QC 1
Thứ 6, ngày 17/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

COVID-19 – Giá thép và giải pháp của doanh nghiệp ở hai chiều cung – cầu

Tác động từ dịch COVID-19 đã khiến nhiều ngành, nghề sản xuất trong nước đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu. Ngành sản xuất thép cũng không nằm ngoài những khó khăn này. Trong khi đó, với doanh nghiệp xây dựng, bên cạnh khó khăn gây ra từ dịch bệnh, việc giá thép không ngừng tăng mạnh thời gian gần đây khiến cho những cố gắng trúng thầu càng trở nên “công cốc”.

COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng ngành thép

Còn nhớ thời điểm năm 2020, ngành thép được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi xu thế bảo hộ trên thị trường quốc tế ngày càng cao. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến ngành thép trong nước cả ở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng cho hay, thị trường diễn biến bất lợi và dịch COVID-19 tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong hệ thống Tổng Công ty.

Với Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), đại diện VNSteel cho hay, đây là đơn vị chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong các đơn vị thuộc hệ thống Tổng Công ty bởi dịch bệnh do đặt gần biên giới Việt – Trung và phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại giữa 2 bên.

Cũng nói về tác động bất lợi của dịch COVID-19, đại diện Gang thép Thái Nguyên cho biết, trong tháng 2/2020, đơn vị đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiêu thụ mới đạt gần 14.000 tấn, chỉ đạt 23% kế hoạch tháng.

Các mặt hàng nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị của công ty chủ yếu nhập từ Trung Quốc bị ngừng trệ, đặc biệt, tồn kho than cốc hiện rất thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, tiêu thụ quặng sắt trong nước. Xuất khẩu phôi thép của công ty cũng bị ngưng trệ. Dự kiến, quý II đơn vị sẽ vẫn khó khăn.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã yêu cầu VTM gấp rút làm việc với các cơ quan hữu quan của Lào Cai để nối lại hoạt động xuất nhập bình thường đối với mặt hàng than cốc và phôi thép nhằm duy trì hoạt động sản xuất bình thường đồng thời VTM tìm kiếm các nguồn than cốc đường biển để thay thế từ Nga, Indonesia…

Tổng Công ty cũng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ từ UBND tỉnh Lào Cai về các vấn đề giãn, gia hạn thời hạn nộp thuế cho doanh ghiệp…

Đối với Tisco, doanh nghiệp rà soát lại các hợp đồng về than điện cực, vật liệu chịu lửa và có kế hoạch mua bổ sung đảm bảo duy trì đủ vật tư cho sản xuất; kiểm soát tồn kho nguyên vật liệu theo kế hoạch thận trọng và an toàn; làm việc với các nhà phân phối thép để điều chỉnh các chính sách tiêu thụ thành phẩm theo điều kiện hiện tại.

Trong năm 2020, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành đề xuất Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ, có thể bằng các chính sách về tài chính, tín dụng, giảm lãi suất, giãn nợ; đồng thời, có chỉ đạo, giải pháp trong việc thông quan hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và vẫn tuân thủ các quy định về đảm bảo phòng dịch.

Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp ngành thép, khó khăn chủ yếu đến từ việc các thị trường thắt chặt kiểm soát dịch bệnh, khiến cho nhập khẩu nguyên phụ liệu, thiết bị phụ tùng cho sản xuất thép trong nước và xuất khẩu đều gặp khó. Tuy nhiên đến những tháng cuối năm 2020, việc giá thép bất ngờ tăng mạnh đã khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép khó dự đoán hơn.

Bên cạnh những doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm sút mạnh so với cùng kỳ, vẫn còn đó những doanh nghiệp kịp thời thích ứng, báo lãi tăng trưởng mạnh trong quý IV/2020.

