QC 1
Thứ 2, ngày 29/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Mở cửa du lịch: Địa phương lên phương án thế nào?

Nhiều địa phương đã sẵn sàng cho một mùa du lịch Hè nhộn nhịp trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh cho du khách.

Mở cửa du lịch: Địa phương lên phương án thế nào?

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch, phương án mở cửa du lịch phù hợp với địa phương trên cơ sở tiếp tục thực hiện các chủ trương, văn bản hướng dẫn liên quan đến mở cửa lại hoạt động du lịch; đề xuất các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch.

Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách du lịch sau 2 năm dịch Covid-19; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh nghiệp, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Bộ cũng yêu cầu ban hành các chính sách kích cầu thu hút khách như giảm giá vé tham quan, tặng thêm dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch; phổ biến, thực hiện các chính sách giảm phí cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, phí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động của trung ương và địa phương để khuyến khích các chủ thể tham gia tích cực phục hồi hoạt động du lịch;

Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn chuẩn bị cho mở cửa lại hoạt động du lịch, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.

Địa phương lên kế hoạch thế nào?

Trao đổi với Đầu tư Tài Chính, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa -Vũng Tàu, cho biết sau 4 tháng tạm ngưng hoạt động do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kể từ ngày 15/10/2021, UBND tỉnh đã cho phép triển khai thí điểm 4 khách sạn đón và phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh (cụ thể: Six Senses Côn Đảo, Minera Hồ Tràm, Melia Hồ Tràm và Hồ Tràm Strip). Như vậy, có thể nói du lịch Bà Rịa -Vũng Tàu đã mở cửa hoạt động trở lại từ 15/10/2021. “Trong gần 2 tháng diễn ra chương trình thí điểm, các cơ sở lưu trú đón được gần 17.000 khách đảm bảo an toàn; nhìn chung về cơ bản chương trình thí điểm đã phát huy hiệu quả, công tác phòng chống dịch được triển khai nghiêm túc”, ông Trịnh Hàng chia sẻ.

Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết ngày 7/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh được nới lỏng, cho phép hoạt động trở lại dựa trên các cấp độ dịch bệnh; Sở Du lịch cũng đã ban hành kế hoạch triển khai và hướng dẫn phương án phòng chống dịch đến các địa phương, hiệp hội du lịch và các cơ sở du lịch để lập phương án thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả công tác phòng chống dịch trình cấp huyện phê duyệt và đi vào hoạt động từ 10/12/2021.

Tại tỉnh Khánh Hoà, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hoà, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, cho biết việc triển khai đón khách du lịch quốc tế đã được thực hiện từ tháng 11/2021. Tính đến ngày 10/3/2022, Khánh Hòa đã đón được 51 chuyến bay với gần 11.000 khách du lịch quốc tế đến từ các nước như: Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, chiếm chủ yếu trong lượng khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin đến Việt Nam trong giai đoạn này. Hầu hết du khách quốc tế đều thể hiện sự hài lòng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ được cung cấp và bày tỏ sự tin tưởng về các giải pháp phòng, chống dịch, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách trong thời gian lưu trú trên địa bàn tỉnh.

Chính vì vậy, ngành du lịch Khánh Hòa nói chung và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh nói riêng đã có kinh nghiệm trong việc phục vụ khách du lịch, trong đó có khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc xin”, việc kiểm tra các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu thực hiện theo doanh nghiệp xây dựng phương án hoạt động và mở cửa kinh doanh, Sở Du lịch sẽ tiến hành hậu kiểm để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đối với nguồn nhân lực ngành du lịch, bà Thanh nói hiện nay vẫn đảm bảo được số lượng cũng như chất lượng theo nhu cầu của ngành. Trong năm 2022, Sở Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức một số lớp đào tạo, bồi dưỡng để duy trì và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho nguồn nhân lực của các doanh nghiệp để đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.

Bà Thanh cho biết thêm ngành du lịch Khánh Hòa sẽ hướng đến những thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm với lượng khách lớn đến Khánh Hòa trong nhiều năm trở lại đây, có khoảng cách gần, khả năng phục hồi sớm và nhiều tiềm năng như: Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ…

“Có thể nói rằng thương hiệu du lịch Nha Trang – Khánh Hòa luôn gắn liền với du lịch biển đảo, với việc sở hữu một số lượng lớn các khách sạn, khu nghỉ dưỡng biển 5 sao mang đẳng cấp quốc tế nằm cạnh các bãi biển đẹp trong thời gian vừa qua đã thu hút được rất đông khách du lịch trong nước và quốc tế, phù hợp với xu hướng du lịch sau dịch Covid-19. Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành du lịch Khánh Hòa xác định đây là sản phẩm chủ lực để thu hút khách du lịch bên cạnh các loại hình sản phẩm du lịch bổ trợ khác như: du lịch vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh…”, bà Thanh nói.

Tại Đà Nẵng, để sẵn sàng cho việc mở cửa hoạt động du lịch, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết Sở Du lịch tỉnh đã tham mưu UBND Thành phố ban hành phương án chuẩn bị mở cửa trở lại hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố từ 15/3/2022, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: chuẩn bị nguồn nhân lực đảm bảo số lượng – chất lượng tương ứng với mức độ phục hồi của các thị trường khách du lịch; chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch; công tác đảm bảo an ninh an toàn và phòng chống dịch; công tác xúc tiến thị trường, truyền thông điểm đến; chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ du lịch thu hút khách và triển khai các hoạt động cộng đồng.

Song song với các phương án chuẩn bị tổ chức trở lại hoạt động du lịch, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng sẽ có các yêu cầu thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch như: xây dựng và triển khai phương án phòng chống dịch tại cơ sở kinh doanh; công tác đào tạo, tấp huấn cho nhân viên; chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vệ sinh, khử khuẩn; yêu cầu đối với nhân viên và khách du lịch sử dụng dịch vụ du lịch; hướng dẫn về quy trình đón và phục vụ khách, quy trình xử lý sự cố y tế tại cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Đồng thời, Sở cũng phân công cụ thể trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch và cộng đồng tham gia khôi phục, mở cửa trở lại các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố đảm bảo an ninh an toàn, chất lượng, chuyên nghiệp và đạt hiệu quả thiết thực đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo Đinh Ngà/Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/mo-cua-du-lich-dia-phuong-len-phuong-an-the-nao-20180504224266694.htm