động lực tăng trưởng của ngành bán lẻ.

Dẫn số liệu từ Euromonitor, tổng chi tiêu của các hộ gia đình Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 11,4% trong giai đoạn 2017 – 2021. Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa tăng nhanh (từ mức 20% năm 1998 ước sẽ lên đến 37,4% trong năm 2021).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ bán buôn và bán lẻ của Việt Nam chiếm tới 14% GDP của cả nước. Bán lẻ cũng thuộc một trong 6 ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất.

Trên thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều các thương hiệu quốc tế như Family Mart, Circle K, Shop&Go và Bs Mart, GS25,… Trong khi đó, các doanh nghiệp nội như Vingroup hay MWG cũng không muốn bỏ lỡ miếng bánh này với các chuỗi Vinmart+ và Bách hóa xanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ lớn với năng lực quản lý chuỗi và khả năng tài chính vượt trội đang dần mở rộng sang các lĩnh vực mới như CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) đã lấn sân sang mảng dược phẩm với việc thâu tóm nhà thuốc Long Châu; CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận với mảng bán lẻ trang sức thời trang.

Theo nghiên cứu của PWC, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những thị trường hàng tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất trong các nền kinh tế mới nổi của châu Á – Thái Bình Dương với tăng trưởng sẽ duy trì mức hai con số từ nay đến năm 2022.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nhằm “giải cứu” người dân khỏi tác động của tín dụng “đen” cũng là một yếu tố hỗ trợ sự phát triển của ngành.

Triển vọng từ “cái bắt tay” lịch sử…

Theo Nikkei, các nhà bán lẻ từ khắp châu Á đang đổ bộ vào Việt Nam khi các hạn chế đối với các công ty nước ngoài được nới lỏng. Các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường.

Sự cạnh tranh dự kiến còn khốc liệt hơn, bởi sau một thời gian dài tìm hiểu và thử nghiệm tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp ngoại đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh và kỳ vọng phù hợp, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt. Nếu doanh nghiệp Việt không chủ động có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài thì sẽ mất vị thế của mình ngay trên sân nhà.

Nửa đầu năm 2019, thị trường bán lẻ chứng kiến tốc độ mở rộng độ phủ của các doanh nghiệp bán lẻ nội thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Mới đây, lần đầu tiên một doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tiếp nhận một thương hiệu bán lẻ tầm cỡ thế giới. Bức tranh thị phần đã có sự thay đổi đáng kể với ưu thế nghiêng về doanh nghiệp nội.

Quyết tâm giành lại lợi thế trên sân nhà, thương vụ sáp nhập lớn nhất năm 2019 giữa 2 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã bất ngờ diễn ra hôm thượng tuần tháng 12/2019. Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco.

Cái bắt tay giữa Vingroup và Masan trở thành tâm điểm trên thị trường bán lẻ cuối năm 2019

Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông. Công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành, hệ thống 14 nông trường công nghệ cao và lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.

Thành công của thương vụ này, Masan đặt mục tiêu trở thành một Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ tầm cỡ hơn nữa, từ đó dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực.

Nhiều nhà phân tích thị trường cho rằng, sự kết hợp giữa hai doanh nghiệp này có ý nghĩa củng cố, tăng cường sức mạnh cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Đồng thời, các động thái trên đang cho thấy có sự vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt trong ngành bán lẻ cả về số lượng cửa hàng và thị phần so các doanh nghiệp nước ngoài.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, mức tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn duy trì gần 10%/năm. Đây là con số ngoạn mục với nỗ lực của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng như sự ổn định tình hình kinh tế vĩ mô. Trong tương lai gần, thị trường sẽ ngày càng sôi động hơn và có bước phát triển, với nhiều điểm mới để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Có thể thấy, trong nhiều năm qua, việc đổ bộ của các doanh nghiệp FDI vào hệ thống bán lẻ khiến nhiều ý kiến lo ngại rằng hệ thống bán lẻ trong nước đang có nguy cơ bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng và chiếm lĩnh thị trường. 

Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, những diễn biến của xu hướng này và những tác động của nó tới thị trường trong nước trong thời gian qua chưa thực sự “đáng lo ngại” như phản ánh của dư luận.

Đánh giá về các thương vụ M&A vừa qua, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, rất vui vì đã có doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã đủ sức thâu tóm bán lẻ nước ngoài, mở rộng hệ thống phân phối, từ đó giải quyết bài toán đầu ra cho hàng Việt, tránh tình cảnh như Big C vừa qua đột ngột hủy đơn hàng may mặc với 200 nhà cung cấp Việt Nam.

Chia sẻ lý do hợp tác cùng Masan, đại diện Vingroup cho hay, Vingroup chọn mặt gửi vàng. Mặt khác, Masan là doanh nghiệp nội nên đây chính là tiêu chí phù hợp để hợp lực chứ không hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này giúp cân bằng thị trường bán lẻ trong nước, dẫn dắt doanh nghiệp trong nước cùng phát triển. Trước đó, một đối tác ngoại đã muốn rót 1 tỷ USD vào VinCommerce nhưng Vingroup vẫn quyết định bắt tay với Masan.