Doanh nghiệp thép (cung) báo lãi trong mùa dịch

covid 19 gia thep va giai phap cua doanh nghiep o hai chieu cung cau
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát – Trần Đình Long

Ghi nhận trong quý IV/l2020, một vài doanh nghiệp vừa vặn thoát lỗ như Quốc tế Phương Anh (PAS) với số lãi trăm triệu đồng; Thép tấm lá Thống Nhất (TNS) lãi chưa đến 1,5 tỷ đồng hay Gang thép Thái Nguyên lãi sau thuế 2,9 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân chính tác động lên kết quả kinh doanh nghành thép quý IV/2021 là việc giá thép đang liên tục tăng, những doanh nghiệp chuẩn bị tốt nguồn hàng tồn kho sẽ được hưởng lợi lớn.

Quý IV/2020, ngoại trừ các doanh nghiệp chuyển biến từ lỗ sang lãi, quán quân tăng trưởng lợi nhuận thuộc về doanh nghiệp có lãi sau thuế gấp 20 lần cùng kỳ – là Thép Nam Kim (NKG). Theo đó, Thép Nam Kim báo lãi sau thuế quý đạt 154 tỷ đồng qua đó nâng tổng lợi nhuận sau thuế cả năm lên 295 tỷ đồng – gấp 6,3 lần lợi nhuận đạt được năm 2019.

Tuy vậy, cái tên đáng được nhắc đến nhất trong các doanh nghiệp ngành thép là Hòa Phát (HPG). Doanh nghiệp này vừa báo lãi kỷ lục 4.660 tỷ đồng trong quý IV – tăng 142% so với cùng kỳ. Đây là một con số gây ngạc nhiên khi năm 2020 là năm khó khăn với các doanh nghiệp ngành thép. Tính chung cả năm 2020 Hòa Phát đạt 91.279 tỷ đồng doanh thu – tăng 41% so với năm 2019 còn lợi nhuận sau thuế đạt 13.506 tỷ đồng – gấp 2,42 lần năm trước đó.

Một gương mặt khác là Ống thép Việt Đức VG PIPE (VGS) cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2020 với doanh thu tăng 14% lên 1.839 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng hơn 65% lên gần 59 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2020, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần 6.670 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 103 tỷ đồng – tăng 36,7% cùng kỳ và thực hiện gấp đôi chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Cùng với thành công trong quý IV/2020, ngành thép cũng có rất nhiều doanh nghiệp chuyển mình từ lỗ quý III năm 2019 lãi cùng kỳ năm nay. Trong số đó, Pomina (POM) là cái tên đáng nhắc đến nhất bởi trước đó không lâu, Pomina đã kinh doanh thu lỗ triền miên với 6 quý lỗ liên tiếp trước khi có lãi trở lại vào quý 3 và 4/2020.

Tính riêng quý IV, doanh thu vẫn giảm 16% so với cùng kỳ, đạt 2.561 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí giá vốn giảm mạnh, cùng với khoản thu nhập khác phát sinh hơn 53 tỷ đồng, dẫn tới Pomina lãi sau thuế 144 tỷ đồng – cải thiện nhiều so với số lỗ 48 tỷ đồng ghi nhận trong quý IV/2019. Cả năm 2020, POM ghi nhận 9.885 tỷ doanh thu; lợi nhuận sau thuế đạt 16 tỷ đồng, “cải tử hoàn sinh” so với mức lỗ ròng lên đến 309 tỷ đồng trong năm 2019.

Tổng Công ty Thép Việt Nam – VnSteel (TVN) cũng ghi nhận lãi sau thuế gần 236 tỷ đồng trong khi quý IV/2019 lỗ gần 112 tỷ đồng.

Tương tự, Thép Việt Ý cũng ghi nhận lãi gần 20 tỷ đồng so với số lỗ gần 58 tỷ đồng ghi nhận trong quý IV/2019.

