QC 1
Thứ 6, ngày 17/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Doanh nghiệp ngại lên sàn chứng khoán, vì sao?

Lý giải về thực trạng doanh nghiệp ngại lên sàn chứng khoán, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH), cho rằng nguyên nhân quan trọng có thể đến từ thị trường chứng khoán hiện tại, nơi đang có quá nhiều bất cập, tính thiếu minh bạch, tình trạng làm giá thị trường, dẫn đến niềm tin của nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

TS. Nguyễn Hữu Huân

Năm 2022 ghi nhận khoảng 54 mã cổ phiếu mới được bổ sung trên cả 3 sàn giao dịch. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp rời sàn cao vượt trội so với số lên sàn khiến tổng doanh nghiệp đăng ký trên 3 sàn giảm hơn 40 đơn vị so với năm 2021. Thậm chí, trong nửa đầu năm 2023, sàn HoSE có duy nhất 1 mã cổ phiếu mới niêm yết là PVP, nhưng là chuyển từ UPCoM sang.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance về vấn đề doanh nghiệp ngại lên sàn chứng khoán, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng: “Dường như lợi ích mang về chưa thực sự lớn so với chi phí cũng như các bất cập hiện nay của thị trường chứng khoán mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt khi tiến hành niêm yết

– Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp dường như đang ngại lên sàn chứng khoán. Theo quan sát của ông, điều này có đúng?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Thủ tục và quy trình lên sàn chứng khoán hiện nay khá nhiêu khê, chi phí lên sàn cũng khá lớn. Để 1 doanh nghiệp có thể niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung cần phải tiến hành IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và sau một thời gian hội đủ các điều kiện thì mới được nộp đơn để niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán TP. HCM hay Hà Nội.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại toàn bộ quy trình vận hành sao cho chuyên nghiệp và minh bạch để đảm bảo các yêu cầu khắt khe của một doanh nghiệp niêm yết. Song song đó là thuê các tổ chức tư vấn và bảo lãnh phát hành chứng khoán. Doanh nghiệp lớn đủ điều kiện niêm yết ở Việt Nam đa số là từ các doanh nghiệp gia đình phát triển lên, nên để tái cấu trúc theo mô hình chuyên nghiệp thì thật sự họ không mặn mà. Cùng với đó, việc có thêm cổ đông tham gia có thể làm giảm quyền chi phối công ty. Nên nếu không thật sự có nhu cầu về huy động vốn hoặc bán một phần vốn công ty thì họ cũng không thực sự thiết tha để thực hiện các thủ tục niêm yết.

Với các doanh nghiệp nhà nước thực hiện việc cổ phần hóa, hiện nay tiến trình này cũng đang diễn ra khá chậm vì quy trình thoái vốn của doanh nghiệp cũng khá nhiêu khê và có những rủi ro nhất định cho các nhà lãnh đạo. Việc doanh nghiệp trở nên minh bạch hơn nhiều khi không phải là ý chí của ban lãnh đạo, nếu lợi ích của ban lãnh đạo và chủ sở hữu công ty (nhà nước) trái ngược nhau. Do đó các doanh nghiệp hiện nay rất ngại niêm yết trên các sàn chứng khoán.

Ngoài ra, việc niêm yết trên sàn cũng có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp nếu như việc quản trị hình ảnh không tốt hoặc nếu như giá cổ phiếu trên thị trường sụt giảm quá mạnh vì các lý do khách quan.

– Không đưa doanh nghiệp lên sàn chứng khoán dù đã đủ điều kiện có lợi và hại gì, thưa ông?

Mặt lợi là các chủ doanh nghiệp hoặc ban lãnh đạo doanh nghiệp vẫn có thể hoạt động theo ý chí của mình, cũng như không phải bị ràng buộc bởi các quy định về công bố thông tin, điều mà có thể gây ra những rủi ro cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực cần bí mật kinh doanh và hạn chế công bố thông tin như ngành công nghệ thông tin.

Mặt hại là doanh nghiệp sẽ khó để vươn tầm trở thành các doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả và minh bạch. Và sẽ khó thu hút được nguồn vốn bên ngoài để tiếp tục phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cũng như sẽ khó để vươn ra các thị trường lớn trên thế giới, nơi đòi hỏi các doanh nghiệp phải hoạt động một cách thật sự chuyên nghiệp và hiệu quả.

– Có ý kiến cho rằng môi trường kinh doanh còn tồn tại nhiều bất ổn, hay nói cách khác, doanh nghiệp đang ngại lớn lên cũng là lý do doanh nghiệp Việt ngại lên sàn chứng khoán, ông đánh giá như thế nào về điều này?

Đây cũng là một trong những nguyên nhân nhưng không phải chủ đạo, việc môi trường kinh doanh hiện nay ở Việt Nam còn khá sơ khai, chưa có sự phát triển một cách chuyên nghiệp và thiếu một hệ sinh thái hỗ trợ phát triển doanh nghiệp toàn diện, đặc biệt là vấn đề huy động vốn, cũng là một rào cản khiến cho các doanh nghiệp chưa mặn mà lên sàn.

Nhưng theo tôi nguyên nhân lớn hơn có thể đến từ thị trường chứng khoán hiện tại, nơi mà có quá nhiều sự bất cập, tính thiếu minh bạch, tình trạng làm giá cổ phiếu hay các vấn đề về quản lý các thị trường chứng khoán tập trung chưa được hoàn thiện, dẫn đến niềm tin của nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng và khiến cho doanh nghiệp cũng đắn đo khi niêm yết, vì dường như lợi ích mang về chưa thực sự lớn so với chi phí cũng như các bất cập hiện nay của thị trường mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt khi tiến hành niêm yết.

– Với những vấn đề nêu trên, ông có khuyến nghị như thế nào để doanh nghiệp không còn ngại lên sàn chứng khoán?

Nếu như tôi là một chủ doanh nghiệp thì tôi cũng sẽ phải đặt lên bàn cân về các lợi ích và chi phí khi tiến hành niêm yết. Nếu như chi phí và thiệt hại nhiều hơn so với lợi ích có thể thu về thì chắc chắn tôi cũng sẽ không có động cơ để niêm yết công ty của mình.

Chính vì thế, để có thể thu hút được doanh nghiệp niêm yết thì cần phải tái cấu trúc lại toàn bộ thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch, thủ tục đơn giản, tinh gọn, và giảm bớt các chi phí phát hành, niêm yết, cũng như ứng dụng công nghệ để quy trình niêm yết trở nên tinh gọn và dễ dàng hơn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, cũng nên xây dựng một sân chơi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đó là bộ phận đông đảo nhất ở Việt Nam hiện nay, có thể phát triển thị trường UPCoM theo hướng này để nó trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn hữu hiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm giảm áp lực cho kênh ngân hàng. Khi thị trường đủ sức hấp dẫn thì các doanh nghiệp họ cũng sẽ không ngần ngại để tham gia thị trường nhằm tìm kiếm lợi ích.

Bên cạnh đó, các doanh nhân cũng cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu về thị trường chứng khoán để thực sự hiểu rõ về thị trường và cân nhắc những lợi ích dài hạn mà thị trường chứng khoán có thể mang lại cho doanh nghiệp. Đó cũng là thông lệ quốc tế và hướng đi mà các doanh nghiệp lớn phải làm để có thể vươn tầm sánh vai cùng các doanh nghiệp lớn của thế giới.

Theo Huyền Trang/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/doanh-nghiep-ngai-len-san-chung-khoan-vi-sao-20180504224288278.htm