QC 1
Thứ 6, ngày 28/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Công ty Tín Nghĩa đề xuất thu phí hạ tầng 100 USD/m2 tại Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh việc đàm phán thu phí sử dụng hạ tầng tại Khu công nghiệp (KCN) Ông Kèo giữa Công ty Cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa (Công ty Tín Nghĩa) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) là vướng mắc chính trong 3 vướng mắc cần tháo gỡ tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4. Tuy nhiên, nội dung này là giữa 2 doanh nghiệp thì doanh nghiệp tự đàm phán, nhà nước không can thiệp sâu.

Mỗi ngày mất khoảng 12 – 13 tỷ đồng

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc tháo gỡ vướng mắc dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đây là dự án nằm trong quy hoạch năng lượng quốc gia đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2019, có ý nghĩa quan trọng trong việc cung ứng điện cho cả nước. Đặc biệt là nguồn điện nền, nhất là các tỉnh vùng Đông Nam bộ.

Theo kế hoạch Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 sẽ phát điện thử nghiệm vào tháng 5/2024 và phát điện thương mại vào tháng 11 năm 2024. Còn Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 sẽ phát điện thử nghiệm vào tháng 11/2024 và phát điện thương mại vào tháng 5/2025.

Tuy nhiên, đến nay dự án đã chậm tiến độ, khối lượng công trình hiện đã làm được 85% (tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng được giải ngân với mức lãi suất trung bình khoảng 8%/năm thì mỗi ngày sẽ mất khoảng 6 – 7 tỷ cho vấn đề lãi và tỉnh Đồng Nai sẽ mất khoảng 6 – 6,5 tỷ tiền thu từ nguồn phát điện. 

Đến nay dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 đã chậm tiến độ, khối lượng công trình hiện đã làm được 85%.

Như vậy, thiệt hại tính được mỗi ngày sẽ mất khoảng 12 – 13 tỷ đồng. Chưa kể đến những thiệt hại chưa tính được, đó là thiếu nguồn điện cho cả nước nói chung và khu vực nói riêng.

Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ thì nguy cơ đổ vỡ dự án là vô cùng lớn. Bởi lẽ nếu thủ tục đất đai không được giải quyết thì không nhà tài trợ vốn nào có thể tài trợ nữa, chưa kể phải chủ đầu tư sẽ phải chịu phạt của các các nhà thầu vì cam kết mà không thực hiện được.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua rà soát, dự án này có 3 điểm nghẽn.Thứ nhất, là về thủ tục đất đai và mặt bằng, việc này có liên quan đến trách nhiệm của tỉnh Đồng Nai.  

Thứ hai, là hệ thống lưới điện giải tỏa cho công suất của hai nhà máy này. Đây thuộc thẩm quyền trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì đã được Chính phủ giao. 

Thứ ba, là liên quan đến cái hợp đồng mua bán điện và hợp đồng mua bán khí. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của hai Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đến nay, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Công Thương thì 2 trong 3 khó khăn đã được giải quyết. Vấn đề duy nhất còn lại là mặt bằng và thủ tục đất đai thì đang vướng mắc tại tỉnh Đồng Nai.

Theo ông Lê Như Linh, Tổng giám đốc PV Power cho biết, đến thời điểm hiện tại, dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4 thi công ước đạt hơn 85% so với hợp đồng đã ký kết, cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Tuy nhiên dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Cụ thể, công tác thuê đất đối với phần diện tích còn lại khoảng 30,7 ha (đợt 2) chưa ký hợp đồng. Việc chậm thực hiện ký hợp đồng thuê đất sẽ dẫn tới ngân hàng và các tổ chức tín dụng nước ngoài rất có thể sẽ dừng giải ngân, gây ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ hoàn thành dự án. Cùng với đó, khó khăn do Công ty Tín Nghĩa (đơn vị có vốn góp của Tỉnh ủy Đồng Nai) cản trở thi công.

Chưa thống nhất phí sử dụng hạ tầng

Theo đại diện PV Power, từ tháng 11/2023, doanh nghiệp đã có văn bản gửi Công ty Tín Nghĩa đề xuất được cắt đường số 4 (đoạn giao cắt đường dài khoảng 30m, rộng 20m) nằm trong KCN Ông Kèo để triển khai thi công tuyến kênh xả nước làm mát theo thiết kế đã được Bộ Công Thương thẩm định. Tuy nhiên, Công ty Tín Nghĩa không chấp thuận cho dự án được thi công để gây sức ép buộc PV Power phải chấp nhận phí sử dụng hạ tầng do đơn vị này đề xuất.

