QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Kiểm soát lạm phát trong khoảng 4% nhưng phải tạo dư địa cho năm 2023

Nếu không có biến động quá bất thường, Việt Nam sẽ kiểm soát lạm phát năm 2022 ở ngưỡng 4% nhưng cần linh hoạt để còn tạo dư địa cho năm 2023.

Đây là một trong những nội dung được nêu trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm 2022 và định hướng các tháng cuối năm 2022.

Theo đó, CPI tháng 9 năm 2022 tăng 0,4% so với tháng trước. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2022.

Thông báo có biết, đến nay, nếu không có biến động quá bất thường thì công tác kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ giao trong khoảng 4% là có tính khả thi.

Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt để đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 và tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.

Do đó, Thông báo đề ra những yêu cầu cụ thể về điều hành giá (trong đó có mục tiêu trọng tâm là kiểm soát lạm phát) trong thời gian tới như điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đối với những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện). Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương và các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý tại từng thời điểm để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023, ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung – cầu thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm….

Theo Ánh Tuyết/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/kiem-soat-lam-phat-trong-khoang-4-nhung-phai-tao-du-dia-cho-nam-2023-51637.htm