QC 1
Chủ nhật, ngày 12/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Giá thép hôm nay 8/9/2021: Chấm dứt đà tăng, thép thanh quay đầu giảm

Ghi nhận vào lúc 9h20 ngày 8/9 (theo giờ Việt Nam), giá thép hôm nay giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 46 nhân dân tệ xuống mức 5.458 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát.

Ngành công nghiệp quặng sắt Ấn Độ đang trong tình trạng tốt khi chứng kiến kết quả đầy ấn tượng của nhà sản xuất quặng lớn nhất nước – NMDC, trong quý đầu tiên của năm tài chính 2021 – 2022.

Cụ thể, trong thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2021, công ty này đã nâng sản lượng quặng sắt lên 8,91 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, doanh thu cũng tăng vọt 51% lên 9,45 triệu tấn.

Song, điều thực sự khiến NMDC có thể ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 499% lên 3.193 rupee crore, từ mức 533 rupee crore trong cùng kỳ năm ngoái, là nhờ giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao đáng kể.

Giá thép hôm nay chấm dứt đà tăng trên sàn Thượng Hải (Ảnh minh họa)

Theo ghi nhận, loại quặng sắt chuẩn với hàm lượng 62% Fe trên thị trường thế giới đã đạt mức giá kỷ lục là 231 USD/tấn vào ngày 12/5. Và giá quặng của Ấn Độ đã lấy tín hiệu từ tỷ giá giao dịch toàn cầu.

Đồng thời, phần lớn sản lượng quặng của Ấn Độ được sử dụng trong nước, do đó nhu cầu từ các nhà sản xuất thép nội địa cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá cả.

Điển hình như, trong giai đoạn 2020 – 2021, sản lượng quặng sắt của quốc gia này là 203,92 triệu tấn, trong đó có 57,22 triệu tấn được xuất khẩu và phần còn lại được chế biến trong nước hoặc làm hàng tồn kho.

Mặc dù vậy, giá thế giới hiện đã giảm khoảng 40% so với mức cao nhất của tháng 5 do một số yếu tố, nổi bật là việc Trung Quốc chủ trương hạn chế sản lượng thép được sản xuất trong nửa cuối năm nay.

Ông Sumit Deb, Chủ tịch NMDC, đặt niềm tin vào việc các công ty thép Ấn Độ sẽ vẫn tiếp tục hoạt động tốt. Hiện tại, các chương trình mở rộng của họ đều hướng đến mục tiêu tăng nhu cầu tiêu thụ quặng sắt.

Trái chiều giá thép xây dựng trong nước

Đầu tháng 9/2021, trong khi một số doanh nghiệp thông báo tăng giá thép lên mức 16.010 đồng/kg – 16.260 đồng/kg đối với thép cuộn và từ 16.060 đồng/kg – 16.440 đồng/kg đối với thép cây, ngược lại một số doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá xuống 16.060 đồng/kg – 16.190 đồng/kg và 16.260 đồng/kg với sản phẩm thép tương tự…

Như vậy, sau khi đồng loạt giảm giá vào thời điểm giữa tháng 8/2021, đến đầu tháng 9/2021, giá thép của các doanh nghiệp đã có sự tăng, giảm trái chiều.

Tính đến ngày 6/9/2021 so với thời điểm ngày 31/8/2021, thép Hòa Phát, Việt Mỹ tăng từ 20 đồng/kg – 170 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và từ 20 đồng/kg -70 đồng/kg đối với thép cây D10 CB300.

Ngược lại, thép Việt Ý, Việt Sing, Tung Ho lại giảm từ 60 đồng/kg – 150 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và 60 đồng/kg với thép D10 CB300.

Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại miền Bắc tăng 70 đồng/kg, hiện ở mức 16.160 đồng/kg; thép cây D10 CB300 tăng 20 đồng/kg, lên mức 16.310 đồng/kg. Tại miền Trung và miền Nam, giá thép cuộn CB240 tăng 170 đồng/kg, lên mức 16.260 đồng/kg; thép cây D10 CB300 tăng 70 đồng/kg, hiện ở mức 16.360 đồng/kg.

Với thép thương hiệu Việt Mỹ, thép cuộn CB240 và thép cây D10 CB300 cùng tăng 20 đồng/kg, hiện ở mức 16.010 đồng/kg và 16.060 đồng/kg.

Thương hiệu thép Việt Ý, thép cuộn CB240 giảm 60 đồng/kg, hiện ở mức 16.060 đồng/kg; thép cây D10 CB300 giảm 60 đồng/kg, xuống còn 16.260 đồng/kg.

Thương hiệu thép Việt Nhật, hiện giá thép cuộn CB240 ở mức 17.100 đồng/kg; thép cây D10 CB300 tăng 50 đồng/kg, lên mức 16.290 đồng/kg.

Đối với thương hiệu thép Tung Ho, trong khi giá thép cuộn CB240 giảm 100 đồng/kg, xuống còn 16.090 đồng/kg, thì thép cây D10 CB300 lại tăng 50 đồng/kg, lên mức 16.240 đồng/kg.

Tương tự, thương hiệu thép Việt Sing, giảm 150 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, xuống mức 16.190 đồng/kg, trong khi đó thép cây D10 CB300 tăng 50 đồng/kg, lên mức 16.440 đồng/kg.

VCCI: Tăng thuế xuất khẩu phôi thép sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất

Trước các ý kiến đóng góp của Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thép, Bộ Tài chính cho biết đang rà soát để có mức thuế suất phù hợp đối với mặt hàng phôi thép.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020 về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo đó, VCCI cho rằng việc đặt vấn đề tăng thuế xuất khẩu phôi thép như trong dự thảo nghị định sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất phôi thép do dư thừa công năng, làm gia tăng hàng tồn kho.

Lý giải nguyên nhân tác động làm tăng giá phôi thép thời gian qua, Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép cho rằng giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới tăng cao và sản xuất phôi thép trong nước phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là quặng sắt và thép phế liệu (trên 90% quặng để sản xuất phôi trong nước hiện nay là từ nhập khẩu).

Theo đó, các bên nêu trên nhấn mạnh nguồn cung phôi thép sản xuất trong nước đang dư nên việc tăng thuế xuất khẩu phôi thép cũng chưa hẳn sẽ góp phần làm giảm giá thành thép thành phẩm. Vì vậy, để thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững, hạn chế việc khai thác nguồn điện giá rẻ để sản xuất phôi thép cần phải có các giải pháp tổng thể khác.

Theo Linh Linh/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn:https://kinhtechungkhoan.vn/gia-thep-hom-nay-892021-cham-dut-da-tang-thep-thanh-quay-dau-giam-101860.html