Một đại diện khác là Thép Tiến Lên (TLH) cũng lãi sau thuế 78 tỷ đồng so với số lỗ 177 tỷ đồng cùng kỳ trong khi Đầu tư Thương mại SMC cũng ghi nhận lãi 154 tỷ đồng – tăng mạnh so với số lỗ 11 tỷ đồng cùng kỳ và cũng là quý lãi lớn nhất so với 3 quý đầu năm.

covid 19 gia thep va giai phap cua doanh nghiep o hai chieu cung cau
Giá cổ phiếu TLH tăng mạnh trong 1 năm trở lại đây (nguồn Cafef.vn)
Cổ phiếu thép tăng mạnh sau 1 năm dịch bệnh
Đối với cổ phiếu ngành thép, theo quan sát, nhóm này nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung đã có pha lao dốc rất mạnh trước cú sốc của dịch COVID-19 hồi đầu năm. Sự lao dốc này khiến thị trường chứng khoán nói chung được kéo về mức đáy. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, thị trường chứng khiến sự vương lên mạnh mẽ trong đó nhóm thép với một số đại diện như HPG, HSG, NKG, TLH, POM đã bứt phá mạnh mẽ chí ít lâu sau đó.Mới nhất, hồi đầu tháng 5/2021, đà tăng của giá thép trong nước và thế giới đã ngay lập tức phả hơi nóng đến giá cổ phiếu thép trên thị trường chứng khoán khiến nhiều mã đồng loạt tăng mạnh. Đáng kể nhất là cổ phiếu đầu ngành HPG khi leo đỉnh 67.xxx đồng trước khi hạ nhiệt.

Bước sang năm 2021, nguồn cung thép tiếp tục bị gián đoạn và chưa thể bắt kịp nhu cầu. Theo dự báo, nhu cầu thép thế giới năm 2021 dự kiến tăng 5,8% so với năm 2020 và vượt mức tiêu thụ năm 2019. Việc gián đoạn khai thác quặng – nguyên vật liệu đầu vào chính của ngành thép do tác động tiêu cực của COVID-19 cùng với sự gia tăng của các nguyên vật liệu đầu vào khác đã thúc đẩy giá quặng lên mức cao kỷ lục.

Giá thép tăng cao giúp lợi nhuận trong quý đầu năm 2021 của các doanh nghiệp ngành này tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I/2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế 7.005 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen đạt 1.035 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của Thép Nam Kim đạt gần 319 tỷ đồng – gấp 7,7 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của Gang Thép Hà Nội đạt 1,98 tỷ đồng – gấp 3,1 lần cùng kỳ; doanh thu trong quý II/2021 của HSV ước đạt 140 tỷ đồng.

Kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tích cực đã giúp giá cổ phiếu của các ngành thép tăng mạnh góp phần đưa VN-Index chinh phục đỉnh lịch sử mới, vượt 1.300 điểm trong tháng 5 và đang hướng tới đỉnh cao mới trong năm 2021.

Giá thép trong nước liên tục tăng mạnh đến 45 – 50% trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của ngành xây dựng khiến không ít doanh nghiệp phải lên tiếng “kêu cứu”.

Doanh nghiệp xây dựng (cầu) giảm lãi để nhận thầu

covid 19 gia thep va giai phap cua doanh nghiep o hai chieu cung cau

Ghi nhận của kinhtechungkhoan.vn, từ đầu năm đến nay, giá thép tại khu vực phía Nam đã điều chỉnh tăng khoảng 12 lần, tính từ thời điểm cuối năm 2020.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng Trí Quang cho biết, từ đầu năm đến nay, giá các loại thép trên thị trường đã tăng từ 45 – 50% so với cuối năm 2020. Chẳng hạn với thép cuộn D6, D8 của các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Đức, Việt Ý… thời điểm cuối năm 2020 có giá chỉ khoảng 12.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên hơn 18.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT). Không riêng giá thép, theo ông Quang, giá các loại vật liệu khác như xi măng, gạch, cát… cũng tăng từ 10 – 30% do cước vận tải tăng.

“Chi phí cho thép chiếm khoảng 20 – 25% chi phí xây dựng căn hộ chung cư và khoảng 30% chi phí xây dựng căn nhà liền kề, như vậy, giá thép tăng cao cùng với các chi phí khác sẽ đội giá công trình lên khoảng 15% buộc chúng tôi phải xem xét lại các điều khoản trong hợp đồng với chủ đầu tư để điều chỉnh lại”, ông Nguyễn Hữu Quang cho biết.

“Tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng chấp nhận điều chỉnh lại hợp đồng. Do vậy, công ty cùng một số chủ thầu khác tại TP. HCM đã chịu lỗ khoảng 8% cho mỗi công trình. Để giảm mức độ thiệt hại, công ty chấp nhận mất toàn bộ lãi thi công các công trình, đồng thời tạm hoãn 2 công trình đang thi công dang dở và không nhận thêm công trình mới”, ông Quang than thở.

Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành cho biết, so với cuối năm 2020, giá thép tăng mạnh đã gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng các công trình, khiến doanh nghiệp xây dựng không có lãi thậm chí phải chịu lỗ.

Theo tính toán của các chủ đầu tư xây dựng, với một hợp đồng xây dựng 100 tỷ đồng, nhân công chiếm 20%, chi phí khác chiếm 10% và vật liệu xây dựng chiếm 60 – 70% (thép, sắt, cát, xi măng, đá…), việc giá thép tăng như hiện nay có thể khiến công trình bị đội lên trên 10%. Cụ thể, một căn hộ dự toán trên giấy tờ (lý thuyết) bán ra 30 triệu đồng/m2, khi thép tăng giá, có thể đẩy căn hộ chào bán ra thị trường đội lên 35 triệu đồng/m2. Tùy chủ đầu tư, nếu họ chia sẻ với khách hàng, giá nhà chào bán ra sẽ tăng ở biên độ vừa phải dưới 10%. Ngược lại nếu chủ đầu tư không thể chia sẻ, giá nhà có thể đội lên trên 10% và khi đó khách hàng là người gánh chịu.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho biết, giá thép tăng quá nóng cùng nhiều loại vật liệu khác đã làm tăng giá thành xây dựng, ảnh hưởng đến kế hoạch bán hàng. Dự báo đến quý III và quý IV/2021, việc tăng giá trên sẽ tác động vào giá bán các sản phẩm bất động sản.

Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình nói: “Lo lắng lắm! Nhưng bây giờ chúng tôi ở thế khó, không biết làm gì ngoài việc cố gắng kiểm soát rủi ro nhất có thể”.

covid 19 gia thep va giai phap cua doanh nghiep o hai chieu cung cau
Thông báo điều chỉnh tăng giá thép gửi tới khách hàng

Vị này cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh này, dù tính toán, có dự phòng trượt giá, nhiều khi “không ăn thua”. “Nói chung làm ăn phải chấp nhận rủi ro”, ông Hải chia sẻ và cho rằng lời lỗ do thị trường quyết. Song đại diện nhà thầu lớn nhất Việt Nam vẫn hy vọng giá thép sẽ sớm quay đầu giảm, bớt gánh nặng cho ngành xây dựng.

Trượt thầu thì đói, trúng thầu thì lo
“Chỉ trong 5 – 6 tháng mà giá thép tăng tới 40 – 60%, như vậy không nhà thầu nào chịu nổi nếu đã ký hợp đồng từ trước, cầm chắc thua lỗ. Không những vậy, giá thép vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại nên ngành xây dựng rơi vào khủng hoảng. Các nhà thầu như chúng tôi không dám bỏ giá thầu vì bỏ giá cao thì thua chắc còn bỏ giá thấp thì nguy cơ thua lỗ.Bản thân các nhà cung cấp thép cho chúng tôi cũng yêu cầu đặt cọc ngay mới chốt giá vì họ cũng không thể biết các nhà máy sản xuất thép sẽ tăng giá lúc nào trong thời gian tới”, ông Hoàng phân tích.

Vừa nhận được thông tin tăng giá lần thứ 10 của một doanh nghiệp thép tại phía Nam, ông Vũ Huy Hoàng – Tổng Giám đốc CTCP Kỹ thuật Xây dựng Hải Âu (HACO) than thở với việc tăng giá liên tục như thời gian qua, các nhà thầu xây dựng không dám ký hợp đồng mới.