Không chỉ đủ năng lực cạnh tranh và khả năng đối trọng sòng phẳng với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, giành và giữ được thị phần cho người Việt – thông qua kênh phân phối của mình, VinCommerce còn tiên phong hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa cùng phát triển.

Trước những ý kiến lo ngại về việc Masan sẽ ưu tiên hàng hoá của mình khi nắm quyền điều hành VinMart và VinMart+, đồng nghĩa các sản phẩm cạnh tranh khác khó có cơ hội xuất hiện trên quầy kệ, đại diện Masan Group khẳng định, mọi chính sách kinh doanh và quản trị sẽ được giữ nguyên. Tỷ trọng hàng Masan trong các siêu thị là 1% nên tại hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ sẽ là sân chơi chung. Các sản phẩm của Masan đã chứng tỏ sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ nói chung chứ không phải chỉ trong mỗi hệ thống Vinmart, Masan luôn đặt trọng tâm vào người tiêu dùng, cũng như luôn nghĩ cách phục vụ người tiêu dùng những mặt hàng cần thiết mọi lúc mọi nơi.

Khách quan có thể thừa nhận, các doanh nghiệp Việt đang cho thấy sức mạnh trong lĩnh vực cửa hàng tiện ích với mạng lưới rộng khắp. Sau 5 năm hoạt động, VinMart và VinMart+ đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất thị trường với gần 2.600 siêu thị và cửa hàng tại 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Kỳ vọng vào thị trường cổ phiếu ngành bán lẻ thời gian tới
“Với bán lẻ và nông nghiệp, về cơ bản, chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh đặt ra ban đầu. Vingroup đã kiến tạo thành công hệ thống bán lẻ quy mô số 1 thị trường, đối trọng sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua kênh phân phối của mình, VinCommerce cũng hỗ trợ nhiều nhà sản xuất nội cùng phát triển. Bên cạnh đó, VinEco đã đạt được mục tiêu truyền cảm hứng làm nông nghiệp sạch cho các doanh nghiệp và cộng đồng. Giờ đây, Vingroup có thể tự tin bàn giao lại 2 hệ thống này cho một doanh nghiệp Việt xứng tầm, có năng lực cốt lõi phụ hợp để tiếp tục phát triển hệ thống này một cách vững mạnh hơn nữa”, ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vingroup cho hay.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, “cái bắt tay” lịch sử trong những ngày cuối năm 2019 giữa Vinmart và Masan là một “phép cộng” đẹp giữa các doanh nghiệp Việt với nhau. Việc tập đoàn này công bố chuyển hướng, nhường “mặt trận” bán lẻ và sản xuất nông nghiệp sạch cho Masan là một điều tất yếu, đó là một cách để Vingroup tránh đầu tư dàn trải, tập trung vào những mặt trận cốt lõi của mình trong những năm tới.

“Sự cộng tác giữa các doanh nghiệp Việt với nhau là một điều rất đáng khích lệ, trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt đang yếu về nhiều mặt thì rất cần sự liên kết hợp tác để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Trên thế giới xu hướng tiến tới chuyên môn hóa để tối ưu cho nguồn lực là một xu thế tất yếu, vì vậy, “phép cộng” giữa Vingroup và Masan rất đáng để Nhà nước và dư luận ủng hộ. “Phép cộng” này nếu hợp tác làm ăn hiệu quả sẽ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt, đồng thời Việt Nam sẽ có thêm những tập đoàn phân phối mạnh để xây dựng một nền công nghiệp bán lẻ Việt Nam trong tương lai”.

Dự kiến tới 2025, hệ thống sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, tiên phong phủ sóng tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước. VinMart & VinMart+ đã liên tiếp 2 năm liền giữ vững vị trí số 1 trong Top 10 Công ty uy tín ngành Bán lẻ do Vietnam Report bình chọn. Trong khi đó, Masan Group có bề dày hơn 23 năm, là Tập đoàn hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực hàng tiêu dùng (bao gồm thực phẩm chế biến, gia vị và đồ uống, thịt có thương hiệu). Doanh thu năm 2018 đạt trên 1,6 tỷ USD, giá trị vốn hóa trên 3,7 tỷ USD. Năm 2019, Masan Group lọt top 200 công ty doanh thu tỷ USD tại châu Á theo bảng xếp hạng của Forbes Asia.

Có thể nói, sự kết hợp giữa VinGroup và Masan đang mở ra một cơ hội lớn với kỳ vọng mang tới cho người tiêu dùng những trải nghiệm mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dung đồng thời đi đúng với sứ mệnh mà Masan vẫn theo đuổi là phụng sự người tiêu dùng. 

“Cái bắt tay” này dự báo cũng sẽ tạo nên sức mạnh giúp doanh nghiệp Việt cân bằng lợi thế trên sân nhà, cạnh tranh với các đại gia bán lẻ ngoại. Điều này cũng giúp người tiêu dùng trong nước có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với phong cách mua sắm hiện đại chuyên nghiệp, hàng hóa đa dạng.

Theo Quân Vương/Thời báo Chứng khoán

Xem bài gốc