QC 1
Thứ 4, ngày 26/06/2024 | Hotline: 0889.066.066

Kinh doanh online chưa đăng ký thuế, hàng vạn người lo bị truy thu, xử phạt

Bán hàng online nhưng chưa đăng ký, kê khai thuế, nhiều người đang lo bị phạt, truy thu. Pháp luật quy định người kinh doanh online chưa đăng ký thuế phải chịu các khoản phạt, như chậm đăng ký kinh doanh, kê khai, thuế nộp chậm.

Dân bán hàng online lo bị truy thu thuế

Nhiều người bán hàng online nhưng chưa đăng ký, kê khai thuế lo bị phạt, truy thu khi ngành thuế rà soát, kiểm tra việc kê khai, nộp thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp bán hàng.

Điều đáng nói, mức tiền phạt vi phạm này chỉ tính trên hành vi, bất kể doanh thu bao nhiêu, khiến không ít người buôn bán nhỏ lo lắng.

Chị Thu mở một cửa hàng bán quần áo ở huyện Kim Bảng, Hà Nam được 2 năm nay. Ngoài bán hàng trực tiếp, gần đây, chị Thu đã đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok…

Từ khi kết hợp 2 hình thức kinh doanh này, chị Thu không biết việc mình phải đăng ký kinh doanh. Bởi chị chỉ bán được từ 2-3 đơn mỗi ngày, doanh thu khoảng hơn 100 triệu đồng trong vòng 2 năm.

Tương tự, chị Lan (Hà Nội) bán hàng online trên Shopee được 4 năm nhưng chưa đăng ký kinh doanh. Shop của chị bán chỉ được 1-2 đơn mỗi ngày, doanh thu 4 năm chưa được 100 triệu đồng.

Chị Lan muốn chủ động đi khai để đóng thuế sớm nhưng lo bị truy thu. Chị nhẩm tính khoản tiền phạt có thể chiếm gần hết lãi bán hàng.

Trong khi đó, chị Hà Giang (ở Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, đã bán hàng, livestream trên Zalo, Facebook khoảng 3 năm nay. Mới đây, cơ quan thuế địa phương gửi thư mời chị đến làm việc, yêu cầu chị phải nộp gần 30 triệu đồng tiền thuế.

Chị Giang cũng không biết cơ quan thuế lấy thông tin từ đâu. Chị chỉ biết rằng khi đến làm việc, cán bộ thuế yêu cầu sao kê tài khoản ngân hàng, dựa vào các khoản tiền khách hàng chuyển khoản và tiền COD (thanh toán khi nhận hàng) của các đơn vị vận chuyển và yêu cầu nộp thuế.

Chị Ngọc Trang (Hà Đông, Hà Nội) bán hàng trên một sàn thương mại điện tử và có doanh thu hơn 800 triệu đồng trong 3 năm gần đây nhưng chưa kê khai nộp thuế.

Mới đây, chị nhận được thông báo truy thu từ cơ quan thuế với số thuế phải đóng là gần 15 triệu đồng. Ngoài ta, chị Trang còn phải đóng các khoản phạt lên tới gần 30 triệu đồng, trong đó có khoản tiền phạt chưa đăng ký, kê khai chậm.

Việc rà soát kê khai, nộp thuế của các cá nhân bán hàng online được ngành thuế đưa ra trong bối cảnh gia tăng các hoạt động thương mại điện tử, từ giao dịch trên các sàn tới kinh doanh trực tuyến, livestream.

Đáng chú ý, gần đây, một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như TikTok, Shopee… nở rộ livestream bán hàng với doanh số vài trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi phiên, với sự tham gia của các cá nhân bán hàng cho chính họ hoặc blogger, tiktoker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội được trả hoa hồng.

Nhiều ý kiến cho rằng việc này có thể dẫn tới nguy cơ thất thu thuế nếu nhà chức trách không có các biện pháp siết quản lý.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử, livestream.

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, cả nước có 3,1 triệu hộ, cá nhân kinh doanh. Nhưng nhiều người bán online chưa đăng ký, kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế nhiều lần cho biết sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ thương mại điện tử nhưng không khai, đăng ký hay nộp thuế.

Đăng ký thuế là việc người bán kê khai với cơ quan thuế các thông tin định danh (họ tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ…) để phân biệt với người nộp thuế khác. Sau khi đăng ký, người bán hàng sẽ được cấp một mã số thuế, bắt đầu kinh doanh.

Người bán hàng online chưa đăng ký thuế bị xử lý ra sao?

Pháp luật về thuế quy định, trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân có hoạt động kinh doanh, không phân biệt có đăng ký kinh doanh hay không, nếu không thuộc đối tượng được miễn thuế thì sẽ phải nộp thuế theo quy định của pháp luật như: thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN), lệ phí môn bài.

Tại khoản 3, Điều 10, Thông tư 40/2021/TT-BTC, số thuế TNCN và số thuế GTGT mà hộ, cá nhân bán hàng online được xác định theo công thức: “Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN.”

Điều 33 Luật Quản lý thuế quy định, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh. Trường hợp chưa đăng ký thuế, người kinh doanh phải chịu các khoản phạt, như: chậm đăng ký kinh doanh, kê khai, thuế nộp chậm.

Tại Điều 4, Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về nguyên tắc tính thuế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo pháp luật về Thuế GTGT và thuế TNCN.

Như vậy, người bán hàng online là người có nghĩa vụ nộp thuế GTGT và thuế TNCN nếu có doanh thu bán hàng online 100 triệu đồng/năm.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế đầy đủ, chính xác và trung thực, nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác và trung thực của hồ sơ thuế theo quy định.

Thực tế hiện nay, nhiều cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến chưa đăng ký thuế. Vẫn còn các trường hợp chưa tuân thủ quy định của pháp luật về thuế.

Trường hợp nếu thuộc đối tượng đóng thuế mà hộ, cá nhân kinh doanh online không đóng thuế hoặc đóng thuế muộn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật theo Điều 13, Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Tại khoản 2, Điều 59, Luật Quản lý thuế năm 2019, mức tính tiền nộp chậm bằng 0,03% ngày tính trên số thuế chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp sẽ được tính liên tục từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp thuế đến ngày liền kề trước ngày người nộp thuế chuyển tiền nộp chậm vào ngân sách nhà nước.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đình Hiệp (Công ty Luật TNHH Hoanganh IBC) nhìn nhận buộc kê khai, đăng ký là công cụ quản lý để tránh thất thu thuế. Nhưng thủ tục hành chính này trong một số trường hợp có thể đem lại rắc rối hoặc khiến cá nhân e ngại khi quyết định kinh doanh.

Theo ông Hiệp, không phải mọi trường hợp cá nhân đã đăng ký đều phải nộp thuế. Bởi, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, người có doanh thu từ kinh doanh dưới 100 triệu đồng một năm sẽ không phải chịu loại thuế này, gồm trường hợp thu nhập phát sinh từ bán hàng online.

Do vậy, ông Hiệp cho rằng nhà chức trách có thể coi mức doanh thu 100 triệu đồng là mốc xác định nghĩa vụ đăng ký thuế. Tức là, người bán online sẽ tự xác định mức thu nhập của mình, dựa trên ngưỡng này. Sau đó, khi kinh doanh ổn định, nếu vượt họ mới cần đi đăng ký. Việc này giúp người kinh doanh online tránh các thủ tục không cần thiết nếu họ bán ở quy mô nhỏ, không thường xuyên.

Theo Minh Anh/ VietnamFinance