QC 1
Thứ 6, ngày 03/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Hạ tầng đang cản bước tăng tưởng vốn FDI tại Việt Nam?

Ước tính trong 9 tháng, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được 397 dự án đầu tư nước ngoài (dự án FDI) với số vốn đăng ký đạt 10,1 tỷ USD. Đó là số liệu vừa được Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố…

Theo Vụ Quản lý khu kinh tế, với 397 dự án đầu tư nước ngoài tăng thêm trong 9 tháng, tổng số dự án vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã đạt 8.970 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 187,4 tỷ USD; các dự án đầu tư trong nước, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đã thu hút được 388 dự án với tổng vốn đăng ký mới đạt 96.900 tỷ đồng. Lũy kế nâng tổng số dự án đầu tư trong nước lên hơn 9.140 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 2.074.500 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9, có gần 3,7 triệu lao động đang làm việc tại các KCN, KKT trong đó số lao động nữ chiếm khoảng 60%.

Hiện có 327 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt xấp xỉ 96,1 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65.700 ha, chiếm khoảng 68,4%.

Trong 327 KCN được thành lập, có 256 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 67.600 ha và 71 KCN đang xây dựng với tổng diện tích khoảng 28.500 ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đang hoạt động đạt gần 75%.

Hiện có 17 KKT ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước hơn 845 nghìn ha. Ngoài ra, KKT Ninh Cơ (tỉnh Nam Định) nằm trong quy hoạch phát triển các KKT nhưng chưa được thành lập.

Lũy kế đến tháng 9, có 35 KCN nằm trong KKT với tổng diện tích khoảng 14 nghìn ha. Trong đó, 20 KCN đang hoạt động với tổng diện tích khoảng 7.800 ha và 15 KCN đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích khoảng 5.800 ha.

Dự kiến đến hết tháng 9, có 224/256 KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 87,5%).

Bài toán hạ tầng

Với việc vốn nước ngoài không ngừng gia tăng tại Việt Nam, có thể thấy, những mặt tích cực mà Việt Nam đang hưởng lợi từ thương chiến Mỹ – Trung là khá rõ nét. Tuy nhiên, phía sau câu chuyện vốn FDI đổ về Việt Nam còn là những điểm hạn chế cần nhanh chóng khắc phục.

Mới đây, Bloomberg vừa đưa ra cảnh báo về hạ tầng của Việt Nam trước làn sóng FDI dồn dập trong thời gian qua. Theo đó, bình luận về câu chuyện FDI chảy vào Việt Nam sẽ như thế nào đến cơ sở hạ tầng, ông Dương Trí Thành nói rằng, hạ tầng tại Việt Nam đang đi chậm. 

“Trước khi Intel, Samsung vào Việt Nam, hàng hoá xuất khẩu bằng đường hàng không chỉ là trái cây, hải sản. Nhưng từ ngày FDI đổ vào mạnh mẽ, hàng không đã chuyên chở hàng điện tử, có giá trị cao. Chính sách Chính phủ cũng hết sức mở rộng cho phép gần như các hãng hàng không về hàng hoá tham gia. Tuy nhiên, khâu tổ chức còn yếu”, ông Dương Trí Thành nhận định.

Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, ông nhắc đến quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài như một điểm nghẽn lớn. “Bộ GTVT đã nói rất nhiều về kế hoạch lớn ở cụm miền Bắc – Trung – Nam nhưng triển khai chậm”.

Không chỉ với hạ tầng hàng không, bà Amanda Rasmussen, Giám đốc Vận hành của ITL Corp, và Chủ tịch AmCham TP. HCM nhận định vận tải đường thủy chưa phát triển như tiềm năng, phụ thuộc vào đường bộ… đã đang ảnh hưởng lớn đến quyết định chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam của các nhà đầu tư Mỹ, dù trước đó có nhiều hào hứng.

Hiện chi phí logistics tại Việt Nam đang chiếm đến 21% GDP. Đây là con số rất lớn so với các nước như Mỹ, Nhật hoặc các quốc gia Đông Nam Á khác. Những điều này, khi đặt trong bối cảnh Việt Nam đang được đặt lên bàn cân lựa chọn cho sự dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia vì thương chiến Mỹ – Trung sẽ trở thành vấn đề lớn. Nó đưa ra bài toán: hoặc cải thiện vấn đề hạ tầng, hoặc để tuột đi cơ hội lớn.

Tờ Bloomberg trước đó cũng đưa ra cảnh báo cơ sở hạ tầng quá tải, giá thuê đất tăng cao sẽ là những trở ngại trong việc dịch chuyển nhà máy của các tập đoàn đa quốc gia.

Đơn cử như Tapestry, chủ sở hữu của các thương hiệu Coach và Kate Spade, nói với Bloomberg rằng một số container bị đình trệ trên vùng biển. Trong khi đó, Eclat Textile, nhà cung cấp của Nike, cho biết họ cần đa dạng hóa ngoài Việt Nam bao gồm cả các địa điểm có chi phí thấp hơn.

Cơ sở hạ tầng là thách thức lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là tại các cảng. Chính phủ Việt Nam ước tính sẽ chi khoảng 80 – 100 nghìn tỷ đồng (3,44 – 4,31 tỷ USD) để phát triển hệ thống cảng biển. Song, việc nâng cấp các cảng hiện tại hay xây cảng mới vẫn chưa đem lại nhiều hiệu quả.

Sự tắc nghẽn tại các cảng dẫn tới chi phí tồn kho tăng và dây chuyền sản xuất ít đa dạng hơn, giao thương sẽ bị giới hạn ở những hàng hóa không quá nhạy cảm với thời gian. Do đó, Việt Nam cần đầu tư thêm cho kho, cảng biển, nhà ga đường sắt, và kho container nội địa.

Ông Tsai Wen Jui, chủ tịch của nhà sản xuất yên xe đạp của Đài Loan có nhà máy tại Bình Dương, DDK Group cho biết, với tình hình hiện tại, Việt Nam chắc chắn không thể đáp ứng nhu cầu của làn sóng dịch chuyển sản xuất. Ngay cả khi chỉ 5% các công ty Đài Loan tại Trung Quốc chuyển đến Việt Nam, cơ sở hạ tầng cũng sẽ bị quá tải.

Theo Minh Thuận/Thời báo chứng khoán