QC 1
Thứ 3, ngày 30/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

‘Điểm mù’ của EU ở châu Phi

Châu Phi đối mặt với nhiều năm bất ổn có nguy cơ làm chệch hướng các nỗ lực của EU và cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết vấn đề bạo lực thánh chiến.

Các cuộc đảo chính mới nhất ở châu Phi đã phơi bày một số sự thật khó chịu: Châu lục này đang ngày càng bất ổn và EU không những không thể hoặc không sẵn sàng giúp đỡ – mà thậm chí có lẽ còn không đánh giá đầy đủ về tình hình thực tế.

Châu Phi hiện đã chứng kiến ​​33 cuộc đảo chính quân sự trong 33 năm. Và ít nhất 45 trong số 54 quốc gia trên khắp lục địa châu Phi đã trải qua ít nhất một cuộc đảo chính kể từ năm 1950, như dữ liệu phân tích chỉ ra.

Một số cuộc đảo chính được cho là đã có dấu hiệu rõ ràng trước khi xảy ra. Tuy nhiên, phương Tây dường như luôn bị bất ngờ trước một lục địa mà các quan chức EU gọi là châu lục “đối tác” hay “anh em”.

Sự kiện mới nhất là ở Gabon, nơi một nhóm sĩ quan quân đội cấp cao xuất hiện trên truyền hình quốc gia ngày 30/8 và cho biết họ đã nắm quyền sau khi cơ quan bầu cử bang thông báo rằng Tổng thống Ali Bongo đã giành được nhiệm kỳ thứ 3.

Đáng lẽ điều này không phải là một bất ngờ lớn. Gia đình ông Bongo đã giữ chức tổng thống trong hơn 55 năm và cuộc bầu cử vào cuối tuần trước, giống như những cuộc bầu cử vào năm 2019, đã diễn ra rất nhanh chóng, mặc dù bị nhiều người cho là gian lận. Một âm mưu đảo chính vào đầu năm 2019 cũng đã bị thất bại.

Một yếu tố khác có thể là những cuộc đảo chính gần đây ở Niger và Burkina Faso đã khuyến khích quân đội Gabon nghĩ rằng họ có thể thành công.

Hiện vẫn còn phải xem liệu “hiệu ứng domino” có tiếp tục và có khiến Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) lo ngại và từ bỏ khả năng can thiệp vào Niger hay không.

Cameroon và Congo, những quốc gia láng giềng mà phương Tây coi là có các tổng thống nắm quyền lâu năm, với những dấu hiệu gian lận bầu cử trong nhiều thập kỷ và vấn đề tham nhũng nổi lên có nguy cơ là “những quân domino” tiếp theo.

Dù bất kỳ kịch bản nào, châu Phi rõ ràng phải đối mặt với nhiều năm bất ổn trên toàn khu vực và điều đó có nguy cơ làm chệch hướng các nỗ lực của EU và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn nhằm giải quyết vấn đề bạo lực thánh chiến.

Điều đó thậm chí còn có tác động lớn hơn đối với chiến lược kiểm soát di cư của EU ở Bắc và châu Phi cận Sahara.

Việc các cuộc đảo chính dễ xảy ra và thành công cũng là một dấu hiệu cho thấy sự hạn chế của châu Âu. 20 năm trước, Pháp đã có khả năng can dự. Tuy nhiên, giờ đây, tình cảm chống Pháp quá mạnh ở Sahel và Tây Phi đến nỗi Paris bất lực.

Điều này và sự hỗn loạn trong khu vực tạo cơ hội cho tập đoàn quân sự tư nhân Wagner (Nga) xâm nhập.

Các nhóm cực đoan có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo và al-Qaida đã lan rộng ở khu vực Sahel, đặc biệt là ở Mali, Niger và Burkina Faso trong những năm gần đây, khiến khu vực này ngày càng bất ổn.

Phát biểu với báo giới ở ở Toledo, Tây Ban Nha, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell nói: “Toàn bộ khu vực – bắt đầu từ CH Trung Phi, sau đó là Mali, rồi Burkina Faso, bây giờ là Niger, có thể là Gabon – đang ở trong tình thế rất phức tạp”.

Đối với châu Âu, đó là một vấn đề lớn, ông Borrel lưu ý.

Trong khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU đang nỗ lực đánh giá tình hình và tìm ra giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng ở Tây Phi và khu vực Sahel rộng lớn hơn, thì có một câu hỏi lớn hiện ra: Tại sao EU có quá ít đánh giá về tình hình ở đây (và cả ở các khu vực khác)?

“La bàn Chiến lược” của EU, chiến lược quân sự đầu tiên của khối, nhằm khắc phục điều này bằng cách đưa ra “đánh giá mối đe dọa chung và cam kết hành động chung”, với các xu hướng an ninh ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Năm ngoái, ông Borrell đã gây tranh cãi khi công khai chỉ trích các đại sứ của EU không phát triển được các mối liên kết chính trị và mạng lưới tình báo.

Cơ quan Đối ngoại của EU (EEAS) là một tổ chức non trẻ vốn vẫn đang tìm được chỗ đứng ở nhiều nước. Nhưng sự thật là EU chắc chắn sẽ phải dựa vào thông tin tình báo của các quốc gia thành viên nếu không có cơ quan tình báo của riêng mình.

Thật không may, khó tránh khỏi kết luận rằng, về mặt ngoại giao và tình báo, “người mù đang dẫn dắt người mù” trong trường hợp này.

Theo Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/diem-mu-cua-eu-o-chau-phi-post137964.html