Đáng chú ý, về phí sử dụng hạ tầng tại KCN Ông Kèo, hai bên đã thống nhất và ký thỏa thuận vào ngày 12/10/2021 đến nay vẫn còn hiệu lực. Nhưng Công ty Tín Nghĩa đã yêu cầu đàm phán lại và đang đề xuất mức phí 100 USD/m2. 

Hạng mục cống hộp xả nước làm mát của Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 đã không thể tiến hành thi công thừ cuối tháng 11/2023 do vướng 1 đoạn đường bê tông giao cắt với Khu Công nghiệp Ông Kèo.

Thực tế hiện nay, Công ty Tín Nghĩa chưa hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng KCN theo quy định, đặc biệt tại khu vực Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, đơn vị này cũng chưa đầu tư hạ tầng đường nội khu, hệ thống thoát nước, điện, nước phục vụ thi công… PV Power đã phải tự thực hiện việc san lấp mặt nhà máy, xây dựng hệ thống cung cấp điện, nước thi công… với hiện trạng thực tế như vậy rất khó có cơ sở để xác định, thống nhất được phí hạ tầng theo mức mà Công ty Tín Nghĩa yêu cầu. Thậm chí mức giá trên có thể coi là vô lý.

Liên quan đến những vấn đề PV Power nêu, ông Trần Trung Tuấn – Tổng giám đốc Công ty Tín Nghĩa cho biết, thời gian qua tỉnh Đồng Nai đã giao 633 ha cho doanh nghiệp, hiện đã bồi thường được 426 ha, còn khoảng 200 ha chưa bồi thường.

Từ năm 2022, tổng diện tích Công ty Tín Nghĩa đã giao cho PV Power là 36 ha, trong đó có cả phần đơn vị bỏ tiền ra tự thỏa thuận bồi thường cho người dân. Trung bình hiện nay giá bồi thường tại Nhơn Trạch là 655.000 đồng/m2, nếu so với số tiền Công ty Tín Nghĩa nhận lại là 90 tỷ đồng/36 ha thì đâu đó chỉ 255.000 đồng/m2. Điều đó cho thấy rằng Công ty Tín Nghĩa bỏ ra một số tiền rất lớn cho mục đích chung của tỉnh. 

Về phí sử dụng hạ tầng tại KCN, do một số vấn đề nên Công ty Tín Nghĩa chưa đấu nối xong các tuyến đường trong KCN Ông Kèo. Đến thời điểm hiện nay Tín Nghĩa đã bỏ ra 1.500 tỷ đồng để đầu tư KCN Ông Kèo, tổng km đường KCN khoảng 23km, hiện nay đã hoàn tất 7km. Dù cho PV Power có trả tiền hạ tầng hay không thì đến năm 2026 Công ty Tín Nghĩa cũng sẽ hoàn tất các tuyến đường trong KCN.

 Vướng mắc chính tại dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 là thu phí hạ tầng.

Liên quan đến việc cắt đường số 4, ông Trần Trung Tuấn cho biết, Công ty Tín nghĩa và PV Power đã nhiều lần bàn bạc, Công ty Tín Nghĩa cho rằng trong 48 ha mà PV Power đầu tư dự án thì trong đó có khoảng 11,6 ha là do Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 1&2 tự thỏa thuận đền bù và thuê lại của nhà nước.

Riêng phần 36 ha là phần mà Công ty Tín Nghĩa tự thoả thuận với người dân đền bù suy xét theo góc độ nhà nước đã cho Công ty Tín Nghĩa thuê số tiền đó, thì công ty sẽ cho PV Power thuê là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.

Công ty Tín Nghĩa có ký hợp đồng phí sử dụng hạ tầng cho PV Power thuê 3,5 USD /m2/năm. Ngày 28/12/2023, Công ty Tín Nghĩa đề xuất phương án xem xét giá bình quân do công ty thẩm định, tuy nhiên hai bên vẫn không đi đến được thỏa thuận thống nhất.

Sau khi nghe báo cáo của hai đơn vị liên quan, ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai rất quan tâm đến các công trình, dự án trọng điểm của quốc gia, ngành năng lượng đang triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt là việc xây dựng của nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 cũng như các dự án lưới điện giải tỏa công suất cho các dự án nhà máy này.

Theo đó, kể từ cuối tháng 1/2024 đến nay, UBND tỉnh đã chủ trì 4 phiên họp, đã ban hành 4 thông báo kết luận và ban hành 2 văn bản hỏa tốc để xử lý các vấn đề có liên quan đến Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4; các dự án lưới điện, giải tỏa công suất cho các nhà máy. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như sự quyết liệt của Đồng Nai.

