QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dấu hiệu khó khăn, tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng chậm lại

Có nhiều thách thức đối với ngành ngân hàng khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhiều nhà băng trong năm 2023 được dự báo sẽ chậm lại đáng kể.

Lợi nhuận phân hóa giữa các ngân hàng

Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý I/2023 của 10 ngân hàng niêm yết. Trong đó, có 8 ngân hàng dự kiến có lợi nhuận tăng trưởng, còn 2 ngân hàng dự kiến sẽ có lợi nhuận suy giảm.

Theo dự báo của SSI Research, quý I/2023, lợi nhuận của nhóm ngân hàng quốc doanh tiếp tục tăng trưởng nhưng giảm tốc so với năm ngoái.

Dẫn đầu lợi nhuận ngành ngân hàng quý I/2023 vẫn là Vietcombank với lợi nhuận trước thuế quý I dự kiến đạt 10.500 – 11.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả năm 2023, lợi nhuận ròng của Vietcombank ước tăng 19,5%, giảm so với mức tăng 36,4% năm ngoái.

Còn đứng đầu về mức độ tăng trưởng quý I trong nhóm big 4 dự đoán là BIDV. Theo dự đoán của SSI, quý I/2023, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng khoảng 32-39% so với cùng kỳ. Cả năm, tăng trưởng lợi nhuận của BIDV dự kiến cũng chỉ ngang bằng với Vietcombank ở mức 19,2%, giảm mạnh với mức tăng gần 70% năm 2022.

Lợi nhuận trước thuế của “ông lớn” VietinBank dự kiến đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Cả năm, lợi nhuận VietinBank ước tăng khoảng 15%, giảm so với mức tăng 19,4% năm 2022.

Nhóm ngân hàng tư nhân được SSI Research dự đoán tăng trưởng lợi nhuận trước thuế phổ biến ở mức 10-20% trong quý I/2023. 

Đáng chú ý, Sacombank được dự đoán tăng trưởng lợi nhuận quý I có thể lên tới 70% xuất phát từ nền thấp cùng kỳ năm ngoái. Cả năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này có thể tăng khoảng 65,4%, cao hơn mức tăng hơn 44,1% năm trước.

Nhưng xét về giá trị thì MB là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, ước khoảng 6.500-7.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 10-18% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước cả năm, lợi nhuận ngân hàng này tăng khoảng 14,1%, bằng một nửa tốc độ tăng trưởng năm trước.

ACB là ngân hàng có mức độ tăng trưởng ổn định quý I/2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 4.800-5.000 tỷ đồng, tăng 16,7-21,6%. Cả năm, lợi nhuận ròng của ngân hàng này ước tăng 19,1% so với mức tăng 42,5% năm ngoái.

HDBank được dự báo có mức độ tăng trưởng khá tốt 20-25% lợi nhuận trước thuế quý I/2023. Ước lợi nhuận ròng của ngân hàng tăng khoảng 16,3% so với mức 27,2% cùng kỳ năm 2022.

VIB dự kiến đạt 2.500-2.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2023, đạt 22% kế hoạch. Tăng trưởng lợi nhuận ròng cả năm ước đạt 13,4%, chậm hơn nhiều so với mức 32,1% năm trước.

Tuy nhiên, có 2 ngân hàng bị SSI dự báo tăng trưởng âm trong quý I năm nay là MSB và Techcombank. Ước tính, lợi nhuận trước thuế của MSB chỉ đạt khoảng 1.300-1.500 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận cả năm chỉ tăng 9,1%, giảm khá nhiều so với mức tăng 14,4% năm trước.

Tương tự, Techcombank cũng được dự báo có kết quả lợi nhuận kém tích cực quý I năm nay do NIM giảm và chi phí tín dụng cao hơn dự kiến. Lợi nhuận trước thuế quý I/2023 của Techcombank dự báo giảm và lợi nhuận cả năm giảm khoảng 7,9%. Theo tài liệu ĐHĐCĐ năm 2023, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi 14% so với năm ngoái.

Vụ Dự báo, Thống kê Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý II/2023. Theo đó, các TCTD đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.

Đánh giá triển vọng cả năm 2023, có 88,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, vẫn có 5,7% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 5,7% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Ngân hàng thận trọng với kế hoạch lợi nhuận

Các ngân hàng thương mại (NHTM) đang bước vào mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Nhiều NHTM tỏ ra thận trọng khi xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay thấp hơn nhiều so với mức bình quân toàn ngành đạt được năm trước.

Đơn cử, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận được Vietcombank xác định tối thiểu 12%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 39% năm 2022.

Các cổ đông NamABank đã chốt thông qua chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay 2.400 tỷ đồng, chỉ tăng 5-6% trong khi năm trước tăng 26,1%.

Hay VIB cũng được cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng 15,3%, chỉ bằng một nửa so với mức tăng trưởng đạt được năm ngoái (31%).

Tương tự, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản năm nay chỉ tăng khoảng 10%; chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận 17,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng hơn 40% năm 2022.

Trong khi đó, Eximbank đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay khá cao với 34,5% nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với mức đột biến 207,2% của năm trước.

Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng khá thận trọng với mức tăng trưởng trong khoảng 7-15%.

Có nhiều vấn đề đáng lưu tâm đối với ngành ngân hàng năm 2023, khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành này được dự báo sẽ chậm lại đáng kể.

Công ty Chứng khoán VNDirect cũng chỉ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ đạt 10-11% trong năm 2023-2024 so với mức 33% năm 2022. Bởi năm 2023, khi chi phí vốn của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh khiến NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng cũng sẽ thu hẹp.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, năm 2023 chi phí vốn tăng nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến NIM các ngân hàng có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới.

Trong khi đó, phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2023 có thể đạt 13,7%, bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2021 (28%) và cao hơn giai đoạn 2014-2015 (11,3%). Trong kịch bản tiêu cực, các ngân hàng này có thể chỉ tăng khoảng 10% trong năm nay.

Những khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành ngân hàng 2023 được các chuyên gia chỉ ra là: NIM thu hẹp, chính sách tiền tệ bị thắt chặt và tăng trưởng tín dụng chậm lại, trong khi các TCTD phải đối mặt với những lo ngại về chất lượng tài sản.

Bên cạnh đó, áp lực về đẩy mạnh cho vay do thị trường bất động sản hiện chiếm khoảng 20% tổng tín dụng đang gặp khó do thanh khoản thị trường bế tắc. Cùng với đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đang tăng lên do nhiều khoản cho vay bất động sản có thể trở thành nợ xấu nếu tín dụng vào lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt.

Ngoài ra, một số dịch vụ vốn mang lại nguồn thu lớn cho ngành ngân hàng các năm trước, năm nay sẽ giảm tốc như phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, hoạt động trái phiếu chậm lại…

Tuy ngành ngân hàng đang đối diện với nhiều thách thức nhưng vẫn là một trong các nhóm ngành triển vọng nhất năm 2023.

Theo Minh Dũng/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/dau-hieu-kho-khan-tang-truong-loi-nhuan-nganh-ngan-hang-cham-lai-20180504224282979.htm