Trong khi đó, những hợp đồng đã ký trước đó đang rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng vì giá thép và vật liệu xây dựng tăng đột biến tới 40 – 50% so với cuối năm 2020.

Theo các nhà thầu xây dựng, với nhà dân dụng, thép cây tròn chiếm khoảng 10 – 20% giá trị; với nhà xưởng sắt thép chiếm tới 25 – 30%. Như vậy chỉ riêng thép, nhà thầu đã lỗ khoảng 15 – 20% so với giá trúng thầu. Nhà dân dụng thì chi phí tăng 15 – 20% trong khi nhà xưởng tăng cao hơn nữa.

Theo đó, với giá tăng như thời gian qua thì rất nhiều công ty xây dựng rơi vào khủng hoảng, thậm chí sụp đổ.

Như vậy có thể thấy, việc hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhóm doanh nghiệp xây dựng vốn đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các đợt giãn cách vì dịch COVID-19 năm 2020, sang năm 2021 lại tiếp tục gặp khó trong bối cảnh giá thép nói riêng (giá nguyên vật liệu xây dựng nói chung) không ngừng tăng cao trong khi dịch bệnh vẫn chưa có hồi kết.

Giải pháp tìm nguyên liệu thay thế trong nước

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép trong nước dự kiến tăng đến hết quý III/2021 do thị trường trong nước đang khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và Ấn Độ… Trước tình hình này, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu thép, có biện pháp kiểm soát để giảm tác động tăng giá thép tới sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đã rà soát và xây dựng các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Chia sẻ giải pháp về “giảm nhiệt” giá thép, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, việc giá thép tăng đang khiến cả chủ đầu tư và nhà thầu, người tiêu dùng chịu thiệt. Để “giảm nhiệt” giá thép cần sự can thiệp, điều tiết quản lý giá của Nhà nước bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu tạo ra nguồn nguyên liệu khác thay thế các vật liệu nguyên liệu nhập khẩu. Khi xây nhà, các nhà thầu nên chọn các nguyên vật liệu theo hướng vật liệu xanh, vật liệu trong nước để giảm chi phí và giảm phụ thuộc vào các vật liệu nhập khẩu…

Trong khi chờ các cơ quan Nhà nước tìm ra những giải pháp cụ thể để hạ nhiệt giá thép, nhiều nhà thầu xây dựng và người dân tại TP. HCM cũng đã chọn giải pháp dừng dự án mới.

Theo đại diện Phú Đông Group (doanh nghiệp vừa phát triển dự án, vừa là đơn vị thi công), nguyên tắc khi ký hợp đồng xây dựng, các nhà thầu thường đưa ra điều kiện trong trường hợp giá nguyên vật liệu biến đổi không quá 3% thì nhà thầu và chủ đầu tư sẽ không có trách nhiệm điều chỉnh chi phí xây dựng. Trong trường hợp mức giá biến đổi quá 3%, hai bên sẽ chia sẻ đều 50 – 50, hoặc tự thỏa thuận phần giá vượt mức đã thống nhất.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa cho biết, nếu giá thép tăng trong giai đoạn ngắn thì nhà thầu sẽ là người chịu hậu quả bởi họ đã kí xong hết các hợp đồng cọc từ trước đó. Tuy nhiên, giá thép tăng mạnh và tăng trong thời gian dài thì chủ đầu tư cần chia sẻ rủi ro với nhà thầu. Nếu chủ đầu chia sẻ với nhà thầu thì chủ đầu tư sẽ phải tính toán lại giá bán căn hộ. Tuy nhiên, việc tăng giá đối với các căn hộ đã xây dựng từ đầu năm tới nay là hoàn toàn không khả thi bởi chủ đầu tư đã chào bán căn hộ từ trước. Vì vậy, chủ đầu tư sẽ chọn điều chỉnh mặt bằng giá bán các căn hộ mới và khi đó người tiêu dùng phải chịu thiệt.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Theo Yến Thanh/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/covid-19-gia-thep-va-giai-phap-cua-doanh-nghiep-o-hai-chieu-cung-cau-95451.html