Qua báo cáo, hiện nay chỉ còn 3 vướng mắc chính, thứ nhất là việc cho Công ty Tín Nghĩa thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm cơ sở cho Công ty Tín Nghĩa ký hợp đồng với PV Power thuê lại đất thì diện tích đất này là Công ty Tín Nghĩa đã thỏa thuận bồi thường cho người dân. Do vậy, tỉnh đề nghị PVN cần làm việc trực tiếp với Công ty Tín Nghĩa để thuê lại. Còn việc thủ tục cấp đất thì sau khi thuê lại từ Công ty Tín Nghĩa, UBND tỉnh sẽ thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho PV Power. 

Thứ hai, là đàm phán thu phí sử dụng hạ tầng tại KCN Ông Kèo giữa Công ty Tín Nghĩa và PV Power, đây là vướng mắc chính trong 3 vướng mắc. Tuy nhiên, nội dung này là giữa 2 doanh nghiệp thì doanh nghiệp tự đàm phán, nhà nước không can thiệp sâu.

Thứ ba, là Công ty Tín nghĩa chưa chấp thuận cho PV Power thi công cống hợp xả nước làm mát của dự án cắt đường số 4. Về nội dung này, tỉnh đã nhiều lần làm việc cùng PV Power và. Công ty Tín Nghĩa. 

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh, đây là công trình trọng điểm của quốc gia, hai bên phải thỏa thuận với nhau sớm để triển khai, không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các dự án này. Và nút thắt lớn nhất hiện nay là thỏa thuận giữa phí hạ tầng với nhau, và phải xử lý dứt điểm vấn đề này. 

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, khó khăn vướng mắc nhất hiện nay về đất đã được tháo gỡ được theo đề xuất báo cáo của Công ty Tín Nghĩa. Khi PV Power ký hợp đồng thuê đất (đợt 2), UBND tỉnh sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay. 

Công ty Tín Nghĩa cũng vừa có cam kết sẽ để cho PV Power thi công cắt đường số 4, không cản trở như trước đây nữa. 

Về nội dung này, trong thông báo ngày 9/5, Công ty Tín Nghĩa đã đề nghị PV Power và Ban quản lý dự án điện trong quá trình thi công phân đoạn kênh xả nước làm mát (đoạn cắt qua đường số 4, KCN Ông Kèo) cần có sự phối hợp của Công ty Tín Nghĩa để đảm bảo thực hiện các biện pháp thi công an toàn và hoàn trả nguyên trạng mặt bằng sau khi hoàn thành thi công theo đúng thiết kế. Đồng thời, đề nghị PV Power sớm thống nhất phí sử dụng hạ tầng KCN để ký kết hợp đồng theo tinh thần mà lãnh đạo hai bên đã trao đổi tại cuộc họp ngày 23/4/2024.

Cũng tại cuộc họp, đại diện các Bộ, Ngành, Cơ quan liên quan đã nêu nhiều ý kiến, giải pháp về xử lý các tồn tại và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mong muốn Đồng Nai cần quyết liệt, giải quyết vấn đề vướng mắc theo thẩm quyền.

UBND tỉnh Đồng Nai và các bên liên quan tạo điều kiện để cho PV Power triển khai tiếp các hạng mục còn lại mà không gặp khó khăn, vướng mắc nào giống như đã triển khai 85% công việc ở giai đoạn trước. Mục tiêu chung để đẩy nhanh tiến độ trên thực tế, còn thủ tục pháp lý tiếp tục hoàn thiện. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và các bên liên quan tiếp tục hỗ trợ cho EVN triển khai hai tuyến đường dây truyền tải 500 KV để giải tỏa công suất của 2 nhà máy này. Đồng thời tiếp tục xem xét để xử lý vấn đề pháp lý liên quan đến giao đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, góp phần sớm đưa dự án vào hoạt động.

Đến trước tháng 5/2024 hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho PV Power để đảm bảo đủ căn cứ pháp lý cho dự án tiếp tục được duy trì…

Phóng viên đã liên hệ với đại diện PV Power để cập nhật tình hình giải quyết các nội dung tháo gỡ sau cuộc cuộc họp thì được cho biết, hiện nay Công ty Tín Nghĩa và PV Power vẫn đang tiếp tục đàm phán các nội dung theo kết luận của buổi làm việc.

Theo Như Xuân/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn