QC 1
Thứ 4, ngày 26/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Cổ phiếu VTK ngấp nghé câu lạc bộ ba chữ số

2 tháng trở lại đây, cổ phiếu VTK đã tăng bốc đầu tới hơn 100% để lên mức đỉnh lịch sử kể từ khi giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 17/6, cổ phiếu VTK của Công ty CP Tư vấn và Dịch vụ Viettel (UPCoM: VTK) bật tăng tốt hơn 5%, đưa thị giá áp sát mốc 100.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ riêng trong khoảng 2 tháng trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng bốc đầu tới hơn 100% để lên mức đỉnh lịch sử kể từ khi giao dịch sàn chứng khoán.

Thị giá cổ phiếu VTK áp sát mốc 100.000 đồng/cổ phiếu

Không chỉ hưởng niềm vui từ thị giá cổ phiếu liên tục tăng, cổ đông VTK còn sắp nhận về khoản cổ tức đáng kể. Cụ thể, ngày 21/6 tới đây, VTK sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền năm 2023 tỷ lệ 15%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng.

Với gần 9,4 triệu cp đang lưu hành, dự kiến VTK cần chi số tiền hơn 14 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông. Thời gian thanh toán dự kiến từ 5/7/2024. Đây là số tiền cổ tức kỷ lục của doanh nghiệp này.

Theo cơ cấu cổ đông tại VTK tính đến ngày 31/12/2023, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đang nắm giữ 63,84% vốn. Như vậy nếu không có gì thay đổi, Tập đoàn Viettel sẽ thu về gần 9 tỷ đồng tiền cổ tức từ VTK trong đợt này.

Về tình hình kinh doanh, VTK vừa có năm 2023 thành công với tổng doanh thu gần 286 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 26 tỷ đồng, lần lượt vượt 2% và 5% kế hoạch đề ra. Năm 2023 cũng đánh dấu doanh thu và lãi cao nhất lịch sử, kể từ thời điểm chính thức được chuyển đổi từ Công ty TNHH Nhà nước MTV Tư vấn thiết kế Viettel.

Năm 2024, Tư vấn và Dịch vụ Viettel kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng với tổng doanh thu 352 ngàn tỷ đồng và lãi sau thuế gần 30 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 14% so với thực hiện 2023.

Cơ cấu doanh thu có sự thay đổi đáng kể khi VTK tập trung phát triển lĩnh vực mới là đo lường, ICT, giải pháp kiên cố hạ tầng viễn thông… doanh thu dự kiến 210 tỷ đồng, tăng 83% so với thực hiện 2023, chiếm 56% tỷ trọng. VTK cho biết mảng mới này sẽ là trụ cột phát triển trong năm 2024 và sẽ phát triển mạnh mẽ đem lại nguồn thu lớn trong những năm tiếp theo.

Còn lại, dự kiến doanh thu kiểm soát chất lượng 100 tỷ đồng, giảm 16%, chiếm 27% tỷ trọng; doanh thu bên ngoài mục tiêu 75 tỷ đồng, tăng 116%, chiếm 20% tỷ trọng; doanh thu tư vấn thiết kế 60 tỷ đồng, tăng 20%, chiếm 16% tỷ trọng.

Mức tăng trưởng 20% của mảng tư vấn thiết kế được lãnh đạo VTK chia sẻ nhờ doanh thu truyền thống trong nước tăng do nhu cầu triển khai hạ tầng 4G, 5G theo cam kết của các nhà mạng sau khi đấu giá tần số thành công. Doanh thu bên ngoài tăng 16% cũng được đánh giá là thách thức trong bối cảnh các nhà mạng hạn chế đầu tư mới.

Riêng với mảng duy nhất có kế hoạch giảm là kiểm soát chất lượng, lãnh đạo VTK cho biết năm 2023, doanh thu từ hoạt động kiểm định trạm BTS tăng đột biến so với năm 2022, nhưng năm 2024 sẽ ở mức ổn định nên có xu hướng giảm so với năm 2023.

VTK cũng có kế hoạch bổ sung 5 ngành nghề mới, bao gồm 3 ngành là xây dựng công trình viễn thông, thông tin liên lạc; lắp đặt hệ thống điện; hoạt động thiết kế chuyên dụng để tận dụng nguồn lực sẵn có thúc đẩy hoạt động kinh doanh Công ty. Bổ sung 2 ngành là bán buôn kim loại, quặng kim loại (bán buôn sắt, thép, bán buôn kim loại khác); bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm để phục vụ cho thi công giải pháp và ICT.

Theo Linh Đan/ Kinh Tế Chứng Khoán