QC 1
Thứ 3, ngày 30/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Dệt may Thành Công (TCM) chỉ thực hiện được 55% mục tiêu lợi nhuận năm 2023

Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, HoSE: TCM) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023.

Theo đó, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu thuần đạt 814,6 tỷ đồng, giảm 13% so vời cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng ở mức 685,2 tỷ đồng, giảm gần 13% so vời cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 129,3 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong kỳ, chí phí tài chính, chí phí bán hàng đều giảm xuống 22,8 tỷ đồng và 42,3 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ lần lượt là 41%; 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 41,2 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ 20,4% so vời cùng kỳ.

Khấu trừ chi phí, Dệt may Thành Công báo lãi sau thuế 22,4 tỷ đồng, giảm 62% so vời cùng kỳ năm ngoái.

Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu thuần đạt 814,6 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022

Luỹ kế 2023, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.325 tỷ đồng, giảm 23% và lợi nhuận sau thuế 134 tỷ đồng, giảm 52,4% so vời cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, Dệt may Thành Công đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm lần lượt là 3.927 tỷ đồng và 245 tỷ đồng. Như vậy Công ty chỉ mới hoàn thành được 85% kế hoạch doanh thu và 55% kế hoạch lợi nhuận năm.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản của công ty tại cuối tháng 12 đạt 3.279 tỷ đồng. Đáng chú ý đó là công ty đang giữ 434,9 tỷ đồng tiền mặt cùng các khoản tương đương tiền, chỉ tiêu tài chính này dù có tăng 3% so với đầu năm nhưng vẫn là con số đáng kể. Hàng tồn kho đang ở mức 1.052 tỷ đồng, giảm 12% so với hồi đầu năm.

Về cơ cấu nguồn vốn, Dệt may Thành Công đang có 1.269 tỷ đồng nợ phải trả. Trong đó phần lớn là nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn, chiếm tới 632,4 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh TP. Hồ Chí Minh 415,1 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Hóc Môn 61,7 tỷ đồng; Ngân hàng Công thương Việt Nam 106,5 tỷ đồng; vay đến hạn trả 24 tỷ đồng; nợ thuê tài chính đến hạn trả 3,1 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ vay dài hạn của công ty đã giảm hơn so với đầu năm, chỉ còn 48 tỷ đồng.

Trong năm 2023, trước tình hình kinh tế có nhiều biến động, ghi nhận từ doanh thu của Dệt may Thành Công cũng cho thấy sự giảm sút. Ngoài ra, Công ty cũng vừa thay đổi một loạt nhân sự cấp cao. Cụ thể, Công ty đã vừa bổ nhiệm ông Lee Hyoung Kyu giữ chức Giám đốc chiến lược kiêm Người đại diện phần vốn góp của Công ty TNHH TC Tower từ ngày 19/6/2023. Đồng thời công ty cũng bổ nhiệm ông Han Kwang Taek giữ chức Giám đốc Sáng tạo kiêm Người đại diện vốn góp của Công ty TNHH TC Commerce từ ngày 19/6/2023. Hai nhân sự cũ là ông Choi Haeoi và bà Huỳnh Thị Thu Sa nay không còn đại diện phần vốn góp của TC Tower và TC Commerce tại Dệt may Thành Công.

Một điểm đáng chú ý trong năm 2023 đó là Dệt May Thành Công dự định dừng thi công mở rộng nhà máy với quy mô 1.500 công nhân, vốn đầu tư 190 tỷ đồng tại Vĩnh Long. Theo lãnh đạo của công ty chia sẻ từng thuê mảnh đất này với giá 26 USD/m2 và hiện tại giá chuyển nhượng thị trường la 80-85 USD/m2. Như vậy, nếu chuyển nhượng phần đất còn lại của dự án, công ty sẽ có nguồn vốn dùng để M&A một nhà máy khác.

Dự án nhà máy may 2 tại khu công nghiệp Hoà Phú, tỉnh Vĩnh Long có diện tích 3,2 ha đã được Dệt may Thành Công khởi công xây dựng từ tháng 5 năm 2021 với vốn đầu tư ban đầu khoảng 12 triệu USD (chưa bao gồm chi phí thuê đất).

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, mặc dù ngành dệt may Việt Nam đang dần có những tín hiệu phục hồi tích cực nhưng môi trường kinh doanh năm 2024 vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức chủ yếu đến từ những bất ổn vĩ mô trên thế giới, khiến nhu cầu dệt may toàn cầu khó có thể khởi sắc nhanh chóng trở lại.

Theo hãng chứng khoán Mirae Asset Vietnam (MASVN), tính đến cuối quý 3/2023, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu của các thương hiệu lớn như Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma duy trì ở mức thấp, trong khi doanh số bán hàng có dấu hiệu tăng trong bối cảnh cao điểm mua sắm mùa lễ hội đang đến gần. Những tín hiệu tích cực về doanh số bán hàng có thể dẫn đến số lượng đơn đặt hàng tăng lên trong năm 2024.

Cùng có quan điểm lạc quan thận trọng như trên, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, mã cổ phiếu VGT) nhận định, tổng thể thị trường 2024 có nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn 2023, tuy nhiên mức độ cải thiện nhỏ, tổng cầu 2024 dự kiến vẫn thấp hơn năm 2022 từ 5 – 7%.

Theo Tiểu Vy/Kinh tế Chứng Khoán