QC 1
Thứ 4, ngày 08/05/2024 | Hotline: 0889.066.066

Masan Consumer lên kế hoạch 2021 lãi tối thiểu 5000 tỷ đồng, chia cổ tức 45%

Năm 2021, Masan Consumer đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 27.000 đến 30.500 tỷ đồng, tăng từ 16-31%. Bên cạnh đó, công ty trình cổ đông phương án phân chia cổ tức với tỷ lệ 45% cho năm 2020.

CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã: MCH) vừa thông báo dự kiến họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên vào ngày 1/4/2021 tại Lào Cai. Hiện công ty đã công bố các tài liệu dự kiến trình Đại hội cổ đông lần này.

Masan Consumer cho biết, năm 2020 thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy các tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới vẫn dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi dần trong năm 2021.

Theo tờ trình ĐHĐCĐ, năm 2021, Masan Consumer đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 27.000 đến 30.500 tỷ đồng, tăng trưởng từ 16-31% so với doanh thu thực hiện năm 2020 (23.343 tỷ đồng).

Kế hoạch lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty mẹ khoảng 5.000 đến 5.500 tỷ đồng, tăng trưởng 11-22% so với lợi nhuận đạt được năm 2020 (4.520 tỷ đồng).

Theo số liệu trên BCTC hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán ghi nhận, lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 4.597 tỷ đồng, tăng trưởng 13,2% so với năm 2019, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 4.520 tỷ đồng. EPS đạt 6.403 đồng. Đây cũng là mức lãi kỷ lục công ty từng đạt được từ khi lên sàn.

Với kết quả đạt được, Masan Consumer trình Đại hội cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 trong đó thực hiện chia cổ tức tỷ lệ 45%. Thời gian thực hiện sau khi hoàn tất các thủ tục, trong vòng 6 tháng kể từ ngày Nghị quyết ĐHCĐ thông qua.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Masan cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 (đã kiểm toán) với lãi ròng 1.234 tỷ đồng, giảm 78% so với năm 2019. Dù phát sinh lãi nhưng doanh nghiệp lại bất ngờ có một khoản lỗ sau thuế chưa phân phối 25.200 tỷ đồng.Giới đầu tư và các cổ đông đang hốt hoảng trước thông tin về khoản lỗ “khủng” lên tới hơn 25.200 tỷ đồng này. Báo cáo cho thấy, The CrownX đã đầu tư mua cổ phần Vincommerce – công ty con của Tập đoàn Vingroup để nắm sở hữu chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Vinmart và Vimart+ trong năm 2020.

Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên của Masan Consumer)

Ngoài ra, HĐQT Masan Consumer đề xuất không chi trả thù lao năm 2021 cho Hội đồng quản trị. Và duyệt chi ngân sách hoạt động năm 2021 của Hội đồng quản trị không quá 2 tỷ đồng. Đồng thời sẽ trình phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên công ty và các công ty con, công ty liên kết. Tỷ lệ phát hành tối đa 1% tổng số cổ phần đang lưu hành, tương ứng với số cổ phần ESOP tối đa là 7.267.938. 

Giá phát hành 70.000 đồng/cp và thời gian phát hành dự kiến là trong trong năm 2021 hoặc 4 tháng đầu năm 2022. 

Trong buổi họp tới đây, doanh nghiệp cũng dự kiến bầu bổ sung thêm hai thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024, nâng tổng số thành viên HĐQT lên 7 thành viên.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã: MSN) gây chú ý khi năm 2020 báo lãi nhưng phát sinh một khoản lỗ sau thuế chưa phân phối 25.200 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, phần lỗ trên chủ yếu đến từ các giao dịch với cổ đông không kiểm soát trong CrownX. Trong tháng 6 và tháng 8/2020, Masan Group đã mua thêm 14,8% vốn chủ sở hữu của CrownX với tổng số tiền là 23.692 tỷ đồng. Sau khi mua lại, lợi ích kinh tế của Masan Group trong đơn vị này tăng từ 70% lên 84,8%. Trong khi đó, giá trị ghi sổ tương ứng của phần tài sản thuần mua lại chỉ gần 1.672 tỷ đồng nên chênh lệch này được ghi nhận giảm 22.020 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.Năm qua, The CrownX đã đầu tư mua cổ phần Vincommerce – công ty con của Tập đoàn Vingroup để nắm sở hữu chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Vinmart và Vimart+ trong năm 2020. Do xuất hiện khoản lỗ này, vốn chủ sở hữu của Masan Group đã giảm hơn một nửa so với cuối năm 2019, từ 51.888 tỷ đồng xuống còn 25.030 tỷ đồng. Tuy nhiên tổng nguồn vốn vẫn tăng lên 115.700 tỷ đồng do tăng vay nợ tài chính và trái phiếu, dẫn đến cấu trúc vốn bị mất cân đối khi tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,6 lần (so với con số 0,88 cuối năm 2019).

Theo Anh Phương/Việt Mỹ

Nguồn: https://vietmy.net.vn/kinh-te/masan-consumer-len-ke-hoach-2021-lai-toi-thieu-5000-ty-dong-chia-co-tuc-45-489434