QC 1
Thứ 6, ngày 03/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Khối ngoại mua ròng, VN-Index bật tăng trở lại

VN-Index vừa có phiên đầu tuần phục hồi, tăng 5 điểm lên khu vực 1125. Tổng thanh khoản có phần sụt giảm và chỉ đạt 10 nghìn tỷ, cho thấy nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng trước những diễn biến rung lắc trong ngắn hạn.

VN-Index phục hồi lấy lại sắc xanh từ khi bắt đầu phiên giao dịch sáng. Sắc xanh vẫn được duy trì trong phiên chiều nhưng thanh khoản mua chủ động không còn gia tăng mạnh mẽ và có phần hụt hơi khi chỉ số chung chạm mốc 1125.

Kết phiên giao dịch ngày 3/7, VN-Index tăng 5,32 điểm (+0,47%) lên 1.125,50 điểm, vượt lên vùng giá cao nhất tháng 1/2023. HNX-Index kém tích cực giảm 0,72 điểm (-0,32%) về mức 226,60 điểm.

Độ rộng thị trường trên hai sàn niêm yết cải thiện, phục hồi tích cực trở lại với tổng cộng 351 mã tăng giá (11 mã tăng trần), 254 mã giảm giá (13 mã giảm sàn) và 116 mã giữ giá tham chiếu.

VN-Index hồi phục, bật tăng 5 điểm lên 1125. Ảnh minh họa

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm khá mạnh trong phiên đầu tiên của quý III khi chỉ có 11,927,87 tỉ đồng được giao dịch dưới mức trung bình. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng giá trị 133,70 tỉ đồng trên HOSE, trong đó tập trung mua ròng ở nhóm thép, dịch vụ tài chính, chứng khoán, mua ròng trên HNX với giá trị 25,62 tỷ đồng.

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), sau hai phiên giảm điểm, tâm lý chung của nhà đầu tư vẫn tỏ ra rụt rè và lo ngại về diễn biến điều chỉnh của thị trường trong ngắn hạn dẫn đến việc áp lực bán dần gia tăng và kéo chỉ số chung về sát mốc tham chiếu. Tuy nhiên, sự phân hóa vẫn hiện hữu rõ ràng khi lực cầu vẫn tìm đến các nhóm ngành riêng biệt và nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu hóa chất với mức tăng hơn 2%.

Số liệu từ Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho thấy, nhóm ngân hàng có diễn biến phân hóa mạnh, đa số chịu áp lực điều chỉnh, giao dịch với thanh khoản thấp với NVB (-3,92%), EIB (-3,06%), TCB (-1,08%), CTG (-0,85%)… ngoài các ngân hàng có giao dịch đột biến tích cực như NAB (+4,96%), SHB (+3,60%)…

Nhóm cổ phiếu bất động sản sau những phiên chịu áp lực bán, nhiều mã vẫn tếp tục điều chỉnh, thanh khoản ở mức thấp với NVL (-2,02%), NLG (-1,52%), NHA (-1,34%), CEO (-1,26%)… bên cạnh các cổ phiếu phục hồi tốt như LGL (+5,65%), HDC (+2,50%), ITC (+1,67%), VHM (1,64%)…

Trong khí đó, nhóm cổ phiếu thủy sản lại có diễn biến rất tích cực khi nhiều mã tăng mạnh, thanh khoản đột biến với VHC (+6,92%), ACL (+4,89%), CMX (+4,71%), ANV (+4,46%), FMC (+4,00%)… Các cổ phiếu phân bón cũng tăng giá tích cực trước kỳ vọng giá phân bón tăng như DDV (+3,92%), BFC (+3,34%), DCM (+3,22%), DPM (+2,59%)…

Cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến tích cực khi bắt đầu quý III, duy trì xu hướng tăng trưởng tốt hơn thị trường chung, khi nhiều mã dần có thông tin kết quả kinh doanh quý II tích cực như PVS (+2,47%), PVC (+1,66%), PVD (+1,43%), GSP (+1,28%)… Nhóm cổ phiếu cảng biển, vận tải biển đa số cũng có diễn biến khá tích cực, thanh khoản duy trì ở mức trung bình với VOS (+1,98%), DXP (+1,64%),GMD (+1,35%), HAH (+1,33%)…

Các chuyên gia của VCBS cho rằng, trong trường hợp tích cực, VN-Index sẽ có chuỗi phiên giao dịch tích lũy tại vùng điểm 1125 và tiếp tục bước vào sóng tăng điểm, hướng lên khu vực 1170. Tuy nhiên, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng khiến thị trường không giữ được vùng điểm này thì xác suất cao VN-Index sẽ tiếp tục đi ngang tích lũy nhưng với biên độ rộng hơn kèm theo sự phân hóa giữa các nhóm ngành.

Do đó, các chuyên gia VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, thu gọn danh mục, bán giảm những mã cổ phiếu đang có diễn biến yếu hơn thị trường và thất bại trong việc kiểm tra vùng hỗ trợ gần nhất.

Trong khi đó, các chuyên gia của SHS nhận định, về góc nhìn trung- dài hạn thị trường đang trong giai đoạn hồi phục sau khi đã bứt ra khỏi vùng tích lũy rất tốt trong 6 tháng trước đây và tạo cơ sở cho khả năng trong trung hạn VN-Index còn có thể hình thành xu hướng tăng.

Hiện tại, VN-Index đang sắp tiếp cận vùng cản mạnh quanh 1.150 điểm, nếu VN-Index vượt qua ngưỡng cản này sẽ hình thành xu hướng tăng nhưng thị trường sẽ cần nhiều thời gian hơn để tích lũy trước khi vượt cản mạnh, đồng thời cần thêm hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô tích cực. Với nền tảng hình thành sóng rất tốt trong thời gian qua, các chuyên gia kỳ vọng thị trường có cơ sở hình thành đà tăng trung hạn.

Thị trường ngắn hạn dự báo vẫn tiếp tục có các nhịp rung lắc, điều chỉnh trong sóng hồi hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh 1.150 điểm. Chuyên gia của SHS cho rằng, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tranh thủ nhịp điều chỉnh để cơ cấu lại danh mục nhưng nên duy trì tỷ trọng trung bình và hạn chế mua đuổi cổ phiếu giá cao.

Nhà đầu tư trung và dài hạn đã giải ngân trong giai đoạn vừa qua nên duy trì danh mục hiện tại. Trong trường hợp cần giải ngân thêm có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay.

Theo Nguyễn Luận/Doanh nghiệp và Thương hiệu Nông thôn

Nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/khoi-ngoai-mua-rong-vn-index-bat-tang-tro-lai-525444801-p46572.html